Thứ sáu, 26/04/2024, 16:02 [GMT+7]

Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân

Thứ ba, 29/05/2018 - 15:24'
(BLC) - Nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng các công trình văn hóa trong việc phục vụ, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm phát huy vai trò, giá trị phục vụ của các thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa, Đoàn Nghệ thuật, Thư viện tỉnh) và cấp huyện (Phòng Văn hóa - Thông tin, Thư viện, thiết chế văn hóa cơ sở).

Mặc dù Bảo tàng tỉnh chưa có nhà trưng bày, trụ sở làm việc và kho bảo quản chật hẹp nhưng đơn vị ngày càng quan tâm, chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 25 di tích đã được xếp hạng. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đều thực hiện kiểm kê, bảo quản, lập hồ sơ, phân loại hiện vật đã sưu tầm; khảo sát, thống kê hiện vật dân tộc. Với việc lưu giữ 31.063 hiện vật, thời gian gần đây, Bảo tàng tỉnh mở cửa kho, đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có trên 1.500 lượt khách tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử các dân tộc.

Múa “Vũ điệu Cống Khao” do Đoàn Nghệ thuật tỉnh biểu diễn phục vụ Nhân dân thị trấn huyện Tân Uyên nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017).

Đối với Lai Châu, chỉ có duy nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh mà không tách riêng thành 2 đơn vị sự nghiệp là: Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thông tin - Triển lãm như một số tỉnh. Về cơ bản, các trang, thiết bị như: trang âm ánh sáng, loa đài, trang phục, xe thông tin lưu động... đáp ứng nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh chưa có hội trường và các phòng chức năng để phục vụ việc luyện tập cũng như tổ chức lớp năng khiếu hè cho học sinh, sự kiện liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn. Do vậy, các hoạt động đều phải mượn tạm rạp của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, Hội trường Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Vượt lên những khó khăn đó, hàng năm, Trung tâm tích cực tổ chức tuyên truyền lưu động tại cơ sở phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh tới Nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tổ chức các cuộc triển lãm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn trong khu vực và toàn quốc.

Với lợi thế trụ sở được đầu tư xây dựng khang trang; hệ thống thiết bị đầu tư hiện đại, đồng bộ, Đoàn Nghệ thuật tỉnh tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tài năng, sở trường của diễn viên, nhất là động viên, khích lệ nhạc sỹ, biên đạo sáng tác, đạo diễn nhiều tiết mục độc đáo, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ đó, không chỉ biểu diễn phục vụ đồng bào các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới mà còn dàn dựng công phu tham dự nhiều hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc đoạt giải cao. Anh Chu Văn Lượng - Phó trưởng Đoàn nghệ thuật tỉnh chia sẻ, bổ sung nhân lực, tìm kiếm tài năng mới, kết thúc năm học, chúng tôi thường đến các đơn vị đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật trong cả nước để tìm kiếm, tuyển dụng. Hiện nay, Đoàn có đội ngũ diễn viên trẻ về tuổi đời, năng động, đa tài và nhiệt huyết với nghề. Chính bởi vậy, dù địa bàn miền núi của tỉnh khó khăn, cơ sở vật chất chưa đầy đủ nhưng hàng năm, Đoàn tổ chức về biểu diễn khoảng 80 buổi phục vụ Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trung bình mỗi năm, tập luyện 2 chương trình mới; biểu diễn hàng chục buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị tại tỉnh và cơ sở. Qua đó, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát huy, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Cống, Mảng, La Hủ, Si La...

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, Thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển về 3 thư viện huyện và 12 tủ sách thuộc lực lượng vũ trang với khoảng 1.500 bản sách/năm; 6 tháng thực hiện luân chuyển 1 lần. Tổ chức triển lãm sách, báo, tài liệu phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Trao đổi sách, báo với 62 tỉnh, thành trong cả nước. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thống luân chuyển sách, báo đến các điểm bưu điện văn hóa xã, thị trấn, đồn biên phòng và tủ sách trường học.

Thư viện tỉnh cũng tăng cường công tác phối hợp, xây dựng phong trào ở cơ sở nhằm nâng cao khả năng tiếp cận văn hóa cho Nhân dân trên địa bàn. Tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Định kỳ tổ chức hội thi, liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách... thu hút đông đảo bạn đọc cũng như tham gia các hoạt động của thư viện. Hàng năm, đơn vị tiến hành đổi và cấp mới trên 300 lượt thẻ bạn đọc.

Đối với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh tổ chức trên 1.000 buổi chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Chủ động sản xuất, lồng tiếng phim, sản xuất chương trình tuyên truyền, in đĩa phim tạo nguồn phim ổn định, cung cấp cho các đội đi chiếu và cấp cho cơ sở. Các nội dung tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước như: chủ quyền biển đảo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm, điểm hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào cuộc sống của Nhân dân.

Được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, củng cố nguồn nhân lực, các thiết chế văn hóa huyện, thành phố ngày càng phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Theo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin của 8 huyện, thành phố được trang bị cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tham mưu tích cực cho UBND các huyện, thành phố về các lĩnh vực quy định chức năng, nhiệm vụ tại địa phương. Chủ trì, phối hợp với phòng, ban tại cơ sở tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đạt hiệu quả cao.

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 75 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (đạt 69%); 625 nhà văn hóa bản, khu phố (đạt 53,6%). 72 nhà văn hóa thôn, bản, khu phố và 100% nhà văn hóa xã, phường, thị trấn được cấp thiết bị. Có địa điểm sinh hoạt cộng đồng, Nhân dân được truyền tải kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh; có điểm vui chơi, rèn luyện thể thao thông qua tập dưỡng sinh tâm thể, đánh bóng chuyền hơi; học sinh tham gia sinh hoạt hè với nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích. Quan trọng hơn cả là sự cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt.

Các thiết chế đều được xây dựng ở những nơi tập trung đông dân cư và sử dụng đúng chức năng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hội họp, vui chơi giải trí của Nhân dân. Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hóa hiện có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến mỗi người dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng cơ bản thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh đến bản, tổ dân phố thiếu cả về số lượng, trang thiết bị, con người. Việc xây dựng một số thiết chế văn hóa về quy mô, kiểu dáng, vị trí chưa phù hợp... Ví dụ như đối với thư viện cấp huyện cũng mới chỉ có 6/8 huyện, thành phố có thư viện hoạt động, riêng Nậm Nhùn, Tam Đường chưa có. Mỗi thư viện huyện có 1 cán bộ quản lý; tất cả thư viện huyện chưa sử dụng phần mềm trong quản lý vốn tài liệu. Trong tổng số 700 nhà văn hóa thì có 81 nhà văn hóa (4 nhà văn hóa xã, 77 nhà văn hóa thôn, bản) đã xuống cấp và 47 nhà văn hóa thôn, bản hư hỏng nặng, không còn giá trị sử dụng (chủ yếu là xây dựng từ năm 2007 về trước, nguồn kinh phí hỗ trợ thấp - 50 triệu đồng/nhà).

Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân, thiết nghĩ vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất của tỉnh; tăng cường, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác văn hóa. Tăng cường quán triệu sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp về công tác văn hóa nghệ thuật. Tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...