Thứ sáu, 26/04/2024, 18:36 [GMT+7]
Thủy điện ở Phúc Khoa cần hài hòa về lợi ích

Bài 2: Cơ quan chức năng nói gì?

Thứ bảy, 11/04/2020 - 14:41'
(BLC) - Không chỉ làm ảnh hưởng tới nguồn nước sản xuất của người dân, công trình Thủy điện Nậm Bon (đóng chân trên địa bàn xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) còn đưa vào phát điện thương mại khi chưa được cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

<> Bài 1: Tiếng kêu từ những cánh đồng

Nước sản xuất giảm do đâu?

Trước những lý do ông Phạm Văn Ái - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Uyên nêu ra, ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu khẳng định: Dưới sự quản lý và điều tiết của Công ty nhiều năm qua, chưa khi nào việc sản xuất của nông dân khu vực này gặp khó khăn, kể cả vào mùa kiệt. Ông Chung cũng thừa nhận việc hư hỏng đập thủy lợi là có do công trình đã được đầu tư lâu năm, không tránh khỏi xuống cấp. Tuy nhiên đây không phải nguyên nhân chính khiến nguồn nước thất thoát nhiều đến như vậy.

Ông Chung cho biết, để đảm bảo công tác tưới tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu thường xuyên phối hợp với các đơn vị dùng nước và đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy điện tại các địa phương, kiểm tra lưu lượng nguồn nước và nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất của các công trình thủy lợi. Trong quá trình kiểm tra, thời điểm từ ngày 2 - 7/3, Công ty phát hiện việc vận hành các công trình thủy điện làm ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020. Trong đó, Công trình Thủy điện Nậm Bon ảnh hưởng đến công trình thủy lợi Nậm Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên). Đơn vị quản lý, vận hành công trình Thủy điện Nậm Bon chưa có Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt nhưng vẫn thực hiện việc tích nước phát điện và chưa nghiêm túc xả dòng chảy theo nhu cầu sản xuất. Diện tích lúa thiếu nước khoảng 30,8ha.

Trong biên bản kiểm tra khả năng cấp nước sản xuất ngày 3/3/2020 giữa Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu với UBND xã Phúc Khoa có ghi: Do việc thi công Thủy điện Nậm Bon làm tuyến kênh chính của công trình thủy lợi Nậm Bon gẫy 8 đoạn kênh (tổng chiều dài 53,9m), đầu mối công trình bị hư hỏng phần bêtông bọc đập và sân tiêu năng. Điều này dẫn tới 70% diện tích không đủ nước tưới trong thời gian thủy điện tích nước. Sự việc trên Công ty đã lập biên bản, báo cáo, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp đối với đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phải có trách nhiệm xả dòng chảy theo yêu cầu dùng nước sản xuất của địa phương.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV quản lý thủy nông trao đổi với phóng viên về nguyên nhân thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV quản lý thủy nông trao đổi với phóng viên về nguyên nhân thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất.

Trước đó, ngày 18/2/2020, Đoàn kiểm tra liên ngành (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công thương, huyện Tân Uyên, Công ty TNHH MTV thủy nông Lai Châu, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Tân Uyên) sau khi đi kiểm tra thực địa, hồ sơ... cũng đánh giá: Trong quá trình thi công, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Tân Uyên đã xả đổ thải đất đá xuống dòng suối làm ảnh hưởng tới đập thủy lợi và kênh lấy nước của công trình thủy lợi Nậm Bon (xã Phúc Khoa).

Còn theo báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/3/2020 gửi UBND tỉnh, Sở đề nghị các công ty thủy điện: Đối với trường hợp dòng chảy đến nhỏ hơn lưu lượng xả môi trường đề nghị công ty ngừng phát điện để ưu tiên cho việc điều tiết cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt vùng hạ du. Thế nhưng sau nhiều lần các đoàn kiểm tra từ cấp tỉnh, huyện, xã nhắc nhở, việc xả nước phục vụ sản xuất cũng chẳng cải thiện được là bao.

Trao đổi về thông tin trên, ông Nguyễn Sỹ Chín - Giám đốc Sở Công thương cho chúng tôi biết: Nhà máy Thủy điện Nậm Bon đã được phê duyệt thiết kế, bố trí cống xả dòng chảy tối thiểu với lưu lượng duy trì thường xuyên 93 lít nước/giây (vượt 5 lít nước/giây so với nhu cầu tối thiểu). Do đó, thông tin nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã Phúc Khoa chỉ đáp ứng 50 - 70% do Thủy điện Nậm Bon là chưa có cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế tại thời điểm phóng viên mục sở thị (ngày 5/3), cống xả dòng chảy tối thiểu với lưu lượng nước lẽ ra phải duy trì thường xuyên như phê duyệt của Sở Công thương thì lại cạn khô đáy. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trả lời phỏng vấn phóng viên ngày 16/3, anh Nguyễn Kim Tuyền - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa xác nhận: Tuần trước, đồng chí Nguyễn Thanh Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp lên khu vực đập thủy điện kiểm tra và yêu cầu Nhà máy Thủy điện Nậm Bon không tích nước, không khóa van đáy trong thời gian này, vài ngày sau tình hình có cải thiện được chút ít nhưng chỉ một thời gian sau tình trạng vẫn đâu vào đấy.

Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Chín, trong trường hợp Thủy điện Nậm Bon phát điện ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp thì đề nghị UBND xã Phúc Khoa có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm tra, đánh giá, nếu vi phạm sẽ xử phạt theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Chưa đủ giấy phép đã phát điện thương mại?

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Dự án Thủy điện Nậm Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 8/1/2019 cho Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Tân Uyên với quy mô là công trình công nghiệp cấp III, công suất lắp máy 3,6MW gồm 2 tổ máy. Trong đó yêu cầu, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến dự án Thủy điện Nậm Bon để đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật Nhà nước có liên quan về đầu tư thủy điện. Trong quá trình thực hiện dự án, phải đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo Điều 54 của Luật Tài nguyên nước.

Về các điều kiện để Nhà máy đi vào vận hành, ông Nguyễn Sỹ Chín - Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Dự án Thủy điện Nậm Bon đã được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cấp Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện ngày 31/12/2019, có hợp đồng mua bán điện với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Do đó, dự án Thủy điện Nậm Bon đủ điều kiện phát điện thương mại.

Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 44, Luật Tài nguyên nước về “Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước” quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này (khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình; quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học; phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác...) phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi quyết định việc đầu tư.

Để làm rõ việc này, chúng tôi có buổi làm việc với các phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên Môi trường và nhận được câu trả lời: Đến thời điểm này (sáng ngày 24/3), Thủy điện Nậm Bon chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Đây là điều kiện cần và đủ để phát điện thương mại.

Như vậy, mặc dù còn một số hạng mục chưa triển khai thi công, hồ sơ dự án có tới trên dưới 50 các văn bản giấy tờ liên quan thiếu; đặc biệt là chưa được cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng tháng 1/2020, Thủy điện Nậm Bon đã thực hiện phát điện thương mại.

Được biết, theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, tại khoản 7, Điều 7 về hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định thì việc khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000kW đến dưới 5.000kW có thể bị phạt tiền từ 100 - 140 triệu đồng (đối với tổ chức). Thẩm quyền xử lý thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh. Cũng theo luật này, công chức, viên chức UBND cấp xã, huyện, thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường đang thi hành công vụ, nhiệm vụ đều có quyền lập biên bản vi phạm hành chính để trình người có thẩm quyền  xử phạt.

Trang - Thủy ( (Còn nữa)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...