Thứ bảy, 27/04/2024, 04:40 [GMT+7]

Hãy biến lợi thế văn hóa thành kinh tế

Thứ tư, 11/05/2011 - 09:59'
(BLC) - Tỉnh ta có thể tự hào về sự đa dạng, phong phú các nền văn hoá của 20 dân tộc anh em trên địa bàn. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra cho những người có trách nhiệm, tâm huyết về văn hoá những nhiệm vụ, trăn trở về sự mai một các nét đẹp văn hoá truyền thống trước cơn lốc hiện đại hoá đang lan tới tận những vùng sâu, xa nhất. 

Cơn lốc hiện đại với sức mạnh vũ bão của nó đã làm thay đổi từ diện mạo tới bản chất của cuộc sống. Bên cạnh mặt mạnh là mang đến sự tiện nghi, cuộc sống đầy đủ và sung túc cho con người thì lối sống hiện đại cũng vô tình lấy đi của xã hội những giá trị văn hoá truyền thống một cách rất tự nhiên.

Lợi thế về văn hóa truyền thống có thể biến thành lợi thế kinh tế nếu biết cách khai thác.

Hôm nay, một chiếc tivi có thể làm thay việc của cả một đoàn chèo, đội kịch; một xưởng dệt có thể đẩy các khung cửu tới cửa viện bảo tàng; những ca sỹ chuyên nghiệp với những bài hát mới, nội dung sôi nổi cùng vũ đoàn “bốc lửa” đã chiếm dần mất sân khấu của các ca nương, đào kép…

Thực tế này cũng không “buông tha” những văn hoá truyền thống của tỉnh ta bởi từ cách ăn, mặc, lời nói, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số vốn là hiện thân của văn hoá truyền thống sặc sỡ cũng đã và đang bị những “vũ khí” rất tân tiến của văn hoá hiện đại đang chiếm mất thế thượng phong.

Văn hoá sinh ra từ đời sống vậy để bảo vệ được văn hoá truyền thống cần có lối sống truyền thống giữa xã hội hiện đại. Điều này thật khó nhưng không phải không thể thực hiện được.

Vấn đề mấu chốt có lẽ vẫn là kinh tế và chìa khóa của vấn đề cũng nằm ở đây. Hãy biến những lợi thế không gì so sánh của các nét văn hoá truyền thống thành nguồn lực kinh tế. Đây không phải là cách làm mới.

Ở tỉnh Hoà Bình đã có các làng văn hoá du lịch rất hút khách. Ở đây chỉ có nhà sàn, có đệm bông gạo, có rượu cần và cuộc sống thanh bình của những người nông dân đích thực mà đã đem lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế lẫn bảo tồn truyền thống của đồng bào.

Ở Lào Cai có chợ tình Sa Pa dù ở góc độ nào đó đã có tính thương mại hoá nhưng vẫn giữ được cái hồn, cái cốt của văn hoá truyền thống dân tộc Mông.

Ở đâu cũng thấy khách du lịch không chỉ nước ngoài mà ngay cả du khách trong nước cũng rất say sưa với những nét hồn hậu dân dã. Những bộ áo cóm, váy Mông vốn là những trang phục rất gần gũi bình dị của đồng bào đã làm xiêu lòng biết bao tao nhân mặc khách. Khèn Mông, đàn Thái, sáo Hà Nhì… đã có lúc nào thôi làm ngất ngây người thưởng thức?

Một cơ sở dệt thủ công với những sản phẩm chính hiệu “Hand - made” (sản phẩm làm bằng tay, khéo léo) nếu được tiếp thị, quảng bá tốt chắc chắn sẽ đắt hàng hơn khối hàng dệt kim hiện đại.

Một bữa cơm với rêu đá, nếp cẩm, cá nướng, rượu ngô do chính bà con người dân tộc Thái làm bằng các nguyên liệu là đặc sản từ đồng quê chắc sẽ được sánh với đại tiệc và là bữa ăn nhớ đời của người lần đầu thưởng thức.

Một đêm văn nghệ dạt dào cảm xúc với vòng xoè đoàn kết để những tâm hồn dù xa lạ cũng tìm được phần đồng điệu và yêu thương. Điệu tính tẩu nhớ thương, dập dìu khèn Mông từ đỉnh Giang Ma (huyện Tam Đường) gọi bạn, réo rắt kèn lá của sơn nữ chốn Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) tự tình hay thánh thót, vút cao của ống tiêu chàng trai Hà Nhì từ bản Xi Nế (huyện Mường Tè) nắn nót… chắc chẳng du khách nào nỡ cất bước rời xa.

Nếu những điều đó tự lưu giữ và phát huy thì chắc các ngành, các cấp sẽ không phải tìm giải pháp để giữ gìn văn hoá truyền thống bởi nó sẽ tự tồn tại được vì vẫn có mạch nguồn là cuộc sống.

Vậy tại sao từ trước tới nay ta chưa làm được điều này? Khâu quảng bá, quy hoạch, xây dựng các khu, điểm du lịch cộng đồng còn bất cập, chưa đủ năng lực cạnh tranh và thu hút khách và một loạt các yếu tố về xã hội khác khiến cho các bản văn hoá du lịch trên địa bàn tỉnh (dù đã xây dựng và đi vào hoạt động) vẫn chưa thu hút được du khách.

Muốn bán được sản phẩm thì trước hết phải có sản phẩm tốt. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần quy hoạch, xây dựng bài bản, quy mô hơn nữa các điểm du lịch cộng đồng cả về cơ sở hạ tầng lẫn văn hoá xã hội.

Không có lợi thế về mặt địa lý thì cần phải tạo ra những lợi thế so sánh khác để phát huy tiềm năng.

 

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...