Thứ ba, 30/04/2024, 21:56 [GMT+7]

Chống và… xây

Thứ sáu, 16/11/2012 - 10:29'
Tại diễn đàn Quốc hội, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều đại biểu khá bức xúc đối với vấn đề y đức cũng như nạn "lót tay" phong bì cho các nhân viên ngành y tế hiện nay. 

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, đây là một vấn đề hết sức bức xúc và khá nhạy cảm. Lý giải về tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc quá tải bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chật chội, phòng khám chỉ vài mét vuông, bác sĩ không còn chỗ để ngồi kê đơn. Trong khi đó, bệnh nhân ai cũng muốn khám trước… Đặc biệt, không thể không đề cập tới chế độ đãi ngộ cho người làm nghề y hiện nay, lương thấp cũng là một trong những yếu tố khách quan tác động mạnh tới y đức của người làm nghề. Trong phần các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi: "Chúng tôi cần có sự ủng hộ tham gia của đồng bào, cử tri cả nước, của các đại biểu Quốc hội. Về phía cán bộ y tế, chúng tôi đã nói là thái độ không nhận phong bì, nhưng về phía người nhà bệnh nhân và thân nhân thì chúng tôi cũng mong rằng dứt khoát không đưa phong bì và giám sát, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì thì chụp ảnh, ghi lại tên người điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó để gửi cho giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi…".

Dù cho rằng việc chống tệ nạn phong bì sẽ rất khó khăn như cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, không thể chấm dứt một sớm một chiều, song lần đầu tiên trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, vấn đề y đức sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Như vậy có thể thấy thái độ quyết liệt của lãnh đạo Bộ Y tế trong việc "tẩy chay" vấn nạn phong bì và nâng cao y đức của những người làm nghề. Quyết tâm là như vậy, nhưng hiệu quả cuối cùng mới là vấn đề quan tâm của dư luận xã hội bởi đây không phải lần đầu những chuyện bức xúc này được phản ánh tại diễn đàn Quốc hội.

Về mặt lý thuyết "chống" phải đi đôi với "xây". Nếu không việc "chống" chỉ là hình thức, chỉ giải quyết được phần ngọn mà không giải quyết được bản chất cũng như cái gốc của vấn đề. Việc chống vấn nạn phong bì, nâng cao y đức của những người làm nghề y là rất cần thiết, tuy nhiên cùng với đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nhằm giảm tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh; cải thiện đời sống, nâng cao nguồn thu nhập chính đáng cho những người làm nghề y… Chỉ có như vậy thì cái gốc vấn đề mới được giải quyết triệt để. Dù Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng y đức sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhưng điều đó sẽ khó thành hiện thực khi cơ quan chủ quản chưa đưa ra được lộ trình giải quyết cái gốc của vấn đề.

Cũng tương tự như vậy là việc dạy thêm, học thêm gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Ngành GD-ĐT sẽ không thể loại bỏ được tình trạng này nếu như không có biện pháp giảm tải về chương trình cũng như cải thiện đời sống vật chất cho đội ngũ các nhà giáo.

Thế nên "chống" và "xây" là hai mặt của một vấn đề, luôn phải được thực hiện đồng thời và không chỉ có… quyết tâm là đủ.

Theo Hoàng Thu Vân (hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...