Thứ sáu, 26/04/2024, 19:51 [GMT+7]
Du lịch Lai Châu – nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc

Bài 1: Lai Châu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Thứ ba, 16/08/2022 - 16:40'
(BLC) - Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, tỉnh Lai Châu tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, leo núi, thể thao mạo hiểm… Từ đó, thu hút du khách đến thăm quan, khám phá, trải nghiệm, đưa Lai Châu trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn vùng Tây Bắc.

Phát huy thế mạnh du lịch mạo hiểm

Trong số các tỉnh miền núi Tây Bắc, Lai Châu được ví “thủ phủ” của các đỉnh núi với 6/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam - nơi đây còn gìn giữ được những cánh rừng nguyên sinh với dòng suối, thác nước, hang động, thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đây là lợi thế để tỉnh tập trung phát triển nhất các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, đặc biệt trekking, leo núi đang được các bạn trẻ ưa chuộng.

Nếu có thời gian lướt qua facebook, zalo, youtube bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của các đỉnh núi trên địa bàn tỉnh được phượt thủ, du khách ưa thích mạo hiểm chụp lại. Nhiều du khách đã ví “Bạch Mộc Lương Tử” (cao 3.046m) như thiên đường mây”; “Pu Si Lung” đỉnh núi khó chinh phục nhất với độ cao 3.083m; “Pu Ta Leng” đỉnh núi đẹp nhất cao 3.049m.

Đường lên đỉnh Pu Ta Leng với những cung đường hùng vĩ, hoang sơ.

Đường lên đỉnh Pu Ta Leng với những cung đường hùng vĩ, hoang sơ.

Ngoài 3 đỉnh núi trên, Lai Châu còn có Tả Liên Sơn (cao 2.993m), Phàn Liên San (3.012m), Pờ Ma Lung (2.967m)… Theo chia sẻ của những du khách đam mê du lịch mạo hiểm họ vô cùng yêu thích các đỉnh núi ở Lai Châu vì giữ được hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già, cung đường khám phá với độ khó cao, thách thức mọi giới hạn về sự kiên trì, lòng dũng cảm của du khách. Cùng với đó, cư dân sinh sống quanh các ngọn núi là bản làng của các đồng bào dân tộc vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng. Năm 2021, toàn tỉnh đón được 3.092 lượt khách leo núi, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, thu hút 2.613 lượt khách leo núi chiếm 0,65% so với tổng lượt khách 6 tháng đầu năm. Những con số này là minh chứng rõ nét Lai Châu xứng đáng là “thiên đường leo núi”.

Để hiểu rõ hơn quá trình chinh phục các đỉnh núi, chúng tôi tìm đến anh Giàng A Páo, chàng trai người Mông ở bản Tả Lèng Lao Chải (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) là một trong những porter (người khuân vác) khá nổi tiếng trong giới leo núi. Chúng tôi gặp Páo khi anh đang chuẩn bị “đồ nghề” để đón đoàn du khách Hà Nội chinh phục đỉnh Pu Ta Leng với hành trình 3 ngày, 4 đêm.

Chia sẻ với chúng tôi về cái duyên đến với nghề porter, Páo tâm sự: Từ nhỏ mình đã theo bố mẹ đi vào rừng chăn trâu, lượm thảo quả, vì thế tình yêu với núi rừng đã ngấm sâu vào máu. Khi có thời gian rảnh lại rủ các bạn đi rừng để ngắm cảnh, khám phá các đỉnh núi, lúc đầu chỉ chụp vài bức ảnh đăng lên mạng nhưng không ngờ lại được nhiều người chia sẻ. “Tiếng lành đồn xa” thời gian đầu, chỉ có vài người gọi điện nhưng chục năm trở lại đây Páo trở thành người dẫn đường leo núi chuyên nghiệp cho các đoàn du khách muốn chinh phục, khám phá các đỉnh núi Tây Bắc. Ngoài thỏa niềm đam mê leo núi công việc dẫn đường giúp Páo kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Cũng theo chia sẻ của Páo, hiện nay trong xã đã thành lập được đội porter do Páo làm porter chính gồm 30 người là những người có kinh nghiệm, thuộc từng lối đi trong rừng, biết xử lý những vấn đề, rủi ro có thể xảy ra trên đường leo núi. Trung bình một năm, đội porter dẫn trên 1.000 lượt khách chủ yếu chinh phục các đỉnh núi Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử tập trung vào các dịp tết, 30/4. Thông thường mỗi đoàn có từ 10-30 người, ngoài khách quen giới thiệu thì các công ty du lịch bên Lào Cai thường xuyên gọi điện đặt lịch nhờ đội dẫn đoàn. Với mức trả 500 nghìn/1 ngày đội porter của Páo mỗi năm thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng.

