Thứ sáu, 03/05/2024, 16:59 [GMT+7]

Độ “nóng” ở Ai Cập và những hệ lụy hiện hữu

Thứ bảy, 12/02/2011 - 09:16'
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Tổng thống Hosni Mubarak trong việc giữ ổn định cho Ai Cập 30 năm qua cũng như trong mối quan hệ quốc tế, đặc biệt với phương Tây.

 

Những người biểu tình phản đối Tổng thống Ai Cập yêu cầu ông từ chức

“Nóng” đến mức nào?

Hôm qua, ông Mubarak đã từ chức và đến Sharm el Sheikh, khu du lịch của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ. Giờ đây, theo hiến pháp Ai Cập, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành Tổng thống, nhưng với sự nắm quyền của quân đội, không rõ điều này có xảy ra hay không. Giới phân tích cho rằng như vậy, tương lai chính trị của Ai Cập coi như vẫn còn mơ hồ.

Luật khẩn cấp mà ông áp dụng trong nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến dấu chấm cho sự nghiệp chính trị của Tổng thống Hosni Mubarak.

Sự quay trở lại của tổ chức Anh em Hồi giáo trong cuộc xuống đường kéo dài hơn 2 tuần qua là một vấn đề được quốc tế rất quan tâm và cũng là điều khiến nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ có thể làm cuộc khủng hoảng hiện nay càng thêm trầm trọng.

Về phương diện kinh tế, dù những cải tổ của ông Mubarak đã dẫn tới sự nở rộ của nền kinh tế Ai Cập, nhưng lại bị chỉ trích là đã làm gia tăng khoảng cách biệt giàu nghèo.

Sự tức giận của công chúng đã tăng cao vì tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng nghèo khó. Ngoài ra, việc ông Mubarak tìm cách chuẩn bị cho con trai ông làm người kế vị đã làm tăng thêm mức độ bất mãn của người dân Ai Cập.

Không thể phủ nhận rằng ông Hosni Mubarak có công trong việc giữ cho Ai Cập được ổn định trong gần 30 năm ông cầm quyền.

Viên cựu tướng không quân 82 tuổi này lên nắm quyền Tổng thống năm 1981 sau khi các phần tử tranh đấu ám sát người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Anwar Sadat. Dưới sự cai trị của ông, Ai Cập đã duy trì hòa bình với Israel và quan hệ mật thiết với phương Tây.

Chính phủ của ông Mubarak là một đồng minh then chốt của Mỹ trong nỗ lực tạo hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông Mubarak cũng được Phương Tây ủng hộ vì đã trấn áp đường lối Hồi giáo cực đoan.

Một chủ cửa hàng ở Cairo không giấu giếm tình cảm đối với Tổng thống Mubarak. Theo ông, Tổng thống Mubarak đã làm lợi nhiều cho Ai Cập và chính các nhóm cực đoan đang gây ra bất ổn cho đất nước. Đối với nhiều người khác, ông Mubarak là một nhà lãnh đạo tốt, vấn đề không phải từ ông, mà từ chính phủ là chính.

Dù vậy, những người biểu tình phải đối ông Mubarak tuyên bố không chấm dứt biểu tình cho tới khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Nói về Ai Cập thời “hậu Mubarak”, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng sẽ có những ngày khó khăn ở phía trước. 

Một khó khăn quan trọng là hiến pháp Ai Cập có một điều khoản quy định chủ tịch quốc hội lãnh đạo bất cứ chính phủ chuyển tiếp nào nếu Tổng thống từ chức. Điều đó có thể tạo ra thách thức vì nhiều người Ai Cập coi cuộc bầu cử quốc hội mới đây nhất là gian lận. Đó là chưa kể kịch bản còn chưa rõ ràng với sự nắm quyền của quân đội hiện nay.

