Thứ hai, 29/04/2024, 13:03 [GMT+7]

Đợt tiến công cuối cùng giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ hai, 05/05/2014 - 08:55'
Nhớ lại những ngày này 60 năm về trước trên chiến trường Điện Biên Phủ, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba đã tiến hành rất chu đáo. Các chiến hào được củng cố tới mức bộ đội có thể di chuyển ban ngày ngay gần quân Pháp, cho phép các đơn vị mỗi khi tiến đánh một vị trí, nhanh chóng bỏ qua giai đoạn đột phá tiền duyên.

Kết thúc đợt tấn công thứ hai (30/3 - 23/4/1954), toàn mặt trận tổ chức một đợt chỉnh huấn, chỉnh quân sâu rộng. Qua đợt học tập đã mang lại cho mọi người niềm tin vững chắc ở thắng lợi.

Chưa lúc nào kho của mặt trận đầy đủ, sung túc thóc gạo bằng thời kỳ này. Vào cuối tháng 4, hậu cần đã có dự trữ cho tháng 5. Về đạn cho lựu pháo, ngoài 5.000 viên lấy được của địch, hơn 400 viên đạn chiến lợi phẩm thu được ở Trung Lào đã được ngành hậu cần chuyển ra tới nơi. Bạn cũng kịp thời chuyển cho ta mười hai dàn hỏa tiễn sáu nòng. Vì số lượng đạn không có nhiều, nên đây sẽ là một bất ngờ dành cho quân địch vào những ngày tiến công cuối cùng. Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía tây và phía đông, thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân địch chuẩn bị cho tổng công kích.

Thăm quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhiệm vụ trong đợt 3 được trao cho các đơn vị như sau: Đại đoàn 316, được phối thuộc Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 (thiếu một tiểu đoàn), tiêu diệt A1, C1 và C2. Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm: 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía tây. Đại đoàn 304: Trung đoàn 57 được phối thuộc một tiểu đoàn của Trung đoàn 9, cử một tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm. Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích.

Thời gian chiến đấu bắt đầu từ ngày 1 và dự kiến đến ngày 5/5/1954. Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này là tiêu diệt cho được A1.
Từ sau đợt tiến công khu đông, cứ điểm trên đồi A1 trở thành nhức nhối đối với các đơn vị tham gia chiến dịch.

Trung đoàn 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa của ta tại A1 tới dưới hầm ngầm của địch, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Đây quả là một kỳ công. Công binh của đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong vòng 14 ngày, và bảo đảm đào đúng hướng. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đúng ngày N các đơn vị cứ nổ súng triệt để áp dụng chiến thuật đánh lấn để giảm nhẹ thương vong, riêng A1 sẽ đánh khi đường hầm ở A1 hoàn thành.

Những ngày cuối tháng 4/1954, tương đối yên tĩnh. Mỗi ngày địch huy động hơn một trăm máy bay đổ lương thực đạn dược xuống Mường Thanh. Nhưng Đờ Cát-xtơ-ri chỉ nhận được khoảng một nửa. Máy bay địch phải bay cao tránh cao xạ tầm trung của ta, khu vực thả dù lại quá hẹp nên một phần ba đồ tiếp tế xuống trận địa ta, một số không ít rơi xuống bãi mìn và những khu vực bị hỏa lực ta kiểm soát chặt nên địch không thể thu lượm.

17 giờ chiều ngày 1/5/1954, bất thần tất cả các cỡ pháo của ta nhả đạn vào nhiều khu vực của tập đoàn cứ điểm. Lần này cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị kiềm chế, tê liệt. Đợt pháo kích kéo đài gần một giờ đồng hồ. Dứt tiếng pháo các đơn vị đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí.

Tại phía đông, Trung đoàn 98 tiến công cứ điểm C1 lần thứ hai. Những cao điểm ta chiếm được ở khu đông phát huy tác dụng. Sơn Pháo đặt trên đồi D1 nhắm từng hỏa điểm trên C1 bắn rất chính xác.

Di tích Đồi A1.

