Thứ sáu, 26/04/2024, 23:48 [GMT+7]
Sìn Hồ

Khẩn trương ngăn chặn sâu cắn dé gây hại mùa màng

Thứ tư, 10/07/2019 - 09:30'
(BLC) - Vừa qua, rải rác tại các xã vùng cao huyện Sìn Hồ xuất hiện sâu cắn dé gây hại trên lúa mùa và ngô vụ xuân hè. Tốc độ sinh trưởng của sâu khá nhanh, khả năng gây thiệt hại lớn, nếu không ngăn chặn kịp thời bà con khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa.

Được biết, sâu cắn dé mới xuất hiện tại các xã: Sà Dề Phìn, Phăng Xô Lin và thị trấn Sìn Hồ từ cuối tháng 6, nhưng chưa đầy 10 ngày đã gây hậu quả tương đối nghiêm trọng, có dấu hiệu bùng phát trên diện rộng. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sìn Hồ, tới thời điểm hiện tại, sâu đã gây hại 23,5ha hoa màu, trong đó ngô vụ xuân hè 20,5ha, còn lại là lúa mùa. Tại một số vùng bị ảnh hưởng cho thấy mật độ sâu gây hại tương đối cao với 200 con/m2. Thời điểm hiện tại ngô đang kín lá bi, chắc hạt; lúa đang hồi xanh vì bị nhiễm sâu sẽ mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, sản lượng. Sâu gây hại nặng tại các chân ruộng, nương lúa, bãi ngô ven đồi, là loài đa thực nên không chỉ phá hoại mùa màng, sâu cắn dé còn gây hại tới nhiều loại cây cối và hoa màu khác.

Đến bản Mao Sao Phìn (Sà Dề Phìn), Phăng Xô Lin 1, 2, Sìn Hồ Vây (Phăng Xô Lin) và khu vực thị trấn Sìn Hồ chúng tôi không khỏi xót xa trước hình ảnh cây trồng bị sâu cắn dé gây ra. Ngô đang xanh tốt bỗng xuất hiện nhiều vạt bị sâu cắn tướp lá; lúa mơn mởn trong thời kỳ đẻ nhánh cũng như bị liềm cắt ngang thân. Anh Chẻo Duyền Kim (bản Phăng Xô Lin 2) chia sẻ: Ngay khi phát hiện sâu hại, tôi đã chủ động phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng do chưa tìm được thuốc đặc trị nên sâu vẫn sinh trưởng, phát triển nhanh, chỉ sau 3 ngày ruộng ngô hơn 500m2 đã bị sâu phá tới 1/3 diện tích. Trước đây, ruộng ngô cũng bị ảnh hưởng của sâu keo mùa thu, cây chưa kịp phục hồi lại ảnh hưởng của sâu cắn dé, khả năng phục hồi rất khó, nguy cơ mất mùa cao. Nhiều nương ngô của các hộ khác trong bản cũng bị ảnh hưởng, tuy mức độ nghiêm trọng có khác nhau nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới năng suất.

Người dân bản Phăng Xô Lin 1 (Phăng Xô Lin, Sìn Hồ) thăm nương ngô bị ảnh hưởng sâu cắn dé bàn hiện pháp phòng trừ sâu hại.

Người dân bản Phăng Xô Lin 1 kiểm tra nương ngô bị ảnh hưởng sâu cắn dé.

Với bà con bản Mao Sao Phìn, ngô là cây trồng truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Suốt từ đầu vụ, nông dân dày công chăm bón, hy vọng có thêm một vụ thu hoạch thắng lợi. Ảnh hưởng của sâu cắn dé, những nương ngô xanh mướt chờ thu hoạch trở nên xác xơ, tiêu điều như vừa gặp gió bão. Ông Chẻo A Dao – Trưởng bản Mao Sao Phìn nói với chúng tôi: "Chỉ sau 1 tuần, khu sản xuất ngô của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, sâu còn cắn lá bi, làm ổ trong bắp". Nhìn những vạt ngô xơ xác, trụi lá, ông Dao lắc đầu ngao ngán vì vụ ngô năm nay, dân bản khó tránh khỏi mất mùa.

Thời gian đầu, khi sâu cắn dé mới xuất hiện có sức tàn phá ghê gớm, sinh trưởng và phát triển rất nhanh nên bà con hoang mang, hơn nữa không nhiều người biết chính xác đây là loại sâu gì để dùng thuốc đặc trị. Trước tình hình trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã liên tục cử cán bộ xuống các địa phương cùng bà con phòng chống sâu bệnh. Theo anh Nguyễn Hữu Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, sau khi xác định được chủng loại sâu hại, Trung tâm đã nhanh chóng đưa quy trình phòng chống sâu cắn dé và khuyến cáo cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn chủ động nguồn thuốc để cung ứng cho bà con.

Ngay sau khi phát hiện sâu cắn dé nên áp dụng phun các loại thuốc bảo vệ thực vật: Gà nòi 95SP, Bowing 777EC, Victory 585 EC để phòng trừ. Để đạt hiệu quả, Trung tâm đã hướng dẫn bà con tuân thủ tỷ lệ, định lượng theo đúng hướng dẫn in trên bao bì mỗi loại thuốc. Được hướng dẫn cụ thể, bà con nắm rõ đặc điểm sâu sợ ánh sáng nên thường phun thuốc vào chiều muộn hoặc sáng sớm, những thửa có mật độ sâu cao phun kép, 2 lần cách nhau 3 – 5 ngày. Quá trình diệt trừ sâu, nhiều hộ phát quang bụi rậm gần ruộng, phun thuốc cả trên các bờ thửa để sâu còn nơi trú ngụ. Thực tế cho thấy, quá trình phòng trừ sâu cắn dé còn gặp một số khó khăn, diện tích nhiễm sâu nằm rải rác, phân tán khó khăn trong việc khoanh vùng, phạm vi ảnh hưởng. Tác hại của sâu hại đã rõ nhưng không ít hộ dân còn chủ quan, thiếu chủ động, tích cực phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại tới mùa màng do sâu cắn dé gây ra.

Song song với việc khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng các địa phương hướng dẫn bà con thường xuyên thăm đồng, nắm diễn biến sâu hại báo cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý dứt điểm, kịp thời. Đồng thời, trong các vụ sản xuất tới trước khi vào vụ cần phơi đất, làm đất kỹ và vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống. Hy vọng, với những nỗ lực trên của cả cơ quan chuyên môn cùng nông hộ, tình trạng sâu cắn dé gây hại cây trồng sẽ sớm được ngăn chặn hiệu quả.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...