Thứ ba, 30/04/2024, 00:56 [GMT+7]

Vết dầu Ai Cập loang dần khắp Trung Đông

Thứ ba, 08/03/2011 - 17:53'
Làn sóng biểu tình đòi cải cách chính trị âm ỉ tại Trung Đông thực sự bùng nổ kể từ khi Tổng thống Mubarak bị hạ bệ tại Ai Cập. Hàng loạt điểm nóng mới như Bahrain và Yemen đang tìm cách lặp lại kịch bản ở Cairo. 

Diễn biến biểu tình nóng nhất khu vực Trung Đông hiện nay là tại Bahrain, Yemen, Iran và mới nhất là Libya. Các cuộc tuần hành ở những nước này có nhiều nét du nhập từ Ai Cập như khuấy động bằng Internet và chiếm giữ quảng trường trung tâm thủ đô làm nơi tập hợp lực lượng.

Bahrain - trung tâm mới của 'cơn thịnh nộ Ảrập'

Người biểu tình Bahrain phất cờ tại quảng trưởng Pearl. Ảnh: AFP
Người biểu tình Bahrain phất cờ tại quảng trưởng Pearl.

Bắt đầu từ đêm 15/2, hàng nghìn người đổ về chiếm giữ quảng trường Pearl ở trung tâm thủ đô Manama để hạ trại, đẩy một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại vùng Vịnh vào nguy cơ thay đổi lớn về chính trị. Sự kiện diễn ra sau hai ngày biểu tình có đụng độ khắp quốc đảo nhỏ khiến hai người thiệt mạng.

Ban đầu lực lượng an ninh tỏ ra kiềm chế khi chỉ đứng quan sát người biểu tình hô khẩu hiệu đòi cải cách chính trị. Nhưng rạng sáng nay, hàng trăm cảnh sát chống bạo động sử dụng dùi cui và hơi cay đã bắt đầu tiến vào quảng trường Pearl, quyết tâm giải tán hàng nghìn người biểu tình cố thủ tại đây.

Những yêu sách của người biểu tình Bahrain là thả tù nhân chính trị, tạo thêm việc làm và nhà ở, trao thêm quyền cho quốc hội, sử dụng hiến pháp mới do nhân dân xây dựng và lập một chính phủ không có Thủ tướng Sheikh Khalifa Bin Salman Al Khalifa, thành viên hoàng gia đã nắm quyền gần 40 năm nay.

Mức sống tại Bahrain tương đối cao nhưng nhiều người vẫn sôi sục trước những bất công về kinh tế mang màu sắc tôn giáo. Họ cho rằng những người Hồi giáo theo hệ phái Sunni thiểu số cầm quyền đang kiểm soát những cơ hội màu mỡ nhất, trong khi người Shiite đa số lại chịu thiệt đơn thiệt kép. Hoàng gia Al Khalifa thuộc hệ phái Sunni trị vì từ thế kỷ 18 và mối quan hệ giữa hai hệ phái căng thẳng kể từ sau khi Bahrain độc lập khỏi Anh năm 1971.

Tình hình căng thẳng buộc Quốc vương Bahrain Sheikh Hamad bin Issa Al Khalifa phải xuất hiện trên truyền hình một cách hiếm hoi, bày tỏ chia buồn trước cái chết của người biểu tình và cam kết tiếp tục công cuộc cải cách chính trị đã được thực hiện từ năm 2002, khi Bahrain trở thành nhà nước quân chủ lập hiến.

Làn sóng biểu tình lan tới Bahrain, nơi Mỹ đang đặt căn cứ của hạm đội 5, khiến Washington lo ngại và kêu gọi kiềm chế. Thái độ này khác với việc Washington ủng hộ người biểu tình tại Iran, nơi Mỹ không có quan hệ ngoại giao cũng như các lợi ích kinh tế hay quân sự.

Yemen - tổng thống xuống nước

Ảnh: BBC
Người biểu tình Yemen đốt xe của chính quyền tại Aden.

Cuộc biểu tình tại Yemen nổ ra từ sau sự kiện Tunisia hồi tháng một và tiếp diễn cùng với tình hình tại Ai Cập. Sau các cuộc tuần hành của người dân, ngày 2/2 Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh phải tuyên bố ông sẽ không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ mới sau 32 năm cầm quyền, đồng thời khẳng định sẽ không trao quyền cho con trai.

Tuy nhiên những nhượng bộ của Tổng thống Saleh vẫn không thể xoa dịu làn sóng phản đối của người dân tại thủ đô Sanaa cùng hai thành phố lớn Aden và Taiz. Những người đòi cải cách chính trị này đã đụng độ với người ủng hộ chính phủ và cảnh sát can thiệp, đẩy Yemen vào bầu không khí nóng không kém Ai Cập.

Sau ít ngày tạm lắng, đợt biểu tình mới lại trỗi dậy tại Yemen sau sự kiện Mubarak bị lật đổ tại Ai Cập và tới hôm qua đã bước sang ngày thứ 6 liên tiếp. Có ít nhất một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa người ủng hộ và phản đối chính phủ, cùng sự can thiệp của cảnh sát.