Đại đội 811 của ta đã có 20 ngày đêm phòng ngự tại C1. Dứt tiếng pháo, Đại đội trưởng Lê Văn Dự lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách giữa ta và địch đưa bộ đội xông lên phía Cột Cờ. Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran. Chiến sĩ Thắng cầm cờ lao lên cách mục tiêu mười mét thì trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Ân lấy chiếc chăn phủ lên người bạn, nhặt lá cờ thấm máu đồng đội lỗ chỗ vết đạn, tiếp tục tiến lên mỏm đất cao nhất trên đỉnh đồi. Cả tiểu đội mũi nhọn bám sau anh. Chỉ sau năm phút, ta đã chiếm được Cột Cờ. Đại đội dù tiêm kích số 3 của quân Pháp mới thay thế choáng váng trước đòn tiến công chớp nhoáng và quyết liệt của quân ta. Quân dù bắn xối xả vào khu vực Cột Cờ. Đại đội 1480 của ta từ phía dưới tiến lên đã kịp thời có mặt cùng với Đại đội 811, hình thành hai mũi tiến công chia cắt quân địch để tiêu diệt. Những trận đánh giáp lá cà diễn ra. Quân địch ở C1 mất dần sức chiến đấu. Có tên phủ bạt trên người nằm giả chết chờ tiếng súng yên sẽ đầu hàng. Nửa đêm, Trung đoàn 98 hoàn toàn làm chủ C1.

 

 

 

 

Sau hơn ba chục ngày đêm liên tục chiến đấu, trận đánh tại C1 lúc này đã kết thúc. C2 nằm gọn dưới nòng pháo không giật của ta.

 

 

 

 

Trời sáng, không thấy quân phản kích của địch. Chỉ có những cỗ trọng liên bốn nòng đặt tại cứ điểm Ê-péc-viê (Sở chỉ huy Đờ Cát) lồng lộn tuôn đạn về phía trận địa ta trên đỉnh đồi như muốn ngăn chặn một đợt xung phong.

Ở phía đông sông Nậm Rốm, hai Tiểu đoàn 166 và 154 của Trung đoàn 209 tiến công các cứ điểm 505 và 505A. Một đại đội của Tiểu đoàn lê dương dù 6 và những đơn vị lính An-giê-ri, lính Thái tại đây chống cự khá quyết liệt. Ta và địch giành giật nhau từng ụ súng, từng chiến hào.

2 giờ sáng ngày 2/5/1954, Trung đoàn 209 tiêu diệt hoàn toàn hai cứ điểm này chấm dứt sự tồn tại của trung tâm đề kháng Đô-mi-ních.

Trên cánh đồng phía tây, trận đánh tiêu diệt cứ điểm 311A của Trung đoàn 88 diễn ra rất nhanh chóng. Chiến thuật đánh lấn tiếp tục được phát huy. Với những đường hào đã đào xuyên qua hàng rào cứ điểm, bộ đội ta bất thần tổ chức xung phong. Toàn bộ Đại đội Âu Phi của quân Pháp vừa tới thay quân để tăng cường phòng thủ, cứ điểm này bị diệt gọn trong vòng không đầy 30 phút.

Như vậy, ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba, địch đã mất thêm bốn cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía đông, và 311A ở phía tây. Tại Hồng Cúm, trận vây ép đánh lấn khu C của Trung đoàn 47 đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, nên sáng ngày 2/5, địch phải rút chạy khỏi đây.

Những đường hào thọc sâu của bộ đội ta trên cánh đồng phía tây, đều nhắm thẳng về phía Sở Chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri. Tập đoàn cứ điểm đã bị dồn lại trong cái "ô vuông cuối cùng".

Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã kéo dài 50 ngày đêm. Ngoài những tiểu đoàn tinh nhuệ đã được quân Pháp đưa lên Tây Bắc, ba binh đoàn cơ động của Bắc Bộ vẫn bị cầm chân ở Trung Lào. Suốt thời gian qua, những mưu toan của Pháp nhằm cứu nguy cho Điện Biên Phủ đều không thể thực hiện vì thiếu lực lượng, đặc biệt là lực lượng nhảy dù và không quân. Trận quyết chiến, chiến lược Điện Biên Phủ đi vào thời điểm quyết định khi Hen-ri Na-va, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chỉ còn trong tay một tiểu đoàn dù!

