Thứ ba, 30/04/2024, 12:55 [GMT+7]

Thông tư 34/2012/TT-BNNPTNT: Khó thực hiện

Thứ hai, 27/08/2012 - 10:36'
(BLC) - Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về Thông tư 34/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút...). Mục đích của Thông tư thì tốt, phù hợp với nguyện vọng người tiêu dùng nhưng để triển khai thưc hiện thì thật khó. 

Những ngày này, có mặt tại các điểm bán trứng gia cầm các loại sẽ nghe các hộ kinh doanh trứng bàn nhiều về Thông tư 34/1012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo quy định, đến ngày 3/9 Thông tư mới sẽ có hiệu lực nhưng cả người chăn nuôi và người buôn bán đều lo lắng, bởi những quy định “quá mức” chặt chẽ của Thông tư trong việc kinh doanh mặt hàng này.

Trứng gia cầm được bày bán phổ biến tại các sạp hàng trong chợ xép phường Đoàn Kết.

Chị Nguyễn Thị Lan – hộ kinh doanh trứng gia cầm ở chợ xép, phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu cho biết: “Từ trước tới nay, tôi vẫn lấy trứng từ một đầu mối quen ở tỉnh Vĩnh Phúc rồi bán đổ lại cho các quán ăn và các hộ buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn thị xã. Mới đây nghe Thông tư Quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm tôi rất lo, chưa biết sẽ phải thực hiện như thế nào khi Thông tư sẽ có hiệu lực vào ngày 3.9 tới”.

Theo Thông tư 34, đối với các cơ sở thu gom và bảo quản trứng thương phẩm bắt buộc phải có khu bảo quản trứng, khu xử lý nước thải, ngoài ra, còn phải có khu làm sạch và khử trùng bằng hoá chất, khí zôn và tia tử ngoại.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lo lắng chưa biết sẽ đóng bao bì, nhãn mác như thế nào?

Thông tư còn quy định chi tiết về phương pháp làm sạch trứng như làm sạch, khử trùng phải đảm bảo không làm ô nhiễm bên trong trứng từ vỏ trứng và hoá chất làm sạch, khử trùng. Việc khử trùng trứng phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y về nồng độ, liều lượng và thời gian tiếp xúc của hoá chất, khí hoặc tia chiếu dùng khử trùng trứng. Trứng phải được làm khô sau khi được làm sạch và khử trùng.

Bên cạnh đó, việc bao bì đóng gói, dán nhãn mác của trứng cũng được quy định khá ngặt nghèo. Như phòng đóng gói trứng phải đảm bảo sạch sẽ và không có côn trùng; sản phẩm sau khi được đóng gói phải được đưa ngay vào kho bảo quản. Còn, đối với các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm, Thông tư 34 cũng quy định, trứng gia cầm phải được làm sạch và khử trùng trước khi đóng gói và nhãn mác theo quy định trước khi bày bán.

Trong khi các hộ kinh doanh đang lo lắng thì người chăn nuôi cũng không thật sự đồng tình với Thông tư, bởi việc cung ứng trứng gia cầm các loại ra thị trường cũng sẽ gặp khó khăn. Bà Lò Thị Kiêng ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có gần 100 con vịt. Vừa nghe Thông tư 34 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên kênh VTV1 mới đây, tôi không biết sẽ lấy đâu ra bao bì, nhãn mác để đóng gói trứng. Trong xã còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình tôi nên không biết khi Thông tư có hiệu lực chúng tôi sẽ phải thực hiện như thế nào”.

Khi Thông tư được thực hiện, người tiêu dùng sẽ đồng tình tuyệt đối bởi với qui cách bảo quản, đóng gói như vậy, chắc chắn chất lượng, ATVSTP với các loại trứng gia cầm gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút.. sẽ được đảm bảo. Song quá trình triển khai thực hiện Thông tư sẽ gặp nhiều bất cập cụ thể như: hộ chăn nuôi, kinh doanh chưa biết sử dụng hoá chất khử trùng trứng như nào cho đúng; công tác kiểm tra, kiểm soátviệc khử trùng trứng cho sạch cũng khó; chế tài xử lý ra sao cũng chưa cụ thể. Và việc thu mua trứng gia cầm từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đóng gói bao bì, nhãn mác như thế nào?...

Có thể nói, việc xiết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết và được người tiêu dùng ủng hộ, song để Thông tư đảm bảo tính khả thi thì việc nghiên cứu cho phù hợp sẽ phải được quan tâm, tránh tình trạng hộ kinh doanh gặp khó thì người tiêu dùng phải chấp nhận mua trứng với giá cao hơn mức bình thường.

Anh Nhi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...