Thứ hai, 29/04/2024, 17:13 [GMT+7]

Đại biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ hai, 27/05/2013 - 21:18'
(BLC) - Hôm nay ( 27/5), Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ hai, đại biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

>>Quốc hội tiến hành thảo luận các Dự án Luật

Theo báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 2/1/2013,Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo HP) đã được công bố để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Tính đến hết ngày 30/4, sau 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đã có 26.091.276 lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, với 28.149 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Các ý kiến góp ý của nhân dân, các cấp, các ngành đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Giàng Páo Mỷ (Đoàn Lai Châu) tham gia ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Trên cơ sở nội dung giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về Lời nói đầu; chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiếp pháp.

 Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Báo cáo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 về kỹ thuật lập hiến của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: bố cục, số lượng các chương, điều; thứ tự sắp xếp các chương, điều; cách thức thể hiện...

Phát biểu thảo luận, đại biểu Giàng Páo Mỷ (Đoàn Lai Châu) đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 20), vì tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay (37 năm), đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992; bên cạnh đó việc lấy tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng không thay đổi mục tiêu xây dựng đất nước; hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém kinh phí, công sức.

Đại biểu Lò Hải Ươi (Đoàn Lai Châu) tham gia thảo luận tại tổ.

Về Điều 4, quy định về Đảng, đại biểu phản ánh, qua việc tổ chức lấy ý kiến góp ý tại tỉnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đây là sự kế thừa quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan của sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta và cũng chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận trong Hiếp pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Tuy nhiên, để khẳng định vai trò lãnh đạo "độc tôn" của Đảng, đề nghị bổ sung cụm từ "duy nhất"  và viết như sau "... là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội", đây là nguyên tắc bất di, bất dịch của Đảng cộng sản Việt Nam; là yếu tố cần thiết trước những biến động phức tạp chính trị ở một số nước trên thế giới. Đồng tình với ý kiến phát biểu các đại biểu: Giàng Páo Mỷ, Lò Hải Ươi (Đoàn Lai Châu) phân tích và đề nghị cần quy định thêm cụm từ "... là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng các phương thức lãnh đạo do Điều lệ Đảng quy định".

 Đặt vấn đề về Lời nói đầu, đại biểu Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu) băn khoăn, Lời nói đầu trong Dự thảo so với các bản Hiến pháp trước đây có súc tích, cô đọng hơn, tuy nhiên trong Lời nói đầu không thấy nêu 2 sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, dân tộc ta đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 và chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ những ý nghĩa và tầm quan trọng của những dấu mốc này, đại biểu đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu bổ sung nội dung này hoặc không bổ sung đề nghị có giải trình để đại biểu và nhân dân hiểu rõ.

 Về nội dung thành lập Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), xuất phát từ đặc điểm của tổ chức bộ máy và thể chế chính trị của nước ta, để tránh sự có chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tăng tổ chức bộ máy, đề nghị không cần thiết thành lập cơ chế bảo hiến này; để làm tốt việc này cần thiết tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, làm sao để các cơ quan này làm "tròn vai" nhiệm vụ của mình.

Tiếp cận vần đề với góc độ là chuyên gia về lĩnh vực tài chính - ngân sách, đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu) phát biểu tập trung về quy định về các thành phần kinh tế, về  3 phương án đưa ra, đại biểu nhất trí lựa chọn phương án 2 "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Theo đại biểu, việc xác định tính chất nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đối với định hướng phát triển Nhà nước XHCN ở nước ta, tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của kinh tế thị trường cũng như tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta; đồng thời tính chất định hướng XHCN của nền kinh tế Việt Nam bảo đảm mọi thành viên trong xã hội sẽ được hưởng thụ một cách công bằng hơn và tốt hơn các giá trị cũng như lợi ích của sự phát triển kinh tế.

Về thẩm quyền quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN (khoản 4 Điều 75), có 2 phương án đưa ra, tuy nhiên qua nhiều năm tham mưu, giúp việc lĩnh vực ngân sách của Quốc hội, đại biểu đề nghị chọn phương án 2 "Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương, xem xét báo cáo tổng hợp và quyết toán ngân sách nhà nước", theo đại biểu việc quy định như vậy sẽ phù hợp với chức năng quyết định và giám sát tối cao của Quốc hội.

Quan tâm đến vấn đề xác định ngôn ngữ (Điều 45), đại biểu Pờ Hồng Vân (Đoàn Lai Châu) cho rằng trong Dự thảo quy định công dân có quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp đã bao hàm tất đầy đủ nội dung, không cần thiết quy định việc "sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ", trên thực tế nhiều người sau khi sinh ra vì nhiều lý do khác nhau, không biết sử tiếng mẹ đẻ; mặt khác tại khoản 3 Điều 5, dự thảo Hiến pháp có quy định các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, do đó bỏ cụm từ trên không làm thay đổi quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ....

Theo chương trình kỳ họp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được Quốc hội dành một ngày thảo luận ở hội trường (ngày 3/6/2013) và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Khánh Huyền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...