Thứ bảy, 27/04/2024, 07:42 [GMT+7]

Sự lựa chọn của niềm tin

Thứ hai, 25/07/2022 - 13:42'
Cuộc trò chuyện với vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án 47, Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, khiến chúng tôi hiểu thêm những khó khăn, trắc trở mà họ đã cùng nhau vượt qua trong hàng chục năm sánh đôi...

“Trắc trở” ngày cưới

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại: “Sau một năm làm thầy giáo làng ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, tháng 8-1970, tôi nhập ngũ, rồi đóng quân ở Lào liên tục đến cuối năm 1975 mới về phép. Chuyến ấy cũng là lần đầu tiên tôi được giới thiệu về cô giáo mới ra trường ở xã bên vừa đẹp người, vừa đẹp nết tên Ngô Thị Khiếu”.

Tuy nhiên lần ấy, hai người không kịp gặp gỡ. Phải đến cuối năm 1976, khi về học tập tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), Hoàng Kiền mới gặp và làm quen với cô giáo Khiếu tại nhà người chị họ của ông.

Bà Khiếu kể rằng, ngay lần đầu gặp, bà đã ấn tượng với người thanh niên cao gầy, nói chuyện chân chất, mộc mạc. Ông nói, nhà mình đông anh em lắm, sau ông còn 6 em gái và 1 em trai, bố mẹ thì già yếu, ông lại luôn công tác xa nhà... Nghe ông kể toàn những khó khăn nhưng không hiểu sao bà chẳng hề lo ngại và đã lựa chọn, tin tưởng ở ông, một người lính trưởng thành trong chiến đấu, học hành giỏi giang để nhận lời đồng hành. Suốt một năm rưỡi yêu nhau mà chẳng mấy khi được gặp, bà đành nhờ những cánh thư động viên, khích lệ ông học tập thật tốt...

Tháng 7-1978, ông quyết định xin về phép để làm đám cưới với bà. Mọi công tác chuẩn bị đã xong. Theo kế hoạch, lễ cưới sẽ diễn ra ngày 22-7. Nhưng, một bất ngờ xảy đến, trường có lệnh cấm trại, cán bộ và học viên không được rời khỏi đơn vị. Rất may, sau khi gặp trực tiếp hiệu trưởng nhà trường báo cáo, ông được giải quyết cho nghỉ 5 ngày phép, cùng đồng chí Minh-Bí thư chi đoàn-về Nam Định.

Đồng đội đến thăm Bảo tàng Đồng quê của gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền tại Giao Thủy (Nam Định), tháng 5-2022. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Đồng đội đến thăm Bảo tàng Đồng quê của gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền tại Giao Thủy (Nam Định), tháng 5-2022. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Ngày ấy, phương tiện đi lại không được thuận tiện như bây giờ. Khi hai người đến Nam Định thì không thể bắt chung chuyến xe về huyện Giao Thủy, ông đành đi trước, còn đồng chí Minh cùng với mọi đồ cưới ông nhờ người quen mua ở thành phố gồm bánh kẹo, thuốc lá... chờ đón chuyến xe sau. Lúc xuống xe ở ngã ba Lạc Quần, cách nhà ông 8km, Bí thư Minh lại... bỏ quên đồ trên xe. Còn Hoàng Kiền về đến nhà thì lại xảy ra một trục trặc khác. “Mọi người nói ngày 22 tôi chọn không tốt, phải rời sang ngày 24. Trong khi cấp trên cử anh Minh về dự đám cưới tôi có hai ngày, vì dời lịch tổ chức hôn lễ nên anh phải trở lại trường. Còn tôi, ngày 24 làm đám cưới thì hôm sau cũng về trường luôn. Tuy gặp nhiều “sự cố” như vậy nhưng cũng thật may vì cuối cùng tôi vẫn... cưới được vợ!”-Thiếu tướng Hoàng Kiền cười cho biết.

Đồng hành... là những ngày xa cách

 Sau đám cưới là những tháng ngày ông đi công tác biền biệt. Ba lần vợ sinh nở ông đều không có mặt, đến khi con được mấy tháng ông mới tranh thủ tạt qua nhà được vài hôm. Bà Khiếu kể rằng, xác định làm vợ bộ đội nên bà chưa bao giờ nề hà bất cứ việc gì. Vừa hoàn thành tốt công việc của một nhà giáo, bà vừa tất bật sớm hôm lo cho các con và chăm sóc bố mẹ chồng để ông yên tâm công tác.