Theo báo chí trong nước, kinh tế Ai Cập đang trên bờ vực sụp đổ vì một bộ phận lớn của bộ máy kinh tế bị đóng cửa do các cuộc đình công đang lan rộng và công nhân nổi loạn chống lại ban giám đốc được chính phủ bổ nhiệm. Ngay khi bạo loạn nổ ra vào ngày thứ 28/1 vừa qua, rất nhiều doanh nhân đã quyết định đóng cửa, thậm chí tự trang bị vũ khí cho mình, vì lo ngại vấn đề an ninh.

Vai trò của quân đội

Nói đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập, không thể không bàn đến vai trò của quân đội. Quân đội Ai Cập đã đóng một vai trò bản lề và có lẽ vai trò còn nhiều biến chuyển trong những cuộc biểu tình tại Ai Cập.

Các nhà lãnh đạo quân đội Ai Cập đang đứng ở một vị trí tế nhị, sau nhiều thập niên theo Tổng thống Mubarak, người cũng là một quân nhân. Khác với chế độ Ben Ali ở Tunisia coi trọng cảnh sát hơn, chế độ Hosni Mubarak ở Ai Cập dựa hẳn vào quân đội, cho lực lượng này được hưởng rất nhiều ưu đãi.

Quân đội từng luôn đứng "bên lề" vào những ngày đầu biểu tình

Cho tới nay, các giới chức Mỹ và các nhà phân tích tình hình nói rằng, quân đội có hành động thích đáng, nhưng cũng nói rằng tình hình vẫn thay đổi đều đặn.

Vào thời điểm đầu khi cuộc biểu tình bùng phát, khi thấy tình thế trở nên nguy cấp hơn cho sự tồn vong của chế độ, Tổng thống Ai Cập đã triển khai quân đội, thay thế hoàn toàn lực lượng cảnh sát, để đối phó với phong trào biểu tình ngày càng lớn mạnh. Sau đó, khi tuyên bố dứt khoát không nổ súng vào người biểu tình và công nhận tính chính đáng “của những đòi hỏi dân chủ”, quân đội Ai Cập có vẻ như đã chọn đứng về phía nhân dân, tuy rằng chưa hoàn toàn bỏ rơi Mubarak.

Dưới con mắt người dân Ai Cập, quân đội là một định chế “sạch”, không mang tai tiếng tham nhũng. Nhưng rõ ràng, thái độ của quân đội trong những ngày tới tùy thuộc phần lớn vào tầm mức của phong trào biểu tình.

Không nằm ngoài nhận định này, thái độ của quân đội có vẻ thay đổi từ ngày 10/2, khi quân đội tuyên bố ủng hộ các “yêu sách chính đáng của nhân dân”- những người biểu tình phản đối ông Mubarak.

Sau đó, trong diễn biến mới nhất, Hội đồng quân sự tối cao đã nắm quyền lãnh đạo đất nước sau sự ra đi của ông Mubarak. Một số chuyên gia phân tích về Ai Cập tin rằng những khó khăn hiện nay là liệu sẽ có một chính phủ chuyển tiếp thật sự tại Cairo hay không.

Những hệ lụy

Không khí tối qua ở Ai Cập đã lan truyền từ Ai Cập sang Tunisia, nơi dân chúng reo hò và còi xe hơi vang dội. Các cuộc biểu tình hồi tháng trước đã dẫn tới việc lật đổ Tổng thống Tunisia và châm ngòi cho phong trào dân chủ tại Ai Cập và các nơi khác trong vùng.

Khủng hoảng của các nước Arập là khủng hoảng xã hội chính trị đầu tiên của các quốc gia đang trỗi dậy. Báo chí phương Tây cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay trong thế giới Arập (hay các nước Trung Đông và Bắc Phi) là cuộc khủng hoảng xã hội chính trị, tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự phụ thuộc thái quá vào giá dầu, du lịch, hoạt động gia công, khiến cho các nước Arập bị ảnh hưởng nặng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, dự trữ tài chính từ dầu mỏ và bàn tay sắt của chính quyền chưa chắc đã cản được “mô hình” kinh tế hiện nay của các chế độ Arập sụp đổ.