Du khách sẽ được ngắm  biển mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh đầy nắng, gió trên đỉnh Tả Liên Sơn.

Du khách sẽ được ngắm  biển mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh đầy nắng, gió trên đỉnh Tả Liên Sơn.

Tâm sự với chúng tôi Páo chia sẻ thêm: Ngoài nhiệm vụ phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, thực phẩm cho suốt hành trình, anh em trong đội còn sưu tầm những chuyện rừng thú vị để kể, tìm những điểm đẹp nhất có nhiều hoa, thác nước, cây chè cổ thụ để dẫn khách khám phá, chụp ảnh lưu lại những hành trình chinh phục đỉnh núi.

Còn nhớ dịp 30/4 vừa qua, tôi gọi điện nhờ Páo làm porter dẫn đường cho Đoàn du khách Hà Nội chinh phục đỉnh Pu Ta Leng có độ cao 3.049m (thuộc huyện Tam Đường, cách thành phố Lai Châu khoảng 20km). Đỉnh Pu Ta Leng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn là một trong những nóc nhà của Đông Dương, là đỉnh núi cao thứ 2 của Việt Nam được nhiều khách du lịch ưa khám phá luôn có mong muốn trải nghiệm, chinh phục. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ đầu năm đến nay, đỉnh núi Pu Ta Leng thu hút được 1.702 lượt khách, chiếm 65,14% trên tổng lượt khách leo núi của toàn tỉnh.

Khi được hỏi cảm nghĩ về chuyến đi, anh Nguyễn Văn Tuấn (du khách Hà Nội) hào hứng kể: “Để đến được đỉnh Pu Ta Leng, đoàn chúng tôi đi bộ mất 3 ngày, 4 đêm men theo các sườn núi với nhiều tảng đá; cảnh vật trong rừng hoang sơ, điểm nhấn là nhiều con suối nhỏ đây là điểm dừng chân lý tưởng mỗi khi chúng tôi thấm mệt. Được ngắm những rừng cây cổ thụ bạt ngàn, cùng dùng bữa tối do các poster chuẩn bị như: xôi, thịt lợn hun khói là trải nghiệm rất thú vị.

Khi đặt chân tới đỉnh, các thành viên trong đoàn thực sự choáng ngợp trước cảnh núi rừng đẹp hùng vĩ, tận mắt nhìn cả một vương quốc hoa đỗ quyên với đủ màu sắc tím, hồng, vàng; ngắm biển mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh đầy nắng, gió. Đối với tôi, đây là kỷ niệm đáng nhớ của tuổi trẻ, mong muốn thời gian tới sẽ rủ bạn bè thân quen đến Lai Châu để khám phá nhiều điểm du lịch khác”.

Khám phá các bản làng du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng chiếm vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của Lai Châu. Trò chuyện với phóng viên, ông Trần Quang Kháng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tươi đẹp cùng bản sắc đặc trưng của 20 dân tộc cùng sinh sống là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, Lai Châu có 16 khu, điểm du lịch địa phương đã được UBND tỉnh công nhận, nổi bật nhất là bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ để đưa bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng Asean đến năm 2025.

Nếu du khách muốn tận hưởng không gian núi rừng trong lành, bình yên, nguyên sơ và thuần khiết của bản làng đồng bào dân tộc Mông thì Sin Suối Hồ là điểm đến hấp dẫn nhất tại Lai Châu hiện nay. Với khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoa lan, sắc đào phai,  ruộng bậc thang vàng óng. Đặc biệt, được ngắm thác trái tim, chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, trải nghiệm săn mây trên đỉnh núi, ghé chợ phiên vào thứ bảy hàng tuần, thưởng thức các món ăn ẩm thực. Đến với Sin Suối Hồ, du khách trực tiếp trải nghiệm cuộc sống nông nghiệp cùng bà con như: là vải trên đá, thêu hoa văn trên thổ cẩm...