Tốt nghiệp khóa học, ông về công tác ở Phòng Công binh, Quân chủng Hải quân. Với đồng lương trung úy, ông tích góp mua từng bao xi măng, rồi ra chợ Sắt (Hải Phòng) mua sắt vụn... Tranh thủ được về phép là ông chở về quê rồi đổi thành cát, gạch... để chuẩn bị xây nhà do tự ông thiết kế. “Căn nhà ấy chúng tôi đã xây trong vòng... 10 năm. Ngày khánh thành, gia đình tôi nhìn nhau cười trong hạnh phúc vì mọi cố gắng cuối cùng đã được đền đáp!”-ông kể.

Rồi ông có quyết định chuyển công tác. Năm 1989, sau thời gian đào tạo dài hạn tại Học viện Lục quân, ông được điều về Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân) ở Đà Nẵng. Thấy hầu hết vợ con của anh em trong đơn vị đều ở ngoài Bắc, ông liên hệ để xin cấp đất, làm nhà, ổn định cuộc sống cho họ, còn bản thân lại nghĩ “chắc mình chỉ ở vài năm rồi ra Bắc” nên chẳng có chuẩn bị gì cho riêng mình.

Nhưng năm 1991, khi nhận quyết định là trung đoàn trưởng, ông đã phải thay đổi suy nghĩ. Được sự động viên của đồng đội, ông quyết định đưa cả gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. “Khi ấy, đất thì xin được từ khu gia đình của trung đoàn, nhưng mình phải tự xây. Điều kiện kinh tế hạn hẹp, tôi và đồng chí chính ủy trung đoàn rủ nhau xây... chung tường. Cũng mất hơn 4 năm mới hoàn thiện được căn nhà ấy”-Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền bên cháu nội. Ảnh: KHÁNH AN. 

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền bên cháu nội. Ảnh: KHÁNH AN. 

Nhưng lại nảy sinh một khó khăn khác. Bà Khiếu ở quê là phó hiệu trưởng trường cấp 2, nhưng vào Đà Nẵng thì mãi không thể xin được việc đúng chuyên môn. Bà cũng chẳng nề hà làm việc nhà nông. Đơn vị sẵn đất, bà trồng rau, nuôi lợn... để trang trải cuộc sống. Ông thì vẫn tất bật với nhiệm vụ. Nói là đưa gia đình vào để gần nhau nhưng mấy mẹ con ở Đà Nẵng, còn ông vào Khánh Hòa, ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Thi thoảng ông mới tranh thủ về thăm nhà trong những chuyến công tác ngắn ngày. Một thời gian sau, bà mới xin được trở lại với công việc nhà giáo. Những tưởng gia đình đã ổn định thì năm 1997, ông được điều chuyển công tác ra Bộ tư lệnh Công binh ở Hà Nội.

Gia đình lại khăn gói ra Thủ đô. Ông mượn được gian nhà công vụ của Bộ tư lệnh Công binh, chuyển 3 người con ra học, còn bà thì vẫn ở lại Đà Nẵng do chưa xin chuyển được công tác. “Khi mấy bố con chuyển ra Hà Nội, nhà ở Đà Nẵng cũng đã bán, tôi mượn tạm được gian nhà khách ở đơn vị cũ của ông ấy. Hằng ngày vừa đi dạy, vừa tăng gia sản xuất, khi học sinh nghỉ hè mới ra thăm mấy bố con. Cuộc sống xa cách như vậy diễn ra trong vòng 4 năm”-bà Khiếu kể.

Khi gia đình về “chung một mối” và dần ổn định thì năm 2007, ông lại nhận được quyết định, cũng bất ngờ không kém lần trước: Về làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án 47-Ban Quản lý Dự án đường tuần tra biên giới. Những chuyến khảo sát các cung đường biên cương lại kéo ông đi. Là một người luôn say sưa với công việc, nhất là trên cương vị mới cần rất nhiều thời gian để thích nghi và ổn định, mọi việc gia đình, ông lại trao cho bà. Bà chỉ có thể san sẻ những vất vả với ông bằng việc chăm lo cho con cháu để ông dành tâm huyết cho công việc.

Thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định, danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân năm 2015 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ mà ông được trao tặng cùng tập thể tác giả năm 2017 có công lao không nhỏ của vợ. Thiếu tướng Hoàng Kiền dành cho vợ nhiều yêu thương cùng sự trân trọng, nể phục: “Cuộc đời binh nghiệp của tôi nếu không kể đến những năm tháng ở Trường Sơn thì kinh qua nhiều đơn vị. Vì thế mà vợ con cũng vất vả theo. Nhưng thật may mắn là tôi luôn được sự ủng hộ tuyệt đối từ bà ấy!”.

Cập nhật: SKNC, 13/06/2022, 16:45 (GMT+7)/ PHẠM THU THỦY/qdnd.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...