Đêm 4/5, trên cánh đồng phía tây, sau khi tiêu diệt 311A, Đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B (Huguette 4) ở phía trong. Trung đoàn 36 tiêu diệt một đại đội gồm lính lê dương và lính Ma-rốc, đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Li-li (Lilie, từ Cloudine mới tách ra), tấm bình phong cuối cùng che chở cho Sở Chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri ở hướng này. Buổi sáng, địch phản kích định chiếm lại, nhưng thất bại.

Ngày 5/5, cả Lăng-gơ-le, Chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Bi-gia, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù số 6 của Pháp đều kéo tới Ê-li-an. Tại A1, Tiểu đoàn 1 Bán Lữ đoàn lê dương 13 đã bị tổn thất nặng sau một thời gian dài phòng ngự. Lăng-gơ-le quyết định điều Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 vừa được tăng viện lên thay thế và chuyển những tính lê dương xuống Ê-li-an 3 làm lực lượng dự bị.

Lực lượng quân Pháp lúc này ở Điện Biên Phủ có 5.385 quân chiến đấu và 1.282 thương binh. Nếu so với sau đợt tiến công thứ hai thì quân địch đông hơn do đã được tăng cường. Diện tích phân khu trung tâm còn không đầy một kilômét vuông.

Cũng trong ngày 5/5, Trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi kilôgam, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm của địch.

Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định đẩy nhanh nhịp độ phát triển của đợt tiến công thứ ba chuẩn bị mọi điều kiện sớm chuyển sang tổng công kích.

Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh tiến công chung cho những trận đánh ngày 6/5/1954.

20 giờ, hỏa lực của ta tập trung bắn vào A1, C2, cứ điểm 506, bắc Mường Thanh, cứ điểm 310, tây Mường Thanh. Lần này có thêm sự phối hợp của 12 dàn hỏa tiễn. Mặc dù độ tản xạ còn cao, những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mới này đã làm cho quân đồn trú sống trong những công sự đắp đất đỏ bị mưa làm suy yếu, hoảng sợ.

Địch đã có chuẩn bị. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả những khẩu pháo còn lại của tập đoàn cứ điểm tập trung rút đạn xuống những trận địa chiến hào của ta xung quanh A1 và C2.

Trước giờ G năm phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1 nhắm mắt, há mồm đề phòng, sóng xung động và ánh chớp của ngàn cân bộc phá. Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ trầm, không phải như chúng ta chờ đợi. Quay đầu nhìn lại trên đồi A1 có một đám khói lớn đang phất lên. Một số người phân vân: có phải đây là bom nổ chậm địch thả lúc chiều? Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quay điện thoại liên lạc với công binh để kiểm tra lần cuối. Điện thoại lại bị đứt. Nhưng cơ quan tham mưu chiến địch đã rút kinh nghiệm phổ biến giờ G cho các đơn vị. Nguyễn Hữu An lập tức ra lệnh cho pháo của trung đoàn nổ súng. Mấy ngày trước đó, chúng ta đã tiêu diệt một số hỏa điểm, tính hướng về phía tiền duyên nên lần này pháo của trung đoàn chỉ bắn chế áp mạnh trong vòng 15 phút, rồi bộ binh xung phong.

Ở Phía đông-nam, hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 249, do Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân địch. Phía tây-nam, Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đưa Tiểu đoàn 251 tiến theo giao thông hào mới đào trên mặt ruộng ven đường 41, thọc một mũi dùi cắt rời A1 khỏi Mường Thanh.

Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, và cuốn theo phần lớn Đại đội dù 2 của Pháp đóng ở đây.

Khối bộc phá một ngàn cân đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 trong đợt trước tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng càng lên gần đỉnh đồi thì những đất đá từ hố sâu bốc lên đã làm quả đồi biến dạng và trở nên rất khó đi. Lợi dụng lúc đó những tên lính dù còn sống sót của Đại đội 2 liên tiếp trút đạn liên thanh về phía ta. Đại đội 316 đánh vào trận địa súng cối. Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm. Đại đội 3 của Pháp do Pu-giê chỉ huy đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng.

