Thứ năm, 02/05/2024, 08:43 [GMT+7]

Nói để dân hiểu, làm để dân tin

Thứ hai, 05/06/2017 - 10:12'
Trở lại thăm bản Sàn Phàng Cao, xã Khun Há, huyện Tam Ðường (Lai Châu) vào những ngày đầu tháng 5, Thượng tá Tống Xuân Thành, Trưởng Ban Dân vận, Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 356, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Lai Châu không khỏi bất ngờ và vui mừng khi được chứng kiến sự thay đổi trong đời sống của đồng bào người dân tộc Mông…

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Lai Châu phối hợp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương làm đường giao thông nông thôn.

Hơn 10 năm trước, bản Sàn Phàng Cao, với 46 hộ người dân tộc Mông nằm trên đỉnh Phàng Cao, cách trung tâm xã hàng chục km. Ðây là một trong những bản khó khăn nhất của xã Khun Há, tồn tại nhiều hủ tục; toàn bộ các gia đình đều thuộc diện hộ nghèo; phần lớn trẻ em đến độ tuổi không được đến trường; đi lại rất vất vả, khó khăn... Phải làm gì để người dân Sàn Phàng Cao có cuộc sống ổn định, từng bước thoát nghèo, không di cư tự do, không đốt nương làm rẫy, xóa dần các hủ tục, trẻ em được đến trường… luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở. Ðể giải quyết bài toán này, Ðảng ủy, Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân trong bản di chuyển xuống ở địa bàn gần quốc lộ.

Thượng tá Tống Xuân Thành cho biết, sau khi kế hoạch được thông qua, Ðội Công tác 123, thuộc Ban CHQS huyện Tam Ðường do anh phụ trách đã trực tiếp về bản gặp gỡ, vận động các hộ dân "xuống núi". Ðội công tác của các anh gặp không ít khó khăn. Ðồng bào người Mông bao đời nay quen sống trên núi cao, với tập quán du canh du cư, đốt nương làm rẫy. Cán bộ đơn vị đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến từng nhà, gặp từng người, nhất là già làng, trưởng bản để tuyên truyền về lợi ích khi chuyển xuống ở gần quốc lộ. Dần dần người dân trong bản hiểu được tấm lòng của bộ đội, tự nguyện bảo nhau cùng chuyển về bản mới.

Ðể tạo thuận lợi cho dân bản về nơi ở mới, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Tam Ðường đã phối hợp các cấp chính quyền huy động lực lượng, phương tiện làm đường giao thông, xây dựng hệ thống công trình công cộng, giúp người dân khai hoang nhiều diện tích đất nông nghiệp, phục vụ việc trồng lúa nước… Do vậy, khi chuyển về nơi ở mới, người dân đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Hiện nay, hơn 80% số gia đình đã có nhà kiên cố; toàn bộ đường giao thông trong bản được đổ bê-tông; tất cả trẻ em trong bản đến tuổi đều được đi học; số hộ nghèo của bản hiện chỉ còn 5%.

Ðại tá Trương Minh Ðức, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu cho rằng: "Ðể làm tốt công tác dân vận, trước hết phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó bộ đội giữ vai trò nòng cốt. Quá trình vận động nhân dân, phải tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của già làng, trường bản, người có uy tín; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lực lượng cán bộ, chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ðiều quan trọng nhất là, phải nói để dân hiểu và làm để dân tin…".

 

Theo NGUYỄN HỒNG SÁNG/nhandan/Thứ Hai, 05/06/2017, 02:07:05

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...