Thứ bảy, 27/04/2024, 19:18 [GMT+7]

Xuân về trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc

Thứ sáu, 08/01/2016 - 17:21'
(BLC) – Ngày xuân, đi trên những con đường phong quang rộng rãi, tận mắt ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những cánh đồng lúa, ngô trải dài bất tận… mới thấy được hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh ta. Năm Ất Mùi đã qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón chào năm mới Bính Thân tràn đầy niềm vui, ấm no và hy vọng bởi quê hương Lai Châu ngày càng thay da đổi thịt nhờ lợi ích thiết thực nhờ chương trình xây dựng NTM mang lại...

Đến thăm Bình Lư - xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, chúng tôi cảm nhận nét xuân đang về. Đường làng, ngõ bản đang được bà con tu sửa, vệ sinh sạch sẽ. Đồng chí Phạm Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Bình Lư chia sẻ: “Sau khi được UBND tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM, xã đã triển khai công tác quy hoạch xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tranh thủ sự đầu tư của cấp trên và thông qua các chương trình, dự án lồng ghép để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được các tiêu chí khó như: hộ nghèo, thu nhập đầu người, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo bà con thay đổi tư duy sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất. Giờ đây Bình Lư còn biết đến là nơi trồng nhiều cây mắc ca, cam, tre bát độ, mít Thái Lan. Việc Bình Lư được công nhận làng nghề chuyên sản xuất miến dong đã mở hướng làm giàu bền vững cho bà con. Cùng với đó, xã vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, xã tiến hành xây dựng và tổ chức hoạt động khu trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô trên 3ha. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt trên 800kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,1%. Cuối năm 2014, Bình Lư chính thức được công nhận là xã chuẩn NTM”. Cùng với xã Bình Lư, đến nay tỉnh ta đã có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Với sự hỗ trợ của nhà nước, nông dân xã Tả Lèng đưa máy tuốt lúa vào thu hoạch lúa, đảm bảo tiến độ thời vụ gieo cấy.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên việc thực hiện chính thức bắt đầu từ năm 2012 (sau khi có Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh). Với xuất phát điểm nền kinh tế thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao 46,8%. Trong đó, hộ nghèo nông thôn chiếm tới 51,3%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 605.000 đồng/tháng; bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 2,68 tiêu chí/xã và chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí quốc gia về NTM.

Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh đã thành lập Văn phòng điều phối xây dựng NTM, thành lập hệ thống quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, bản; khảo sát thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; lập đề án quy hoạch chung các xã NTM đến năm 2020. Đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt xong quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM ở 100% xã trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho các xã. Trong 5 năm qua (2011-2015) toàn tỉnh đã đầu tư cho xây dựng NTM: 6.219 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp Chương trình: 289 tỷ đồng (chiếm 4,6%); vốn lồng ghép các từ các chương trình, dự án khác: 5.328 tỷ đồng, chiếm 85,3%; vốn tín dụng: 465 tỷ đồng, chiếm 7,9%; vốn huy động từ các doanh nghiệp: 34 tỷ đồng, chiếm 0,5%; vốn đóng góp của công đồng dân cư: 105 tỷ đồng, chiếm 1,7%... góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn thêm khang trang.

Xác định Nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, các cấp, ngành trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu, rộng về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, về vai trò và quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Vận động, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ chức thực hiện và nhân rộng các chương trình lồng ghép dự án, mô hình, điển hình làm ăn có hiệu quả. Khuyến khích các hộ và các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất theo hướng trang trại, sản xuất tập trung gắn với chế biến… Ứng dụng thành công các mô hình chăn nuôi: nuôi lợn siêu nạc, nuôi gà sinh học và xây dựng các cánh đồng sản xuất lúa lai giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong quy hoạch NTM, xây dựng hạ tầng cơ sở là một trong những tiêu chí thiết yếu với nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn, cần nhiều nguồn lực về mặt bằng, vốn đầu tư, trong khi đó, nguồn vốn nhà nước có hạn. Từ chủ trương của tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp đã tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực với phương châm “Dân biết, dân cần, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân hưởng thụ”. Qua đó, Nhân dân tự nguyện ủng hộ tiền, vật liệu cát, sỏi, ngày công… Trong 5 năm qua, Nhân dân đã hiến 203.137m2 đất trị giá 13.190 triệu đồng; 346.471 công lao động trị giá 65.777 triệu đồng; 18.812 m3 cát, đá, sỏi; các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ được 3.478 triệu đồng và 3 công trình lớp học, 4 nhà văn hóa bản...

Thi đua xây dựng NTM cùng với các địa phương trong cả nước, đời sống văn hóa các khu dân cư trong tỉnh đang vươn mình đi lên. Năm 2012, toàn tỉnh chưa có xã đạt tiêu chỉ cơ sở vật chất văn hóa. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 51 nhà văn hóa cấp xã và 410 nhà văn hóa bản, trong đó có trên 80% nhà văn hoá thôn, bản và 100% nhà văn hóa xã được trang cấp thiết bị. Trong năm 2015, đang khởi công xây dựng mới 48 nhà văn hoá (trong đó có 8 nhà văn hoá cấp xã, 40 nhà văn hoá cấp thôn, bản), đồng thời trang cấp 78 bộ thiết bị cho 78 nhà văn hoá xã, bản, kịp thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của Nhân dân địa phương. Bên cạnh hệ thống nhà văn hoá các cấp, tỉnh còn đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hoá khác để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân như: Bưu điện văn hoá xã, các trạm truyền thanh, các điểm vui chơi văn nghệ, thể thao, thư viện...

Đối với tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, tháng 6/2012: Toàn tỉnh có 17 xã có Hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trong đó 11 HTX dịch vụ nông nghiệp, 11 HTX chăn nuôi, 4 HTX trồng trọt, 3 HTX lâm nghiệp, 3 HTX nuôi trồng thủy sản, 2 HTX liên kết thu mua, chế biến nông sản). Tổng vốn điều lệ 42.013 triệu đồng, thu hút 316 xã viên (nay là thành viên tham gia. Các HTX nông nghiệp phát triển giải quyết công ăn việc làm cho xã viên lao động, cho thu nhập ổn định góp phần giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 95/96 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.

Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn tỉnh đã thổi luồng sinh khí mới đến với người dân; cơ sở hạ tầng nông thôn với hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Từ trong cách nghĩ, cách làm, người dân ở khu vực nông thôn đã dần xác định được yêu cầu xây dựng NTM trên quê hương mình. Trong ánh nắng ấm áp của ngày đầu xuân, trên những cánh đồng lúa đông xuân đang thì con gái, hoa đào, hoa cúc đang hé nụ tầm xuân  đem đến cho chúng tôi cảm xúc mùa xuân đang về trên những miền quê nơi địa đầu Tổ quốc.

Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đến nay tỉnh ta có 15/96 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 605.000 đồng/người/năm lên đến 9,92 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,48%. Bình quân tiêu chí chung toàn tỉnh đến hết năm 2015 đạt 11 tiêu chí/xã, tăng 8,12 tiêu chí so với năm 2011. Cụ thể: số xã đạt 19 tiêu chí: 15 xã (2 xã đã hoàn thành năm 2014). 5 xã đạt 15-18 tiêu chí, 33 xã đạt 10-14 tiêu chí: 43 xã đạt 5 - 9 tiêu chí: không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Hoài Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...