Có thực tế là mặc dù cuộc “cách mạng hòa nhài” được châm ngòi đầu tiên là từ cuộc nổi dậy ở Tunisia, nhưng dường như “làn sóng hoa nhài” trong khắp khu vực lại “lấy cảm hứng” nhiều từ các cuộc biểu tình ở Ai Cập. Vào lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ai Cập biến thành bạo động, đã diễn ra những cuộc biểu tình khác tại những nước trong khắp thế giới Arập.

Tại Yemen, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ đầy thủ đô Sana’a trong ngày được mệnh danh là “Ngày phẫn nộ”. Tại Maroc và nhiều nước Arập khác, đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ cho những cuộc biểu tình của Ai Cập. Tiến độ và quy mô của các thay đổi đã gây sửng sốt cho cộng đồng quốc tế.

Không ít ý kiến cho rằng Ai Cập đóng một vai trò mạnh trong vùng đến độ bất cứ sự kiện nào xảy ra ở đó đều tác động đến tương lai của toàn bộ thế giới Arập.

Dầu mỏ, mối lo ngại nữa của toàn thế giới

Những xáo trộn ngày càng tăng tại Ai Cập và những lo ngại về gián đoạn cung cấp dầu đã làm giá dầu tăng cao vọt kể từ tuần qua. Hôm 1/2, giá dầu thô lên trên 100 USD một thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2008. Thị trường dầu mỏ thế giới đang phản ứng khi tiếp tục có những thông tin xấu từ khu vực này.

Giá dầu tăng đều kể từ khi những xáo trộn bùng phát tại Cairo gần 3 tuần qua. Tuy không phải là quốc gia sản xuất dầu chính yếu nhưng gần 2 triệu thùng dầu di chuyển ngang qua Ai Cập mỗi ngày xuyên qua kênh Suez.

Ông Tim Jenning, một nhà buôn dầu nói bất cứ gián đoạn cung cấp dầu nào cũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới: “Tôi nghĩ sẽ là một nguy hiểm quan trọng trong giai đoạn ngắn hạn nếu vì một lý do nào đó có sự gián đoạn cung cấp dầu qua kênh Suez vì những tàu dầu không qua được kênh này. Mỹ xem kênh này là một giao điểm quan trọng về mặt phân phối, sản xuất và cung cấp dầu”.

Theo tạp chí The Economist, giá dầu tăng do các nhà sản xuất “giật mình” trước tin tức từ Ai Cập, nơi sản xuất dầu mỏ và có kênh Suez chảy qua. Trước đó, các chuyên gia đã nhận định rằng nếu những bất ổn tại Ai Cập kéo dài và lan rộng ra khu vực, thì giá dầu sẽ tăng mạnh lên trên 110 USD/thùng, thậm chí xa hơn là 200 USD/thùng nếu kênh đào Suez bị đóng cửa.

Ai Cập không phải là nước sản xuất nhiều dầu mỏ, song kênh đào Suez thuộc Ai Cập là nơi trung chuyển khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với sản lượng dầu của hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Iraq hay Brazil.

Một vấn đề nghiêm trọng nếu có những vấn đề xảy ra và các tàu dầu sẽ đi vòng. Như vậy sẽ mất thêm 10 ngày nữa để đến Mỹ và 18 ngày để đến châu Âu. Đây sẽ là một xáo trộn lớn.

Các kinh tế gia nói hậu quả của việc giá dầu tăng cao có thể làm tổn hại đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu còn đang mong manh nếu người tiêu dùng không chi tiêu thêm nữa mà phải dùng tiền kiếm được để trả cho giá dầu tăng cao.

Nhưng mối lo ngại lớn nhất lại là những xáo trộn tại Ai Cập có thể lan sang các quốc gia sản xuất dầu tại vùng Vịnh. Sự xuất hiện của các lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và không quân Mỹ tại kênh đào Suez cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập chưa kết thúc ở đây.

Theo Dantri

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...