Thứ hai, 29/04/2024, 15:30 [GMT+7]

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Hữu Vạn được bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước

Thứ sáu, 24/05/2013 - 21:06'
(BLC) – Hôm nay (24/5), Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính; bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Với 68,87% so với tổng số đại biểu nhất trí với giới thiệu của Ủy ban TVQH, ông Nguyễn Hữu Vạn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai được bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước thay ông Đinh Tiến Dũng trước đó đã được 71,28% so với tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu nhất trí đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Bộ Trưởng bộ Tài chính. Như vậy, công tác xem xét và quyết định nhân sự tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp (rút ngắn một buổi so với chương trình đề ra); với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã lựa chọn những người đủ điều kiện để đảm nhận trọng trách mà Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao.

Đại biểu Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu) tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Buổi chiều, đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Các quy định về thời gian tạm trú để đăng ký thường trú của các thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 2, Điều 1); điều kiện diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố và có xác nhận của chính quyền địa phương trong trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (khoản 2, Điều 1); về các trường hợp được đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương; thời hạn thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú và sự cần thiết của sổ tạm trú, thời hạn của sổ tạm trú... được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.

Đề cập nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ý kiến đại biểu nêu lên những tồn tại, yếu kém trong công tác dự báo và dự thảo luật, pháp lệnh trong thời gian qua như: tiến độ trình một số dự án luật chậm, chưa đảm bảo đúng quy trình; chất lượng dự thảo luật thấp; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia ý kiến chưa rõ...

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Quang Vinh (Đoàn Lai Châu) phản ánh, bên cạnh việc chất lượng một số dự án luật trình chưa cao, quy định còn chung chung khó thực hiện, một số dự án luật còn thể hiện lợi ích ngành, lĩnh vực chưa thật sự vì cái chung... nguyên nhân của tình trạng trên là do việc phân bổ cơ quan làm luật trong thời gian qua chưa thực sự hợp lý; đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật ở một số bộ, ngành yếu, thiếu kiến thức thực tiễn… Đề nghị trong thời gian tới cần hướng tới việc xây dựng cơ quan làm luật chuyên trách, khắc phục việc tập trung vào một số cơ quan như hiện nay; xác định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật; người làm luật cần khách quan hơn, dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao dự thảo và có cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng; cần lựa chọn đội ngũ cán bộ làm luật có trình độ chuyên môn và kiến thức thực tiễn...

Cùng với nội dung trên, đại biểu Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu) đồng thuận với ý kiến phát biểu của các đại biểu về những tồn tại, yếu kém của công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua và bổ sung ý kiến: việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa nghiêm, thường xuyên thay đổi, khó khăn cho công tác chuẩn bị của các cơ quan được giao dự thảo. Đồng thời chỉ ra một số nguyên nhân của tình hình trên: ngoài trách nhiệm của cơ quan được giao soạn thảo chưa cao, việc gửi các dự án luật, pháp lệnh đến các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, gửi đến các Đoàn ĐBQH lấy ý kiến còn chậm, sát thời gian tổ chức kỳ họp, đại biểu không có nhiều thời gian nghiên cứu; công tác phối hợp xây dựng luật của các cơ quan được giao soạn thảo thiếu chặt chẽ, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm cơ quan được giao chủ trì soạn thảo; việc tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động của dự án luật chưa được quan tâm làm tốt nên nhiều dự án luật ban hành nhưng khó áp dụng trong thực tiễn... đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp khắc phục.

Về những nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị: chuyển dự án Luật Bảo hiểm Y tế và Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 vì theo dự kiến chương trình, 2 dự án luật trên sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú được Quốc hội thông qua chiều ngày 20/6; dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua chiều ngày 21/6/2013.

 

Khánh Huyền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...