Thứ bảy, 27/04/2024, 05:37 [GMT+7]

Dập bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Chưa hết khó khăn, bất cập

Thứ hai, 18/11/2019 - 21:25'
Tính đến ngày 31/10, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 92 xã, phường, thị trấn; đến nay dịch vẫn còn có chiều hướng lây lan ra các xã chưa có dịch cũng như tái phát lại tại các xã đã công bố hết dịch. vì vậy, công tác phòng, chống dịch vẫn còn khó khăn và cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Đến ngày 5/11, huyện Sìn Hồ có số hộ lợn bị nhiễm bệnh DTLCP lớn nhất tỉnh với 1.294 hộ (4.094 con), tổng trọng lượng lợn tiêu hủy 114.089kg. Tại huyện Phong Thổ, mặc dù số hộ có lợn nhiễm bệnh đứng thứ 2 toàn tỉnh (1.004 hộ) nhưng số lợn cũng như tổng trọng lượng phải tiêu hủy lại cao nhất với 4.602 con/186.680kg. Là trung tâm của tỉnh nên diện tích quy hoạch chăn nuôi hẹp, thành phố Lai Châu chỉ có 46 hộ bị ảnh hưởng do bệnh DTLCP với 544 con lợn phải tiêu hủy tương đương trọng lượng 29.348kg. Như vậy, đến hết tháng 10 năm nay, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 5.569 hộ với 16.395 con lợn mắc bệnh; tổng trọng lượng buộc phải tiêu hủy gần 850.000kg tương đương với 20.660 con (chiếm khoảng 8,14%/tổng đàn). Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác dập dịch, đã có 41 xã công bố hết dịch, 20 xã bị tái phát và 4 xã công bố hết dịch lần 2. Như vậy, còn 67 xã của 8 huyện, thành phố vẫn đang còn dịch bệnh.

Cơ quan chức năng của thành phố Lai Châu tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Căn cứ tình hình dịch bệnh, UBND các huyện, thành phố đã giải thể và giảm đáng kể các chốt và hiện còn 4 chốt kiểm dịch đang hoạt động. Dù bệnh dịch lây lan sang địa bàn tỉnh ta đến nay đã gần 9 tháng song công tác phòng, chống bệnh DTLCP còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chính là tập quán chăn nuôi của người dân chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho công tác phòng và khoanh vùng dập dịch. Tại nhiều thôn, bản, việc nuôi lợn còn thả rông hoặc chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y làm phát tán, lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, công tác tổ chức khoanh vùng dập dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa bàn vùng dịch là nơi trung chuyển hàng hóa nên các phương tiện vận chuyển hàng hóa thường xuyên ra, vào, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch. Chẳng hạn như địa bàn thành phố Lai Châu - nơi trung chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm đi rất nhiều địa bàn như: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, khi gặp các chủ phương tiện cố tình vi phạm, lợi dụng sơ hở của các cơ quan chuyên môn để lách quy định, công tác kiểm soát chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Thêm vào đó, việc vận chuyển lợn, gia cầm bằng phương tiện vận tải chưa được ngăn chặn triệt để, đây chính là mối nguy cơ lớn làm lây lan dịch bệnh động vật và có thể làm lây bệnh sang người. Việc thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các cơ sở giết mổ chưa thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Lực lượng thú y cơ sở thiếu, năng lực hạn chế nên việc chẩn đoán, xác định bệnh trên đàn lợn chưa kịp thời và chưa chính xác. Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh, trong những tháng gần đây, số lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP đã tăng lên.

Thực hiện Hướng dẫn số 5169 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn, bổ sung một số biện pháp phòng chống DTLCP, các địa phương của tỉnh đang gặp khó khăn vì phải tiêu hủy nhiều lần cho cùng 1 hộ chăn nuôi do quy định chỉ thực hiện tiêu hủy đối với con lợn mắc bệnh ốm và có kết quả dương tính với mầm bệnh DTLCP. Do vậy đã làm tăng chi phí và nhân công trong việc xác minh dịch bệnh cũng như tiêu hủy lợn mắc bệnh. Mặt khác, quy định thực hiện xét nghiệm đối với con khỏe mạnh cùng một ô chuồng, dãy chuồng để được nuôi cách ly hoặc giết mổ tiêu thụ cũng khó triển khai thực hiện trên thực tế. Đây là bất cập lớn, gặp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh khi thực hiện công tác này. Chưa dừng lại ở đó, chính sách hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn tiêu hủy theo Quyết định số 793 của Thủ tướng Chính phủ thấp hơn chính sách cũ (Quyết định số 318) nên nhiều người chăn nuôi luôn e dè trong việc báo cáo, phối hợp tiêu hủy lợn.

Hiện nay, việc bố trí kinh phí chống dịch cũng chưa kịp thời. Tổng kinh phí được giao từ đầu năm và được cấp bổ sung trên 28,2 tỷ đồng song tổng chi phí thanh toán, hỗ trợ đến trước thời điểm 30/9 đã trên 45,8 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người dân có lợn tiêu hủy trên 26,8 tỷ đồng. Tại huyện Phong Thổ, hiện nay số lợn nhiễm bệnh DTLCP phát sinh gia tăng mỗi ngày, số lợn có trọng lượng lớn nhiễm bệnh đã tiêu hủy hết nên chỉ còn lợn con. Tính đến ngày 10/11, tổng kinh phí huyện Phong Thổ phải thực hiện hỗ trợ cho chủ nuôi lợn là 6 tỷ 729 triệu đồng. Tuy nhiên, do kinh phí chưa được phân bổ nên huyện mới chỉ giải ngân được trên 3 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ xong đợt I đối với những xã phát hiện có lợn nhiễm bệnh đầu tiên. Như vậy vẫn còn 50% kinh phí phải thực hiện hỗ trợ cho chủ nuôi.
Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn, ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển… nên khả năng dịch bệnh tiếp tục lây lan và kéo dài, chưa thể xác định được thời gian khống chế hoàn toàn. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần kiên trì thực hiện các giải pháp để sớm chấm dứt loại dịch bệnh này, chuẩn bị cho việc tái đàn, phục vụ nguồn thực phẩm tại chỗ.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...