Thứ tư, 01/05/2024, 15:40 [GMT+7]

Bảo hiểm Xã hội tự nguyện: Ít người tham gia

Thứ ba, 25/10/2011 - 15:46'
(BLC) - 111 là số người ít ỏi trong toàn tỉnh đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) từ đầu năm tới nay. Dù đã hơn 3 năm triển khai Nghị định 190/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Luật BHXHTN nhưng đối với người dân vùng sâu, vùng xa ở tỉnh ta thì đây vẫn còn là điều còn quá xa.

Mức đóng quá cao

Đối với những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như tỉnh ta thì mức đóng BHXHTN là điều phải trăn trở suy nghĩ. Bởi thu nhập trung bình của các hộ ở vùng nông thôn trong tỉnh chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng mà bỏ ra chi phí cho 3 - 5 người thì việc dành ra một khoản tiền đóng BHXHTN hàng tháng là điều rất khó khăn.

Người dân đến nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Bảo hiểm Xã hội thị xã Lai Châu.

Nhiều người là lao động tự do, tiểu thương, nông dân rất muốn tham gia BHXHTN, nhưng sau khi tìm hiểu và tính toán, họ đã quyết định chọn cách dành dụm khác thay vì đóng BHXHTN hàng tháng.

Gia đình anh Khương Văn Cần (bản Phan Lìn, xã San Thàng, thị xã Lai Châu) hiện đang làm nghề buôn bán cá giống mong ước khi về già có được tiền trợ cấp hưu trí để lo cuộc sống như những cán bộ công nhân viên chức. Qua tư vấn của cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), anh Cần được biết: Mức đóng BHXHTN được tính trên mức thu nhập do người tham gia lựa chọn, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Người tham gia BHXHTN được hưởng lương hưu hàng tháng, khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Với thu nhập bình quân của anh Cần là 2 triệu đồng/tháng, hàng tháng anh sẽ đóng 360.000 đồng (18% thu nhập trong năm 2010 - 2011) phí BHXHTN. Đến đầu năm 2012, anh phải đóng theo mức mới bằng 20% thu nhập là 400.000 đồng/tháng. Kể từ năm 2014, anh phải đóng theo mức 22% là 440.000 đồng. Trong 20 năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, anh Cần sẽ đóng khoảng 100 triệu đồng. 20 năm nữa, khi được hưởng lương hưu, mỗi tháng anh sẽ được hưởng 55% mức thu nhập hàng tháng (làm căn cứ đóng BHXH) tức khoảng 1,2 triệu đồng. Mặc dù mức lương hưu này sẽ được điều chỉnh tùy theo sự tăng trưởng của kinh tế đất nước và mức lạm phát nói chung, nhưng suy đi nghĩ lại, anh Cần không còn hào hứng, vì thời gian đóng quá dài và mức đóng quá cao nên không biết có theo nổi hay không?

Với giá cả hiện tại thì không chỉ riêng gia đình anh Cần đang phải từng ngày chật vật để nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn có một bộ phận người dân mỗi tháng chỉ thu nhập 500 - 600 nghìn đồng thì làm sao có thể nghĩ tới việc tham gia một loại hình bảo hiểm nào. Đây là một “rào cản” khiến bà con chưa thể tự nguyện tham gia BHXH. Và theo ý kiến đông đảo người dân thì nếu được Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí hoặc mức đóng BHXHTN được phân thành các nhóm tương đương trong xã hội thì người lao động có thể lựa chọn mức đóng BHXHTN nào cho phù hợp với điều kiện sống của mình.

… và ít người biết đến

Theo cơ quan BHXH tỉnh thì số người tham gia BHXH bắt buộc (BHXHBB) ngày một gia tăng nhưng số người tham gia BHXHTN lại không có chiều hướng phát triển bền vững. Đến nay, những người tham gia BHXHTN phần lớn đã có thời gian tham gia BHXHBB nay muốn đủ điều kiện được hưởng lương hưu nên tiếp tục tham gia BHXHTN. Tìm hiểu ở một số xã, phường trên địa bàn thị xã Lai Châu chúng tôi thấy: Mặc dù BHXH tỉnh đã tuyên truyền các chính sách, chế độ của các loại bảo hiểm đến người dân, nhưng mức độ tuyên truyền chưa sâu rộng nên đa số người dân vẫn chưa hiểu và mặn mà với loại hình bảo hiểm mang tính ưu việt này.

Hỏi vài nông dân ở phường Tân Phong về BHXHTN thì chúng tôi đều nhận được chung câu trả lời: “Muốn tham gia lắm nhưng cũng không biết hỏi ai”.

Anh Nguyễn Văn Côi (35 tuổi) nói: “Tôi làm nghề xây dựng được mấy năm nay, hiện tại lương hàng tháng cũng đủ nuôi gia đình nhưng sau này về hưu không có lương thì cũng không biết lấy gì sống. Nghe mọi người nói đã có loại hình bảo biểm dành cho người lao động như chúng tôi khi về hưu cũng được hưởng nhưng chẳng thấy ai tuyên truyền về vấn đề này để tôi có thể tìm hiểu và tham gia”. Và ngay cả đến nhiều cán bộ ở các xã vùng cao khi nhắc đến BHXHTN cũng đều không biết.

Theo anh Đặng Đình Hoan - Trưởng Phòng thu (BHXH tỉnh) thì công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về BHXHTN còn quá ít, bà con ở vùng sâu, vùng xa dường như chưa hiểu rõ. Hệ lụy là người dân ở nông thôn vẫn chưa thay đổi được nhận thức về lợi ích lâu dài khi tham gia BHXHTN. Được biết, không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh ta mà ở nhiều tỉnh khác người tham gia BHXHTN là rất ít. Có nhiều nơi đã ra nghị quyết hỗ trợ cho các cán bộ không chuyên trách cấp xã 15% lương tối thiểu trong 10 năm để họ đi tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ chi phí để các cán bộ cấp xã, đặc biệt là các xã miền núi đi đến từng nhà người dân để vận động. Và nếu công tác tuyên truyền chỉ vào từng đợt thì cũng chẳng tới đâu.

Để tiến tới BHXH toàn dân là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta, bên cạnh đó việc tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Luật BHXH (chế độ, chính sách) để người tham gia hiểu được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXHTN. Thiết nghĩ, nếu ở mỗi xã, bản có một cán bộ chuyên trách thì việc tuyên truyền BHXHTN đến người dân sẽ hiệu quả hơn.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...