Thứ hai, 06/05/2024, 15:31 [GMT+7]

Lai Châu: Trên mặt trận cai nghiện ma túy

Thứ hai, 25/01/2016 - 16:45'
(BLC) - Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện của tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực.

Những ngày áp tết, chúng tôi về bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè. Cảm nhận đầu tiên là những ngôi nhà mái lợp tôn mọc lên san sát, bên cạnh là những nương ngô, vườn rau lên xanh mơn mởn. Cuộc sống dù chưa đủ đầy nhưng với một bản vừa vượt qua được cơn “bão” ma túy, thì đó là cả một sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương và đồng bào nơi đây, để một cuộc sống mới được hồi sinh trên miền đất khó. Chị Pàn Thị Nghĩa – người vừa trở về sau gần chục năm sống phụ thuộc vào “nàng tiên nâu” chia sẻ. “Nhớ lại những ngày chìm đắm trong ma túy, mình chả thiết gì kể cả gia đình, con cái, mỗi ngày mới chỉ nghĩ đến việc làm gì để có ma túy sử dụng. Nếu không có cán bộ đến giúp mình cai nghiện không biết đời mình sẽ đi về đâu nữa. Mình cám ơn các cán bộ nhiều lắm. Nhờ có thuốc Methadone, mình không còn khổ vì nghiện thuốc nữa và thấy thương các con nhiều lắm. Mình hứa sẽ uống thuốc đều để đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời và chăm lo cho gia đình”.

Bệnh nhân uống thuốc tại cơ sở phát thuốc Methadone – Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ.

Bản Nậm Củm có 100% đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, cả bản có 170 nhân khẩu song có tới 33 người nghiện ma túy (17 nam, 16 nữ). 100% số hộ trong bản thuộc hộ nghèo. Để xóa nghèo thì giải pháp quan trọng, mấu chốt nhất là phải “tiêu diệt” giặc nghiện. Do đó, huyện đã thành lập tổ cai nghiện cắm tại bản để cai nghiện cho người nghiện trong bản bằng thuốc thay thế Methadone; phân loại đối tượng nghiện để đưa đi trung tâm cai nghiện tập trung; kiến nghị với Sở Y tế bổ sung thuốc Methadone và đội ngũ y, bác sĩ giúp đỡ. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng dạy nghề cho Nhân dân về chăn nuôi, trồng trọt; triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến lâm giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất... Không chỉ huy động nhiều lực lượng chuyên môn, tổ công tác còn phân chia cho các phòng chức năng giúp đỡ trực tiếp các hộ gia đình như: UBND xã Bum Nưa giúp đỡ cho 10 hộ, Phòng Dân tộc huyện giúp 2 hộ, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội giúp 2 hộ…. Hình thức giúp đỡ tùy theo các đơn vị, có thể huy động các cán bộ trong cơ quan ủng hộ họ lợn giống, gà, vịt giống… Nhờ vậy, hầu hết số người nghiện ma túy không chỉ cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe mà còn tích cực lao động sản xuất vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, từ tháng 11/2014 đến cuối năm 2015 toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 335 vụ, 443 đối tượng phạm tội về ma túy (giảm 86 vụ, 106 đối lượng so với cùng kỳ năm trước); thu giữ 10,4kg hêrôin, 4,6kg thuốc phiện, 1.1kg quả thuốc phiện. 2,22g và 1.225 viên ma túy tổng hợp; 36,13g cần sa, hơn 800 triệu đồng, 81 xe máy, 79 điện thoại di động. Xác định phải “cắt cầu” mới "giảm cung”, công tác cai nghiện ma túy được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và tệ nạn ma tuý phù hợp với tình hình từng địa bàn với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức lớp tập huấn về nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh; duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy qua hệ thống loa phát thanh, trên các phương tiện thông tin đại chúng… Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã tăng cường công tác tuyên truyền đến địa bàn cơ sở, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thanh thiếu niên, học sinh; lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống ma túy vào việc thực hiện các phong trào, mô hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội...

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra, thống kê, phân loại người nghiện ma túy, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tại địa phương; thống nhất về hành động trong việc triển khai đa dạng, đồng bộ các biện pháp, hình thức trong phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng. Từ tỉnh xuống cơ sở triệt để triển khai các biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc, các hình thức tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm cai nghiện. Điểm nổi bật là trong triển khai công tác cai nghiện trong những năm qua là Sở Lao động, Thương binh và Xà hội đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện chuyển đổi các Trung tâm cai nghiện bắt buộc thành các điểm cấp phát thuốc, trọng tâm là dùng thuốc thay thế Methadone. Đến nay có 2 Trung tâm cai nghiện tại huyện Sìn Hồ, Than Uyên đã thực hiện cấp phát thuốc Methadone với tổng số 111 người đang điều trị Methadone (trong đó điều trị tại Trung tâm của huyện Sìn Hồ 14 người, Than Uyên 73 người, tại bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè 24 người).

Trong những năm qua, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được coi là giải pháp cai nghiện hiệu quả nhất vì thế, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Năm 2015 toàn tỉnh đã mở mới 6 cơ sở điều trị, 18 điểm cấp phát thuốc Methadone. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị, 26 điểm cấp phát thuốc với 1.800 người tham gia điều trị (chiếm trên 50% so người nghiện trên địa bàn tỉnh).

Cũng trong năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 369/530 đối tượng, đạt 69,6% kế hoạch (trong đó: tại Trại giam Công an tỉnh 139 người, tại các xã biên giới 100 người (do lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức cai nghiện), huyện Than Uyên 50 người, huyện Sìn Hồ 50 người, huyện Mường Tè 30 người).

Ma túy không chỉ hủy hoại tương lai, hạnh phúc, sự nghiệp mà còn hủy hoại lý trí, tâm hồn và thể xác con người. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng và các ngành có liên quan, mà cần có sự chung tay, góp sức của các ngành, đoàn thể và gia đình, nhưng quyết định thành công vẫn là ý thức cá nhân.  Bên cạnh đó là sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ với các cơ quan liên quan và địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn chặn nhằm hạn chế sự gia tăng người nghiện trên địa bàn. Đồng thời, vận động, thuyết phục người nghiện xóa mặc cảm khi trở về xã hội, giúp họ hòa nhập, tạo điều kiện về việc làm và trên hết là giúp họ nhận thức được tác hại của ma túy để tránh xa và tránh tái nghiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc chiến cai nghiện ma túy vẫn còn nhiều cam go, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy; hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường thực hiện các biện pháp quản 1ý sau cai nghiện ma túy và công tác tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú; tiếp tục triển khai các dự án được các tổ chức hỗ trợ trong lĩnh vực cai nghiện ma túy… góp phần giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm HIV/AID trong cộng đồng.

Hoài Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...