Thứ bảy, 27/04/2024, 05:52 [GMT+7]

Những tuyến đường do dân “làm chủ”

Thứ tư, 30/12/2020 - 10:23'
(BLC) - Khi giao thông đi trước một bước sẽ “mở đường” cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Nhận thức rõ việc đó, huyện Tân Uyên chú trọng nâng cao chất lượng thi công các công trình giao thông nông thôn đưa vào phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Câu chuyện của ông Nguyễn Trọng Hài – Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Uyên khiến chúng tôi lưu tâm về sự mới mẻ mà huyện chỉ đạo trong thi công các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay. Thay vì mở độ rộng mặt đường 2,5m trở lại như những năm trước, nay huyện thống nhất tối thiểu mặt đường là 3m trở lên để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong đi lại, sinh hoạt cũng như vận chuyển nông sản, giao thương. Chứng minh cho lời nói, ông Hài đưa chúng tôi đi thăm quan một số tuyến đường vào các bản tái định cư thuộc xã Trung Đồng. Chỉ tay vào 2 tuyến đường cũ và mới đi vào bản tái định cư Tân Dương, ông Hài so sánh: “Đây là 2 tuyến đường được đầu tư xây dựng cách nhau 5 năm. Trước đây, có thể do nguồn kinh phí hạn hẹp và bà con cũng chưa thực sự lưu tâm đến việc giám sát đơn vị thi công làm đường nên chất lượng chưa cao như bây giờ. Nếu so tuyến mới và cũ chắc chắn khác hẳn nhau”.

Quả thật là vậy, tuyến đường giao thông đi vào bản Tân Dương mới được bàn giao và đưa vào sử dụng cách đây chưa lâu, mặt đường nguyên màu xi-măng mới, hai bên rãnh thoát nước vẫn còn đợi người dân đắp đất chuẩn bị trồng hoa. Điều ấn tượng nhất với chúng tôi đó là mặt đường rộng, mịn và phẳng phiu, khác xa với con đường gập ghềnh, lôm nhôm sỏi đá trước đây.

Anh Hoàng Văn Bun - Trưởng bản Tân Dương cho hay, bản có 65 hộ, chuyển về đây cũng đủ chục năm. Những ngày đầu cùng với nguồn vốn tái định cư, bản đã được đầu tư xây dựng trường, trạm song sau nhiều năm sử dụng, đường xuống cấp rất khó khăn cho việc đi lại, hơn nữa vào mùa khô bụi đường khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân rất bất tiện. Để có được những tuyến đường đẹp thế này, các tổ chức đoàn thể xã, trưởng bản, dân bản thay nhau giám sát cũng như đồng hành cùng đơn vị nhà thầu thi công. Giờ đây, buổi tối bà con quây quần trước nhà, các cháu nhỏ có không gian vui chơi, gia đình nào cũng vui.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện và UBND xã Trung Đồng kiểm tra tuyến đường giao thông nông thôn tại bản Bút Dưới.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện và UBND xã Trung Đồng kiểm tra tuyến đường giao thông nông thôn tại bản Bút Dưới.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về kinh nghiệm để có những tuyến đường giao thông đầu tư hiệu quả như ở Tân Dương, anh Lò Văn Thi – Chủ tịch UBND xã Trung Đồng cho biết: Tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã là trên 29km. Trong những năm qua, việc xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn nhằm phục vụ chương trình nông thôn mới được xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Do phụ thuộc về nguồn vốn của Trung ương và kinh phí hạn hẹp nên xã phát huy tối đa vai trò hợp tác, đóng góp của Nhân dân. Đồng thời khi công trình đưa vào sử dụng phải thực sự chất lượng, đảm bảo tuổi thọ lâu dài thì công tác vận động, tuyên truyền người dân mới hiệu quả. Khi người dân hiến đất, bàn giao mặt bằng bắt đầu khởi công, xã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát về nguyên liệu đầu vào (cát, đá phải sạch và chất lượng ximăng đảm bảo). Các đồng chí lãnh đạo xã, cán bộ địa chính thường xuyên kiểm tra về yếu tố kỹ thuật, đồng thời huy động sự vào cuộc giám sát của Thường trực và đại biểu HĐND, MTTQ và đoàn thể xã, các ban thanh tra giám sát đầu tư cộng đồng ở các bản. Đặc biệt, người dân chính là “tai mắt” để theo dõi quá trình thi công. Xã yêu cầu đơn vị nhà thầu công khai minh bạch về số lượng đá, cát, ximăng và kiểm soát tỷ lệ trộn nguyên liệu.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Tân Uyên có 284 tuyến tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 392km, trong đó giao thông nội bản 165 tuyến; 69 tuyến giao thông nội đồng và 50 tuyến giao thông liên bản. Do địa hình chia cắt mạnh, tình hình mưa lũ hàng năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ các công trình giao thông. Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn trên 120km đường đất và 6,9km đường cấp phối, 21km đường bêtông ximăng đã xuống cấp. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư trung bình 30 tỷ đồng/năm để phục vụ nâng cấp các tuyến đường xuống cấp và duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đã được đầu tư.

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Trọng Hài cho biết thêm: Hàng năm, căn cứ nhu cầu đề xuất của các xã, Phòng Kinh tế - Hạ tầng tham mưu cho huyện rà soát, xây dựng kế hoạch cho năm sau. Do nguồn lực có hạn nên huyện sẽ ưu tiên những tuyến cấp thiết hoặc ở những nơi người dân sẵn sàng hiến đất, ngày công để đầu tư trước. Chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích thuộc về người dân nên cần sự phối hợp chặt chẽ trong thi công, duy tu, bảo quản các tuyến đường. Các tuyến đường được đầu đều đảm bảo mặt đường tối thiểu 3m, nền đường 4m, kể cả các tuyến giao thông nội bản. Ở những vị trí nào có thể bố trí thêm thì huy động Nhân dân hiến thêm làm rãnh thoát nước, rãnh hộp, vỉa hè, đường điện chiếu sáng phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Huyện phấn đấu tối đa để mọi tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư không có sản phẩm nào bị “lỗi”.

Với sự tham mưu đắc lực và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, tính chủ động của người dân, mong rằng những tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Tân Uyên sẽ thực sự phục vụ được lợi ích của người dân và do Nhân dân làm chủ.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...