Washington đặc biệt quan tâm đến tình hình tại đây vì Yemen là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Nhưng Yemen khác với một Bahrain tương đối giàu có vì đây là quốc gia nghèo đói nhất thế giới Ảrập, với gần một nửa dân số chỉ kiếm được dưới 2 USD một ngày.

Người biểu tình Iran bất lợi

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát sử dụng hơi cay tại Tehran. Ảnh: AFP
Người biểu tình Iran đụng độ với cảnh sát sử dụng hơi cay tại Tehran.

Cuộc tuần hành dẫn đến đụng độ hôm thứ hai tại Tehran là một sự bất ngờ lớn đối với cả chính phủ lẫn phe đối lập là Phong trào Xanh (Green Movement). Sự kiện nhiều người bất chấp lực lượng an ninh vẫn đổ ra đường cho thấy sự tức giận còn hiện hữu trong một bộ phận dân chúng nước này và chỉ chờ cơ hội bùng lên.

Tuy nhiên, ngoài những điểm giống nhau với cuộc biểu tình tại Ai Cập như khơi mào từ các trang mạng xã hội hay việc lấy một quảng trường làm trung tâm tập hợp lực lượng (Ai Cập là quảng trường Tahrir Cairo, còn Iran là quảng trường Azadi Tehran), thì người biểu tình Iran có nhiều bất lợi hơn.

Đặc biệt là việc lực lượng an ninh tỏ ra rất kiên quyết, phong toả mọi ngả đường dẫn vào khu trung tâm để phân tán người biểu tình. Đây cũng là chiến thuật được Iran áp dụng thành công trong suốt hai năm xảy ra nhiều bất ổn vừa qua. Ngoài ra chính quyền Iran còn giam lỏng các thủ lĩnh của Phong trào Xanh để chia cắt mối liên lạc giữa họ với những người chống chính phủ.

Sự bất lợi lớn nhất giữa người biểu tình Iran so với người biểu tình tại Ai Cập là việc người chống chính phủ tại Iran không nhận được sự ủng hộ của quân đội. Lực lượng vệ binh cách mạng đầy uy lực của quân đội Iran đang dẫn đầu chiến dịch đối phó với những người chống chính phủ.

Ngay cả việc được Mỹ công khai ủng hộ cũng trở thành bất lợi đối với phe biểu tình tại Iran, vì động thái này cho phép chính phủ cáo buộc phe đối lập là "kẻ phản bội đứng về phía Israel" và ra tay trấn áp. Do đó, làn sóng biểu tình bùng lên tuần này tại Iran dù thổi luồng sinh khí mới cho nhóm đối lập Phong trào Xanh, nhưng với những bất lợi trên sẽ rất khó để họ có thể mang đến một sự thay đổi theo kiểu Ai Cập hay Tunisia.

Libya - mặt trận mới của biểu tình

Những người ủng hộ Tổng thống Gaddafi xuống đường tại Tripoli. Ảnh: AFP
Những người ủng hộ Tổng thống Gaddafi xuống đường tại Tripoli.

Đêm 16/2, vết dầu Ai Cập chính thức loang sang nước láng giềng Libya khi thành phố Banghazi chấn động vì cuộc biểu tình của hàng nghìn người chống chính phủ. Libya nằm "xen kẹt" giữa hai tâm điểm Tunisia và Ai Cập và cũng có nhiều nét tương đồng về kinh tế chính trị, nên Libya được dự đoán là khó có thể "miễn nhiễm" trước làn sóng đòi thay đổi của người dân.

Cuộc biểu tình ở Benghazi có khoảng 2.000 người tham gia được châm ngòi từ vụ bắt một luật sư chỉ trích chính phủ và là hành động thách thức chính quyền đầu tiên ở Libya, vốn được biết đến với chính sách cứng rắn đối với người chống đối. Sau đó trên các trang mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi xuống đường trên khắp Libya trong "Ngày nổi giận" 17/2.

Tổng thống Muammar Gaddafi cầm quyền tại Libya từ năm 1969 và là nhà lãnh đạo có thời gian tại chức lâu nhất thế giới Ảrập, tối qua có bài phát biểu trên truyền thông quốc gia đã không nhắc gì tới sự kiện Benghazi. Nhưng ông khẳng định những con rối của Mỹ và chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở Libya sẽ "rụng như lá mùa thu".

Lời cảnh báo của lãnh đạo Libya với những người biểu tình từng được hiện thực hoá nhiều lần trước đây, khi các cuộc tuần hành phản đối chính phủ đều được lực lượng an ninh "giải quyết" êm thấm. Tuy nhiên đó là thời điểm khi lãnh đạo kỳ cựu của hai nước láng giềng là Tunisia ở phía tây và Ai Cập ở phía đông vẫn chưa bị lật đổ.

Ngoài những điểm nóng lớn nhất hiện nay trong làn sóng biểu tình Trung Đông là Bahrain, Yemen, Iran và Libya, người dân tại nhiều nước khác trong khu vực cũng xuống đường đòi cải cách chính trị như Algeria, Jordan, Syria và Marốc.

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...