Thứ ba, 30/04/2024, 11:12 [GMT+7]

Bộ GD-ĐT họp báo trước thềm năm học mới: Vẫn “nóng” với tiền trường đầu năm

Thứ sáu, 31/08/2012 - 10:14'
Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên (HS, SV) sẽ chính thức bước vào năm học mới 2012-2013 trong tuần tới. Báo cáo tổng hợp của Bộ GD-ĐT khẳng định công tác chuẩn bị tại các địa phương đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, tại buổi họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 30-8, vẫn còn rất nhiều vấn đề được phóng viên các báo quan tâm, chất vấn được lãnh đạo Bộ giải đáp.

- Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản tăng cường quản lý công tác thu - chi, tuy nhiên, theo ghi nhận, tình trạng lạm thu vẫn tái diễn. Bộ có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này? 

- Đúng là có tình trạng lạm thu xảy ra ở một vài nơi. Bộ GD-ĐT đã đề xuất với các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát theo chức năng quản lý của địa phương ngay từ đầu năm học nhằm ngăn chặn tình trạng này, đồng thời sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tới các địa phương. Tinh thần là nghiêm khắc xử lý đối với những nơi cố tình vi phạm. Để giải quyết triệt để, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu ngoài học phí, trong đó quy định rõ danh mục, mức thu, việc chi... làm căn cứ pháp lý để các địa phương thực hiện ngay trong năm học này. Ngoài ra, quy định thu - chi cho các trường chất lượng cao cũng sẽ được ban hành.

Các trường đã chuẩn bị sẵn sàng đón năm học mới. Ảnh: Linh Tâm

- Kinh phí từ ngân sách hạn hẹp được cho là một trong những lý do dẫn đến lạm thu. Việc cho phép các trường có dịch vụ chất lượng cao được thu cao liệu có là cái cớ để các trường thu nhiều hơn và có ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của mọi đối tượng HS? 

- Theo quy định thì các nhà trường phải bảo đảm mức chi theo tỷ lệ 70% cho chi lương, các khoản theo lương và 30% cho chi khác. Nhiều thành phố có điều kiện đã tăng cường các nguồn lực để thực hiện vượt mức quy định, tạo thuận lợi cho các hoạt động giáo dục toàn diện, song vẫn còn một số nơi khó khăn, kinh phí dành cho chi khác chưa bảo đảm. Bộ đã cùng các địa phương rà soát và tăng cường huy động các nguồn thu để bảo đảm mức chi tối thiểu theo quy định. Việc cho phép các trường có dịch vụ chất lượng cao được thu cao hơn là thực hiện theo Nghị định 49/NĐ-CP. Các đơn vị này phải thực hiện theo 3 nguyên tắc bắt buộc: thứ nhất, người học hưởng loại hình dịch vụ chất lượng cao nào thì đóng theo mức của loại hình dịch vụ đó; thứ hai là tự nguyện; thứ ba là phải bảo đảm nhu cầu học tập của đối tượng HS đại trà. 

- Thông tin Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường mua, sử dụng bút chấm đọc để dạy học ngoại ngữ có đúng không?

- Bút chấm đọc đã được sử dụng 10 năm nay ở một số thành phố lớn. Từ tháng 9-2011, khi triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia, Cục cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) đã có văn bản hướng dẫn về việc mua sắm trang thiết bị tối thiểu ở tiểu học gồm 14 thiết bị, trong đó có bút chấm đọc để hỗ trợ giáo viên dạy học. Tuy nhiên, những nơi đã có máy cát sét thì không cần sử dụng bút chấm đọc. Do trên thị trường có rất nhiều loại bút này, mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức thẩm định, đánh giá một số sản phẩm theo các tiêu chí nhất định. Kết quả, có 5 loại bút đạt tiêu chuẩn. Các trường tùy theo điều kiện cụ thể mà mua sắm thiết bị cho phù hợp. 

- Năm học trước, dư luận từng bức xúc về việc HS bị buộc phải phân luồng. Vậy trong năm học này, công tác phân luồng có được điều chỉnh? 

- Công tác phân luồng đặt ra từ nhiều năm nay, song chưa hiệu quả. Thống kê sơ bộ, năm 2010 có 25 nghìn HS vào học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), năm sau số này chỉ còn có 22 nghìn. Bộ đang xây dựng đề án đổi mới giáo dục chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự kiến ban hành đầu năm 2013, hy vọng rằng khi đó công tác phân luồng sẽ có thay đổi. Còn trong năm nay, Bộ yêu cầu các trường TCCN hướng việc tuyển sinh đến đối tượng THCS nhiều hơn. Cụ thể, các trường TCCN sẽ trực tiếp đến các trường THCS làm công tác tư vấn hướng nghiệp sớm, tập trung ở những vùng có điều kiện khó khăn, nguy cơ bỏ học cao. 

- Năm học này, Bộ có chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình, sách giáo khoa đã được điều chỉnh theo hướng giảm như năm ngoái hay không? 

- Các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình khung và những hướng dẫn có liên quan, song có thể điều chỉnh linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế và khả năng tiếp thu của HS. Điểm lưu ý năm nay là phải đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động của HS. Cấp tiểu học áp dụng mô hình trường học mới với việc thực hiện đồng bộ đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá; THCS thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”; khối THPT mở rộng tổ chức thi nghiên cứu khoa học để HS tăng cường năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. 

- Một trong những mối lo lớn với sinh viên thời điểm này là chỗ ở, trong khi chỗ ở nội trú cho SV còn rất ít. Bộ có động thái gì không? 

- Đề án xây dựng KTX SV đã được triển khai vài năm nay, song do quy mô SV ngày càng lớn nên chưa đáp ứng kịp, nhất là ở các thành phố lớn. Tỷ lệ SV có chỗ ở trong KTX hiện khoảng từ 10%-20%. Bộ đã đề nghị các địa phương tạo điều kiện tốt nhất để SV ổn định chỗ ở, quản lý không để xảy ra việc tăng giá phòng trọ. Sắp tới, khi đề án xây KTX hoàn thành, sẽ có thêm 300 nghìn chỗ ở mới cho SV.

Theo Hồng Hạnh (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...