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan các cảnh đẹp của bản, anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ nhớ lại: Bản Sin Suối Hồ có 147 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, bản từng được coi là “bản nghiện”, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Nhưng với sự vào cuộc, giúp đỡ của cấp ủy chính quyền, các ban ngành đoàn thể năm 2015 bản bắt đầu làm du lịch và coi đây là hoạt động kinh tế chủ chốt.

Bà con dân bản chung tay xây dựng “bản 5 không” với tiêu chí: không uống rượu; không hút thuốc (thuốc phiện, thuốc lá, thuốc lào); không xả rác bừa bãi; không có tệ nạn và mâu thuẫn cộng đồng; không có người ăn xin, chèo kéo du khách. Người dân cùng  xây dựng bản xanh - sạch - đẹp như: trồng địa lan, đào, xây dựng những cổng nhà độc đáo hay sửa sang đường đi, giữ sạch các thác nước… Hiện nay, bản có 20 hộ kinh doanh homestay, mỗi năm lượng khách du lịch tham quan bản khoảng 20.000 lượt người.

Huyện Tam Đường cũng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay nhiều bản du lịch cộng đồng của huyện thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan như: bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), bản Thẳm (xã Bản Hon), Lao Chải 1 (xã Khun Há). Điển hình bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải  được tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng năm 2016. Là bản vùng cao nằm lưng chừng núi với độ cao gần 1.500m, người dân tộc Dao đầu bằng vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc như: dệt thổ cẩm, trang phục, lễ hội tủ cải, nhảy lửa, nghề thuốc. Đây cũng là địa điểm bay dù lượn Quốc tế thu hút nhiều phi công tham gia. Từ bản Sì Thâu Chải du khách còn được khám phá thác Tác Tình, chinh phục đỉnh Pu Ta Leng.

Từng bước hình thành mô hình du lịch nông nghiệp

Loại hình du lịch nông nghiệp đang là hướng đi đầy triển vọng. Thời gian gần đây, tỉnh quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển loại hình du lịch này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp phục vụ khách tham quan trải nghiệm, chụp ảnh, ghi hình như: khu vườn ăn quả đào, lê, mận tại khu vực các xã Hồ Thầu, Giang Ma (huyện Tam Đường); vùng trồng dược liệu đương quy, đỗ trọng, sâm tại huyện Sìn Hồ; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng (huyện Than Uyên); đồi chè huyện Tân Uyên; các sản phẩm chợ phiên vùng cao như: chợ đêm San Thàng (thành phố Lai Châu); chợ phiên Dào San (huyện Phong Thổ)…

Vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng giờ đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã biết tận dụng vườn cây ăn quả để làm du lịch. Tiêu biểu như gia đình anh Giàng A Sang, bản Bãi Bằng, xã Giang Ma (huyện Tam Đường) có 160 cây lê, 40 cây đào và 15 cây hồng. Những năm gần đây, khi đến mùa thu hoạch lê du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh. Nguồn thu không chỉ từ bán quả, mà gia đình còn có thêm thu nhập khi bán vé cho khách vào “check-in”. Mỗi lượt khách vào vườn lê trải nghiệm hái quả, gia đình thu thêm 10 nghìn đồng. Vậy là ngoài bán quả, mỗi mùa lê gia đình ông có thêm nguồn thu cả chục triệu đồng từ khách du lịch.

Đồi chè Tân Uyên bạt ngàn màu xanh kéo dài tới tận chân trời.

Đồi chè Tân Uyên với bạt ngàn màu xanh kéo dài tới tận chân trời.

Vẻ đẹp của đồi chè Tân Uyên cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, “check-in” với quy mô rộng hơn 2.000ha. Trong không gian hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, những đồi chè bạt ngàn xanh mướt kéo dài tới tận chân trời, giữa lấp lánh nắng vàng tạo nên những góc chụp hình tuyệt đẹp. Hàng năm khu du lịch đồi chè Tân uyên đã đón hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan. Đây cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Tân Uyên đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho bà con nông dân góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. 

Để thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng, đường giao thông tại các địa phương. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện toàn tỉnh 124 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của du khách khi tới Lai Châu.

(Còn nữa)

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...