Phía tây-nam, các chiến sĩ bộc phá Tiểu đoàn 251 nhiều lần tiến lên mở đường về phía lô cốt "Cây đa cụt" đều bị thương vong. Viên chỉ huy quân Pháp ở đây biết nếu để mất lô cốt này thì cứ điểm hoàn toàn cô lập, sớm muộn cũng bị tiêu diệt. Tiểu đoàn 251 quyết định đưa ĐKZ lên bắn sập chiếc lô cốt. Khẩu đại liên bên trong đã hoàn toàn im lặng. Nhưng khi bộ đội lên phá tiếp hàng rào lại bị hỏa lực không biết từ đâu chặn lại. Tiểu đội trưởng Phấn cùng đại đội phó bí mật bò lên quan sát, phát hiện được một ụ súng ngầm được ngụy trang kỹ, ở ngay gần lô cốt. Phấn đề nghị cho mình được tiêu diệt ụ súng để trả thù cho các bạn đồng đội đã hy sinh, nếu cần sẽ ôm bộc phá lao vào ụ súng để mở đường cho đơn vị. Đại đội tổ chức hỏa lực yểm hộ cho Phấn hoàn thành nhiệm vụ an toàn. Tiểu đoàn 251 đã cắt đứt con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên.

Trên đỉnh đồi, những tên lính dù của Pháp dựa vào những chiến hào và công sự đã được củng cố trong thời gian qua ra sức chống đỡ chờ quân viện.

Quá nửa đêm, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An quyết định đưa đại đội dự bị của Tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh. Bộ đội ta chia thành từng tổ nhỏ tiêu diệt dần dần từng ụ đề kháng của địch. 

Tại Mường Thanh, trước tình hình nguy ngập của nhiều cứ điểm ở phía đông và cả phía tây, Lăng-gơ-le quyết định tập hợp tại cứ điểm Ê-péc-viê những bộ phận còn lại của Tiểu đoàn dù 6 mới được tăng viện, và ra lệnh cho hai đại đội của Tiểu đoàn dù 8, mỗi đại đội chỉ còn lại 40 người lập tức lên Ê-li-an 2. Nhưng con đường lên đồi A1 đã bị ta chốt chặt, Lăng-gơ-le đành cho đại đội này chuyển sang Ê-li-an 4, nơi Brê-si-nhắc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh số 2 của Pháp cũng đang khẩn thiết đòi tăng viện.

Sau khi tiêu diệt được vị trí "Cây đa cụt", Tiểu đoàn trưởng 251 Dũng Chi quyết định đưa một lực lượng xuống uy hiếp A3, đồng thời tổ chức một mũi đánh lên đỉnh đồi dồn quân địch ở A1 vào thế giữa hai gọng kìm.

Trong đêm, cũng ở phía đông, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 506 (Eliane 10) cứ điểm rất quan trọng nằm bên đường 41 chạy tới Sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri. Ở phía tây, Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chiếm xong cứ điểm 311 (Hugaette F), đưa trận địa tiến công của đại đoàn vào cách Sở Chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri 300 mét.

Suốt đêm 6/5/1954, toàn bộ Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của ta tập trung tại Phòng Tác chiến theo dõi cuộc chiến đấu. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm khi được tin Trung đoàn 174 giải quyết xong A1 và C2. Mục tiêu đợt tiến công thứ ba đã hoàn tất. Các đồng chí hậu cần trở về lo đạn dược cho cuộc tổng công kích.

Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận thấy số lượng quân địch ở Mường Thanh hãy còn đông. Nhưng chúng sẽ không chiến đấu tới người cuối cùng. Và quân địch đã lâm vào tình thế rất nguy ngập. Cần phải rất khẩn trương chuẩn bị tổng công kích. Chúng ta đã biết tin địch chuẩn bị đột phá vòng vây mở một đường máu rút chạy về phía tây. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.

Nhưng trận đánh trên gồi C2 vẫn chưa kết thúc. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện cho đồng chí Lê Quảng Ba, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316, nhắc: "174 đã chiếm xong A1, tận dụng hỏa lực bắn thẳng của ta từ A1 chi viện cho Trung đoàn 98 ở C2. Đưa ngay lực lượng dự bị Trung đoàn 9 vào chiến đấu. Pháo chiến dịch sẽ kiềm chế pháo địch ở Mường Thanh, dành riêng cho C2, 200 quả pháo 105 ly. Cần nhanh chóng tiêu diệt được C2 để làm chủ hoàn toàn các cao điểm phía đông!"

