Chủ nhật, 05/05/2024, 16:55 [GMT+7]

Sìn Hồ: Gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ hai, 13/06/2016 - 15:14'
(BLC) - Triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sìn Hồ đã tích cực, chủ động và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, trong đó nổi bật: “Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. 

Người dân bản Ngài Chồ (xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ) chuyển từ trồng lúa nương sang trồng chuối đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khắc phục những khó khăn về điều kiện địa hình và khí hậu, huyện Sìn Hồ luôn xác định, ngoài việc đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn còn phải quan tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đa dạng, biến khó khăn thành lợi thế phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo điều kiện địa hình, khí hậu. Từ năm 2011 đến nay, huyện Sìn Hồ được đầu tư hơn 755.343 triệu đồng để xây dựng NTM. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, xã cũng sử dụng nguồn vốn để thực hiện một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Toàn huyện đã vận động được 120.000 ngày công của Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. Vận động Nhân dân tích cực hiến đất làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi với tổng diện tích đất hiến là 130.739m2 và đóng góp hơn 18 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa ở các thôn, bản. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 5%/năm; năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo ước còn 24,86% (theo tiêu chí cũ). Bình quân các xã đạt 10,3 tiêu chí/xã, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và 9 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Hiện nay, huyện không còn xã trắng về các tiêu chí xây dựng NTM.

Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn, huyện Sìn Hồ tập trung vào những khâu then chốt như: áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; chỉnh trang lại đồng ruộng từ hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện quy hoạch lại vùng sản xuất, trên cơ sở đó thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích. 

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được huyện quan tâm chỉ đạo, bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây lúa, ngô, rau màu và cây thực phẩm. Với tổng diện tích gieo trồng đạt 24.231ha, sản lượng lương thực đạt 41.403 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 513kg/người/năm. Huyện tranh thủ tối đa sự hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước tiến hành chọn các giống cây lương thực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và địa hình để hỗ trợ bà con nông dân như: các giống ngô, lúa lai, lúa thuần năng suất chất lượng cao: xuyên hương 178, nghi hương 2308, hương thơm số 1, khang dân 18, bắc thơm,  CP333, NK66… Các loại vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, chủng loại tốt như: ngan lai Pháp, vịt bầu cánh trắng, gà mía, cá chép, trắm, rôphi đơn tính… được đưa vào nuôi. Các phòng chuyên môn thực hiện các mô hình khuyến nông giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Giá trị chăn nuôi tăng từ 7,82 triệu đồng (năm 2010) lên 13,8 triệu đồng (năm 2015). Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất tập trung, trang trại, gia trại gắn với vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Tổng đàn gia súc toàn huyện gần 63.138 con, gia cầm 284.000 con, chất lượng đàn gia súc, gia cầm không ngừng được nâng lên.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 170ha, sản lượng đạt 300 tấn, trong đó nuôi trồng 234 tấn và đánh bắt 66 tấn. Huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về lâm nghiệp, giai đoạn 2012 - 2015 thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với kinh phí 54 tỷ đồng. Có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện trong nông, lâm, ngư nghiệp để liên kết người nông dân với phương châm “người dân là chủ thể có đất, sức lao động; nhà nước hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm” đã thúc đẩy Nhân dân phát triển sản xuất, hăng say lao động. Đối với cây công nghiệp thì cao su là cây trồng góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Được đưa vào trồng trên địa bàn huyện từ năm 2008, đến hết năm 2015, tổng diện tích cây cao su đã trồng gần 8.156ha tại các xã vùng thấp, tuy chưa khẳng định được nguồn thu từ mủ cao su song về giải quyết công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương đã có kết quả rõ nét.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Văn Liệt - Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Thời gian tới, để thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo ra giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu của huyện; tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm giúp người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục có chính sách thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị của nông sản, nâng cao lợi nhuận người sản xuất; khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn xây dựng NTM đạt kết quả tốt; tập trung và mở rộng diện tích các loại cây dược liệu có giá trị cao ở khu vực các xã vùng cao…

Có thể thấy, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của huyện Sìn Hồ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những kết quả trên đã phản ánh sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong huyện nhiều năm qua. Huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các loại cây trồng, vật nuôi, đầu tư hỗ trợ các loại giống mới và khai thác tối đa diện tích đất bán ngập vùng lòng hồ thủy điện gắn với xây dựng NTM, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...