Thứ tư, 01/05/2024, 04:03 [GMT+7]

Giống lợn hung Sìn Hồ bên bờ vực tuyệt chủng

Chủ nhật, 30/10/2011 - 10:37'
(BLC) – Đến nay vẫn chưa có kế hoạch hay nghiên cứu khoa học nào về phương thức chọn lọc và nhân giống, cũng như nuôi dưỡng, quản lý lợn hung Sìn Hồ thì việc mai một và tuyệt chủng là điều dễ hiểu.

Nhân dân bản Ngài Chồ (xã Phìn Hồ) cho lợn hung ăn.

Lợn hung Sìn Hồ tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao. Đây là giống lợn có thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao trên 80%, thịt mỡ ăn giòn, chắc, khả năng chống chọi với bệnh tật cao hơn hẳn so với các giống lợn nhà. Tuy nhiên nguồn gen quý hiếm này đang có nguy cơ mất đi.

Lợn hung có đặc điểm: mõm dài, lưng võng, bụng thon, chân nhỏ, lông màu vàng, hung nhạt có 6 điểm trắng tại trán, 4 chân và đuôi, mật độ lông dày và dài, lông bờm đậm, có cá thể lông dựng đứng trông giống như lợn rừng, khối lượng cơ thể trưởng thành có trọng lượng tối đa từ khoảng 70 đến 80kg; sức sản xuất trung bình, ngoại hình thể chất khá đồng nhất, thích nghi với tập quán sinh sống ở địa phương.

Được biết năm 2008, Viện Chăn nuôi quốc gia đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ tổ chức điều tra và phát hiện động vật nuôi quý hiếm, đang có nguy cơ mất đi trong vùng lòng hồ thuộc Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Qua điều tra phát hiện giống lợn hung tại một số xã vùng thấp, như: Nậm Cha, Nậm Hăn, nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 xã ở vùng cao là Hồng Thu và Phìn Hồ.

Theo thống kế của Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ, năm 2008 tổng số đàn lợn của huyện Sìn Hồ là 45.551 con, trong đó tỷ lệ lợn hung chiếm khoảng 2%. Đứng trước thực trạng số lợn hung ngày càng giảm do lai tạp với các loại giống khác, năm 2009 Viện Chăn nuôi quốc gia đã kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ triển khai phương án nuôi, bảo tồn tại 2 bản Phìn Hồ và Seo Lèng 1 của xã Phìn Hồ.

Lợn hung Sìn Hồ.

10 cá thể lợn hung được chọn nghiên cứu thí điểm, trong đó 8 cá thể là lợn cái, 2 cá thể  lợn đực được chọn và nuôi ở 8 hộ gia đình thuộc 2 bản Phìn Hồ và Seo Lèng. Thời gian thực hiện từ  1/4 – 31/12/2009.

Sau thời gian thực hiện, 7/8 nái đã phối thành công và khả năng sinh sản như sau: số lượng giống thuần chủng: 49 cá thể; tỷ lệ lông màu đen: 22 cá thể, hung: 27 cá thể. Theo đánh giá của Viện Chăn nuôi quốc gia, Dự án nuôi, bảo tồn giống lợn hung đã thành công đúng với tiến độ cũng như yêu cầu kỹ thuật đề ra.

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Giang - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ được biết, sau đợt nghiên cứu thí điểm ở Phìn Hồ đến nay, Viện Chăn nuôi quốc gia vẫn chưa có phản hồi gì về việc việc bảo tồn, cũng như kế hoạch phát triển giống lợn quý hiếm này. Hiện nay Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện Sìn Hồ cũng không có số liệu thống kê nào về giống lợn đặc hữu này.

Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Lù A Thào - nguyên Trưởng bản Seo Lèng 1, một trong 8 hộ được chọn nuôi thí điểm năm 2009 thì được biết hiện nay cả bản chỉ có duy nhất gia đình anh còn giống lợn này nhưng cũng đã bị lai tạp đi rất nhiều.

Anh Vàng A Giót - cán bộ phụ trách khuyến nông – khuyến lâm xã cho biết: Năm 2009, xã đã phổ biến kế hoạch bảo tồn giống lợn này, nhưng rồi sau một thời gian không thấy nói gì nữa.

Tìm hiểu nguyên nhân vì đâu mà giống lợn này ngày một hiếm đi, anh Giót cho biết lý do là lợn chậm lớn, trọng lượng không cao; tỷ lệ sinh rất thấp, chỉ 6 con/ổ. Hiện nay bà con đang lai tạo và phát triển giống lợn ỉ, lông mượt, mõm ngắn, dễ ăn và tỷ lệ sinh cao từ 10 đến 15 con/ ổ.

Theo anh Giót để tìm nguyên bản giống lợn này may chăng chỉ còn có ở 2 bản Ngài Chồ và Pa Phang 1 vì đây là những bản xa đường quốc lộ, giao thông đi lại khó khăn nên việc các nhà hàng tìm mua sẽ khó hơn.

Lần theo đầu mối hiếm hoi này, chúng tôi tìm đến bản Ngài Chồ (xã Phìn Hồ), bản có 31 hộ, 153 nhân khẩu, xa đường quốc lộ và dường như cuộc sống của bà con nơi đây vẫn mang nặng tính tự cung tự cấp.

Ông Vàng A Sình - Trưởng bản, người có nhiều năm gắn bó với giống lợn hung cho biết: Lợn hung có nguồn gốc từ lợn rừng nên mọi tập tính của nó rất tự nhiên, bên cạnh đó được bà con nuôi theo phương thức thức thả rông, thích tự kiếm ăn và ở không cần chuồng trại. Hiện cả bản chỉ còn 8 cá thể lợn hung.

Mặc dù có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao, nhưng thực tế để bảo tồn và phát triển giống lợn quý này đến nay vẫn chưa có kế hoạch hay nghiên cứu khoa học nào về phương thức chọn lọc và nhân giống, cũng như nuôi dưỡng, quản lý thì việc mai một mất đi và tuyệt chủng là điều dễ hiểu.

Do vậy cần sớm bảo tồn và phát triển giống lợn hung nhằm lưu truyền nguồn gen quý cũng như mở ra hướng khai thác sản xuất hợp lý để đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu “Lợn hung Sìn Hồ” góp phần tích cực để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Hà Minh Hưng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...