7 giờ 30, pháo ta vừa ngừng chế áp, Tiểu đoàn 215 và Đại đội 138 của Tiểu đoàn 375 chia làm ba mũi xung phong lên C2. Quân ta lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu. 9 giờ 30, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đồi C2. Bộ Chỉ huy khu đông của Pháp là Brê-si-nhắc, Bô-ten-la và một số đông sĩ quan dù tập trung tại đây cùng với hàng trăm thương binh đều bị bắt sống.

Cuộc chiến đấu trên những ngọn đồi phía đông đã kết thúc. Cả khu trung tâm nằm gọn dưới hỏa lực bắn thẳng của ta.

Khác với những ngày trước, mới 9 giờ sáng ngày 7/5/1954, sương mù đã tan. Trời không một gợn mây. Máy bay địch ném bom dữ dội vào những trận địa của ta…

 

 

 

 

Các đài quan sát phía trước báo cáo: Nhiều chỗ trên sông Nậm Rốm nổi bọt trắng. Anh em phán đoán địch ném súng đạn và đồ dùng xuống sông. Phòng 2 cử người chạy tới Sở Chỉ huy báo cáo bộ phận theo dõi điện đàn địch nghe được Mường Thanh yêu cầu Hà Nội "chỉ thả thêm dù lương thực, không thả dù vũ khí".

 

 

 

 

Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận thấy quân Pháp đã có biến động. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi dây nói cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chỉ huy bộ đội phía tây: "Tình hình địch có những triệu chứng rối loạn, có nhiều khả năng đầu hàng, cũng có khả năng đột phá vòng vây để tháo chạy. Đồng chí phải chỉ huy bộ đội bao vây thật chặt, không được để cho bất cứ một lên địch nào chạy thoát".

10 giờ, Trung đoàn 209 đêm qua chưa hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cư điểm 507, một trong bốn cứ điểm còn lại trên đường 41, bên tả ngạn sông Nậm Rốm ngăn chặn bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm, đề nghị cho đánh tiếp ban ngày. Tiểu đoàn 130 đánh cứ điểm 507 đêm trước đã gây thiệt hại nặng cho quân địch nhưng lực lượng cũng bị tiêu hao. Đại đoàn 312 lệnh cho Trung đoàn 141 cơ động từ phía sau lên, sẵn sàng tiếp sức cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 165 đã chiếm được cứ điểm 506 sẵn sàng chi viện cho đơn vị đánh cứ điểm 507.

Buổi trưa, trinh sát báo cáo máy bay vận tải hai thân chỉ lượn một vòng trên bầu trời Mường Thanh không thả dù tiếp tế, quay trở về Hà Nội. Trên sông Nậm Rốm vẫn nổi những đám bọt trắng. Trong khu trung tâm của địch thỉnh thoảng lại có một tiếng nổ khác thường. Bộ phận theo dõi điện đài nghe được những viên phi công và quân địch ở Mường Thanh trao đổi với nhau lời chào vĩnh biệt.

Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định cuộc tổng công kích sẽ diễn ra khi trời tối.

14 giờ, pháo chiến dịch bắn mãnh liệt vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, dọn đường cho cuộc tiến công cứ điểm 507 của 209.

Những cứ điểm 505 và 505A đối diện với 507 lúc này do Tiểu đoàn 154 của đồng chí Nguyên Năng và đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 166 chốt giữ. Lực lượng ở đây gồm chủ yếu là Đại đội 525, đơn vị đã phòng ngự từ ngày đầu mới được tăng cường thêm những bộ phận của Đại đội 520 và Đại đội 530. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154 Ngô Trọng Bảo có mặt ở tiền duyên nhận thấy quân địch chống cự yếu ớt, quyết định cho bộ đội mở hàng rào ngay trong lúc pháo ta còn chế áp quân địch. Với sự chi viện của trợ chiến, chỉ sau bốn quả bộc phá, bộ đội ta đã lọt vào trong cứ điểm. Quân dịch bàng hoàng, bắn vài loạt đạn rồi bỏ chạy sang cứ điểm 508 và qua sông Nậm Rốm, số còn lại đầu hàng. Trung đoàn 209 được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Năng từ Sở Chỉ huy tiểu đoàn báo cáo đã chiếm được 507 lập tức điều Tiểu đoàn 130 từ phía sau lên tiếp ứng. Trong khi đó Tiểu đoàn 154 thừa thắng đánh tiếp sang 508. Đại bác của ta đã gây nhiều đám cháy lớn trong khu trung tâm. Tuy nhiên những khẩu trọng liên tự động bốn nòng của địch vẫn nhả đạn dữ dội về phía cầu Mường Thanh.

