Thứ sáu, 03/05/2024, 18:01 [GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Pu Sam Cáp: Chậm mà chắc

Thứ tư, 16/11/2016 - 20:43'
(BLC) - Pu Sam Cáp là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã gặp vô vàn trở ngại. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm của người dân và hệ thống chính trị nơi đây, Pu Sam Cáp đang bước những bước tuy chậm nhưng chắc chắn trên con đường tới đích NTM.

Hiện nay, xã Pu Sam Cáp mới đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM. Có nhiều nguyên nhân, song có thể kể ra một vài vấn đề cốt lõi mang tính rào cản trên con đường đến với đích NMT như: tỷ lệ hộ đói nghèo cao; mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế; các bản ở xa nhau, nhiều bản biệt lập; kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông còn rất thấp kém; nhiều phong tục, hủ tục chưa hoàn toàn bị bài trừ; tâm lý người dân đôi khi còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước… Tuy nhiên, qua tìm hiểu quá trình xây dựng NTM của xã, chúng ta có thể thấy những bước đi của Pu Sam Cáp tuy chậm nhưng rất chắc chắn bởi hiện nay người dân Pu Sam Cáp đã hiểu về mục đích, ý nghĩa cũng như trách nhiệm trong việc xây dựng NTM cho chính mình hưởng thụ.

Bà con bản Hồ Sì Pán 2 làm đường giao thông nội bản.

Minh chứng đầu tiên cho thấy sự đổi thay trong nhận thức của người dân là những con đường nội bản ở các bản Hồ Sì Pán 1, 2, Nà Phân, Nậm Béo dù rất khó khăn nhưng đã được đổ bêtông vững chắc. Đồng chí Lưu Đình Hồng - Bí thư Đảng ủy xã kể lại: Năm 2014, xã triển khai đổ bêtông con đường giao thông nội bản đầu tiên của xã trong chương trình xây dựng NTM tại bản Nà Phân. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, việc huy động người dân đóng góp công sức, hiến đất làm đường quả thật rất khó khăn, bởi bà con vẫn chưa hiểu về bản chất của chương trình là nhà nước và Nhân dân cùng làm và Nhân dân chính là người thụ hưởng. Tuy nhiên, xã đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng giáo dục trực quan như: đưa bà con đến thăm các mô hình xây dựng NTM ở các địa phương khác; phát huy vai trò của người có uy tín, tuyên truyền bền bỉ, lồng ghép trong nhiều chương trình, cuộc họp khác nhau. Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức các cuộc họp công khai, dân chủ để người dân nói lên những băn khoăn, thắc mắc để giải đáp… Cuối cùng, Nhân dân cũng hiểu được bản chất, mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của chương trình. Khi một người trong bản đã hiểu, họ tự tuyên truyền, vận động nhau ủng hộ chương trình đến ủng hộ ngày công rồi hiến đất. Trong quá trình làm, xã khéo léo đưa trưởng bản ở các bản khác đến tham quan mô hình để tăng cường giáo dục, người dân tự vận động nhau. Sau khi bản Nà Phân hoàn thành con đường mới cũng là lúc xã liên tiếp nhận được những đề nghị xin được làm đường ở các bản khác… Tổng kết công trình, Nhân dân ở bản Nà Phân đã đóng góp được 167.817.000 đồng (góp công, hiến đất cũng như một số vật liệu khác).

Con đường ở bản Nà Phân không chỉ cho người dân trong bản được hưởng lợi mà còn giúp bà con hiểu thêm trách nhiệm trong việc xây dựng NTM. Nhìn vào Nà Phân, bà con các bản khác càng quyết tâm, hăng hái đóng góp công sức, hiến đất... xây dựng đường giao thông trong bản mình. Năm 2015, xã và Nhân dân bản Nậm Béo - bản nằm biệt lập trên đỉnh núi, xa nhất, khó khăn nhất của xã xây dựng tuyến đường bêtông nội bản. Ngày làm đường trời đổ mưa, tuyến đường chở vật liệu lên bản lầy lội, xe ôtô di chuyển rất khó khăn, bà con tình nguyện dùng xe máy của gia đình vận chuyển vật liệu phục vụ chương trình. Anh Chang A Thào - Trưởng bản Nậm Béo chia sẻ: Bà con đã không còn ỷ vào Nhà nước hỗ trợ, bởi có đường thì mọi sinh hoạt đều thuận lợi nên dân bản tự vận động. Những ngày đổ đường bêtông, bà con đều tự giác tham gia ngày công từ sáng sớm tới mờ tối. Tính ra dân bản đã góp được hơn 300 triệu đồng (tiền quy đổi từ ngày công) để cùng Nhà nước hoàn thiện con đường bêtông nội bản. Hôm nay đi trên con đường phẳng phiu này, bà con càng thấm thía hơn cái ơn, cái tình của Đảng, Nhà nước...

Ngày chúng tôi về Pu Sam Cáp, bà con bản Hồ Sì Pán 2 cũng đang làm đường bêtông nội bản. Từ sáng sớm tinh mơ đã nghe tiếng loa của Trưởng bản Thào A Nhè giục giã, bà con từ những nếp nhà còn ấp ủ sương núi kéo ra, người xẻng, người cuốc, người đảo vữa, người làm mặt bằng... tự giác như làm việc nhà mình. Trưởng bản Thào A Nhè còn cho biết: Để có đường bêtông sạch đẹp, nhiều hộ tình nguyện hiến đất nương, đất vườn, nếu đường đến đất nhà nào thì nhà ấy tự tháo dỡ, di chuyển tài sản, cây cối, hoa màu, tất cả đều đồng tình, ủng hộ chương trình xây dựng NTM.

Không chỉ làm đường giao thông nông thôn, để nhanh có cuộc sống mới, bà con tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến nay, các giống lúa bản địa đã thoái hóa, kém năng suất, chất lượng không còn được bà con trồng mà thay vào đó là những giống lúa thuần, lúa lai năng suất tốt. Bà con cũng biết sử dụng các loại phân bón hóa học kết hợp phân chuồng, các chế phẩm hóa, sinh để bảo vệ thực vật, biết tiêm phòng cho đàn vật nuôi; các loại máy nông nghiệp như máy tuốt, máy vò, máy cày, máy làm đất cũng đã không còn xa lạ với bà con... Và, từ đó tư duy canh tác kiểu cũ đã dần được thế chỗ cho phương pháp sản xuất mới, vụ đông đang dần trở thành một vụ đầy hứa hẹn ở nơi đây.

Được Đảng, Nhà nước chăm lo, lại được người dân đồng thuận ủng hộ, các lĩnh vực văn hóa, xã hội của xã có nhiều bước tiến mới. Tỷ lệ học sinh ra lớp luôn đạt gần như tuyệt đối, riêng năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh chuyển cấp ở cả 3 cấp học đạt trên 97%. Các hủ tục lạc hậu không còn chỗ đứng trên đất này. Tình hình an ninh nông thôn được đảm bảo. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn 40,6% (giảm 22,6% so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm…

Nếu đem so Pu Sam Cáp với các xã khác về tốc độ thực hiện các tiêu chí NTM thì có vẻ hơi khiên cưỡng nhưng so với chính mình, Pu Sam Cáp đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trên con đường đi lên NTM. Vẫn biết con đường ấy còn dài nhưng dưới sự dìu dắt của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng quyết tâm của bà con nơi đây có lẽ đích đến không phải là điều quá xa vời.

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...