Chủ nhật, 05/05/2024, 18:39 [GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới các xã vùng biên

Thứ sáu, 23/12/2016 - 22:45'
(BLC) - Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở một tỉnh miền núi như Lai Châu đã khó, ở các xã vùng biên trong tỉnh còn khó khăn, trở ngại hơn rất nhiều. Và chặng đường “cán đích” xây dựng NTM nơi biên cương Tổ quốc vẫn còn lắm gian nan cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh.

Lai Châu có 23 xã biên giới thuộc 4 huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ với 229 bản (trong đó 180 bản đặc biệt khó khăn). Sau 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 16/7/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã biên giới đến năm 2015, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc khu vực biên giới đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, kết cấu hạ tầng quan trọng được tập trung đầu tư, quốc phòng, an ninh được giữ vững,... Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa được như mong muốn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao - năm 2015 là 54,73%. Đến hết năm 2015, bình quân các xã biên giới mới đạt 8,92 tiêu chí NTM/xã (tăng 5,8 tiêu chí so với năm 2011), xã thấp nhất đạt 6 tiêu chí, xã cao nhất đạt 12 tiêu chí.

Cán bộ thú y bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng các khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

 Tìm hiểu về tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, anh Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngay sau huyện khi triển chương trình xây dựng NTM xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý chương trình xây dựng NTM xã giai đoạn 2010-2020 và 11 Ban phát triển thôn bản tại 11/11 thôn bản. Để bà con hiểu và chung sức thực hiện, cấp uỷ chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình… Bên cạnh đó, chú trọng lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn tu sửa Trạm y tế, xây dựng lớp học, nhà bán trú. Cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi, nâng cấp làm mới hệ thống đường điện, xây dựng kè mốc 68… từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của Nhân dân. Tính đến hết tháng 11/2016, xã Mù Sang đã đạt 8/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Tuy nhiên các tiêu chí còn lại là những tiêu chí rất khó thực hiện như: về tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 42,06% nhưng xét theo bộ tiêu chí quốc gia, hay tiêu chí giảm nghèo đa chiều công bố đầu năm 2016 thì tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao. Trong khi đó, tiêu chí nhà ở dân cư xã cũng khó thực hiện do còn một số nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng đạt thấp. Môi trường cũng là tiêu chí khó đối với xã bởi tập quán chăn nuôi theo kiều thả rông, nhốt gia súc gia cầm ngay cạnh nhà… Là những nguyên nhân khiến cho tiến độ cho xây dựng NTM ở xã bị chậm. Và không chỉ ở Mù Sang mà nhiều xã biên giới của tỉnh, công cuộc xây dựng NTM cũng cò lắm gian nan.

Xác định, biên giới là phên dậu của quốc gia, là địa bàn chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các xã vùng biên. Thông qua nhiều chương trình, dự án, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp đất đai, công lao động của người dân nhằm từng bước đổi thay diện mạo nông thôn các xã biên giới. Ngành Nông nghiệp – đơn vị thường trực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây nông thôn mới của tỉnh cũng tích cực tham mưu, cụ thể hóa các chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, dự án, quy hoạch dài hạn về việc phát triển nông, lâm nghiệp toàn tỉnh nói chung và 23 xã biên giới nói riêng. Trong đó, đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; phát triển cây cao su đại điền đến năm 2020; phát triển thủy lợi giai đoạn 2011-2020; đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012-2020. Các quy hoạch, đề án cơ bản đã nêu được thực trạng, định hướng, mục tiêu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn các huyện nghèo nói riêng nên đã góp phần vào việc thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Từ nhiều chương trình, dự án Ngành Nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn các xã biên giới nói riêng về giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư, phân bón, thực hiện các mô hình khuyến nông, tập huấn, đào tạo, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, cải tạo ao nuôi cá và chi trả kinh phí dịch vụ môi trường rừng giúp Nhân dân các dân tộc các xã biên giới phát triển sản xuất, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Cấp uỷ chính quyền các địa phương không ngừng nêu cao tính tự chủ của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhất là các lực lượng vũ trang và các đoàn thể chính trị xã hội ở địa bàn các xã biên giới để huy động mọi nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn lực đã hỗ trợ, bố trí sắp xếp ổn định dân cư biên giới cho 1.678 hộ dân, trong đó di chuyển tập trung trên 450 hộ, di chuyển xen ghép 187 hộ, ổn định tại chỗ trên 1.000 hộ với tổng kinh phí thực hiện 486.325 triệu đồng. Tham gia giúp dân tu sửa nhà cửa, làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để nâng cao đời sống cho nhân dân vùng cao biên giới…

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, các huyện biên giới cần phát huy lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu các sản phẩm của các xã biên giới. Phát triển các mặt hàng địa phương xuất khẩu, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên lồng ghép các nguồn lực (nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện các chính sách và xây dựng các công trình hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh các xã biên giới. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, lấy luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, chủ động tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nhất là thành lập chi bộ ở thôn bản, củng cố cơ sở đảng yếu kém. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn.       

Với sự nỗ lực vào cuộc của cấp uỷ chính quyền các cấp, sự nỗ lực của mỗi người dân cùng những giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biên của tỉnh hy vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, góp phần đổi thay mạnh mẽ diện mạo vùng biên cương Tổ quốc.

Nguyễn Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...