3 giờ chiều, trinh sát báo cáo trong khu trung tâm của địch xuất hiện những đốm cờ trắng. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp yêu cầu cán bộ tham mưu chỉ những điểm có cờ trắng trên bản đồ, nhận thấy có cả những đơn vị Âu Phi.

Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Địch đã đến lúc tan rã.

Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía tây giáp công sang, cùng tiến vào Sở Chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát-xtơ-ri hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".

Tại trận địa Đại đội 360 của Tiểu đoàn 130, có Chính trị viên Tiểu đoàn Trần Quải đi cùng, đã có mặt ở cứ điểm 508. Tiểu đoàn phó Ngô Trọng Bảo cho các lực lượng của Tiểu đoàn 154 tiến sang cứ điểm 509, cứ điểm cuối cùng bảo vệ cầu Mường Thanh, rồi trao đổi với Chính trị viên Trần Quải, lệnh cho Đại đội 360 tiến vào khu trung tâm, nơi mà khói của những đám cháy mỗi lúc càng bốc cao. Đại đội 360 đã như một mũi tên lao đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốm. Tiếng hô “Bắt sống Đờ Cát!” đã cổ vũ anh em xông lên. Khẩu đại liên bốn nòng của địch lồng lộn bắn sang. Đạn cối nổ trên mặt cầu. Tạ Quốc Luật chỉ huy tổ đi đầu ném thủ pháo sang bên kia cầu. Một quả bom địch ném xuống mặt đường. Tổ đi đầu dừng lại trước ngã ba. Vừa lúc đó có tên cai dõng chạy qua. Anh em hỏi hầm Đờ Cát-xtơ-ri. Tên cai dõng chỉ vào ụ cao to xung quanh có bốn xe tăng đang bắn loạn xạ. Đồng chí Luật cho đánh thủ pháo đứt xích một xe tăng. Một chiếc khác bốc cháy. Hai chiếc còn lại bỏ chạy. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh đánh hầm. Chiến sỹ Vinh và chiến sỹ Nhỏ phân công nhau: Nhỏ bịt một cửa hầm, Vinh tiến vào cửa hầm chính. Theo một hiệu lệnh chung, Vinh và Nhỏ ném hai quả thủ pháo. Khói vừa tan thì một sĩ quan trong Bộ Tham mưu của Đờ Cát-xtơ-ri ra giơ tay xin hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xuống hầm cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ bắt sống toàn bộ. Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm, trong đó có Thiếu tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Đó là lúc Đờ Cát-xtơ-ri vừa ra lệnh đầu hàng và qua làn sóng điện từ biệt vợ con. Câu đầu tiên Đờ Cát-xtơ-ri nói với Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật là: “Xin đừng bắn tôi!". Lúc đó là 16 giờ 20', ngày 7/5/1954.

Các đài quan sát báo cáo về: Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, Đại đoàn 312 từ phía đông tiến qua cầu Mường Thanh, Đại đoàn 308 từ phía tây mở đường qua sân bay, và từ phía tây nam mở đường vào Li-li, hướng về Sở Chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ. Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch luôn luôn nhắc các đơn vị: "Bao vây chặt, không để một tên nào chạy thoát". 

Đến 5 giờ 30 chiều, ngày 7/5/1954, sau khi kiểm tra kỹ nhân dạng của những bị bắt, Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được Tướng Đờ Cát-xtơ-ri".

Cả khu rừng cơ quan Chỉ huy mặt trận từ xưa đến nay rất nghiêm mật, bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ầm như biển động. Cán bộ, chiến sĩ hò reo, khua chân, múa tay, ôm nhau nhảy nhót biểu lộ sự vui mừng như những em nhỏ. Có người chỉ hét, có người mồm há to. Có người mặt tái ngắt...

Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng!

B.T (Theo dangcongsan.vn)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...