Thứ tư, 01/05/2024, 16:01 [GMT+7]

Trăn trở chuyện cầu phà ở Mường Tè

Thứ năm, 03/11/2011 - 08:36'
(BLC) – Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Mường Tè sau gần 3 năm xa cách, những tưởng giao thông trên địa bàn huyện sẽ bớt “khổ” hơn. Thế nhưng, chuyện cầu phà ở đây vẫn là nỗi niềm trăn trở làm người ta “cười ra nước mắt”.

Chậm tiến độ đến bao giờ?

Khởi công từ tháng 3/2009, do Công ty TNHH Thương mại số 6 Điện Biên thi công, công trình cầu treo Nậm Khao bắc ngang qua sông Đà có tổng chiều dài 144m, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và do UBND huyện Mường Tè làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, đến tháng 6/2010 đơn vị thi công sẽ bàn giao công trình cho chủ đầu tư để đưa vào sử dụng. Do thay đổi thiết kế mặt cầu, đơn vị thi công được chủ đầu tư lùi thời gian bàn giao đến ngày 31/12/2010 và đương nhiên tổng vốn cũng tăng lên trên 21 tỷ đồng. Song đến nay đã quá gần một năm, nhưng đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành xong 2 mố cầu và người dân 2 xã: Nậm Khao, Tà Tổng vẫn phải chờ đợi, mong ngóng cầu như “nắng hạn chờ mưa”.

Dù đã quá hạn tiến độ gần một năm nhưng hai mố cầu Nậm Khao vẫn đứng đó thách thức nắng mưa.

Trong suốt thời gian qua, nhà thầu chỉ để lại công trường 2 công nhân để trông coi máy móc và vật liệu và việc thi công cầu dừng lại hoàn toàn. Nguyên nhân được công nhân nhà thầu cho biết là do đơn vị thi công thiếu vốn và thêm một lý do muôn thủa nữa là…thời tiết không thuận lợi.

Vừa qua, Đoàn công tác của UBND tỉnh có chuyến thăm và làm việc tại xã Tà Tổng. Một lần nữa vấn đề tiến độ xây dựng cầu lại được đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Ngay sau đó UBND huyện Mường Tè đã thúc giục nhà thầu huy động nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nhưng yêu cầu đó vẫn được nhà thầu chây ì “bỏ ngoài tai”.

Mực nước thấp hay cao, qua sông bằng phà hay xuồng máy thì chủ phà, xuồng cũng không có thiết bị nào để đảm bảo an toàn cho khách.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào một ngày cuối tháng 10, khoảng gần 10 giờ trưa nhưng công trường chỉ có vài công nhân làm nhiệm vụ dọn dẹp vật liệu và đánh gỉ sắt tại các điểm đấu nối sắt chờ. Toàn bộ máy móc vẫn nằm bất động, bụi phủ kín chưa có dấu hiệu thi công trở lại. Bao giờ cầu hoàn thành? Câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải đáp và người dân 2 xã Tà Tổng, Nậm Khao hay ai đó có việc về 2 xã này vẫn phải ngậm ngùi qua sông bằng phà.

Thấp thỏm chờ đợi và qua phà với giá… “cắt cổ”

Chuyện thi công cầu chậm tiến độ làm người dân 2 xã: Tà Tổng, Nậm Khao phải đi phà, nhưng qua phà lại là câu chuyện có một không hai. Người qua được phà mừng rồi “khóc” và người không qua được phà lại buồn rồi… “khóc”. Người tham gia giao thông chưa hết mừng khi qua được phà thì phải “rơi nước mắt” vì phải cắn răng móc túi ra trả cước giá “cắt cổ”. Người qua được đã vậy nhưng người phải chờ đợi để qua phà thì phải trải qua quãng thời gian thấp thỏm, lo âu.

Việc qua phà và giá cả phụ thuộc vào tâm trạng của chủ phà (!?).

Để tạo điều kiện cho người dân qua lại tuyến đường này, UBND huyện đã đồng ý cho tư nhân mua phà để kinh doanh chuyên chở người và phương tiện qua sông. Việc này sẽ không có vấn đề gì phải bàn nếu chủ phương tiên thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy và được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực sự quan tâm, kiểm tra việc niêm yết giá phà theo quy định và thời gian phục vụ hành khách.

Chúng tôi cùng Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh lên Tà Tổng để thăm và kiểm tra hoạt động của các tổ, đội xây dựng cơ sở. Có mặt tại bến phà lúc 10 giờ sáng khi hai bên bờ sông đã có nhiều hành khách ngồi chờ. Người ngồi yên một chỗ dưới bóng cây, người đi lại vẻ lo lắng. Thấy vậy, tôi hỏi một hành khách (dân tộc Mông) đang ngồi ăn cơm nắm trên phiến đá. Anh là Thào A Hùa ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng có việc xuống huyện, đáng lẽ anh đã có mặt ở nhà từ chiều hôm trước, nhưng chủ phà “không cho qua” nên phải đợi đến giờ.

Việc chờ đợi rồi phải ngủ qua đêm ở bờ sông là chuyện thường xuyên xảy ra tại bến phà này. Và ai qua được phà còn phụ thuộc vào vận may của mình khi có mặt đúng thời điểm chủ phà “thương tình” cho phà xuất bến. Mặt trời đứng bóng, liếc mắt nhìn đồng hồ trên tay thì kim đồng hồ đã chỉ gần 12 giờ trưa.

Do yêu cầu công việc nên một cán bộ của Ban CHQS huyện tìm lên lán để xin chút “thương tình” của chủ phà nhưng chỉ nhận được tiếng ngáy. Chuyện là sáng nay anh chủ phà ăn sáng và điểm tâm bằng rượu nên ngủ không dậy được. Chờ đợi mãi rồi hơn 1 giờ chiều, anh chủ phà cũng tỉnh giấc và cho đoàn qua sông nhưng người qua phà cũng không được mặc áo phao hay trang bị bất kỳ phương tiện đảm bảo an toàn nào.

Giá qua phà đã được anh chủ phà niêm yết sẵn trong đầu khi hành khách qua sông, xuống phà. Chiều dài của đoạn sông này chỉ khoảng 100m, nhưng chủ phà “xin” một hành khách đi bộ 30 nghìn đồng, 1 xe máy cộng 1 người 150 nghìn đồng và một ôtô 700 nghìn đồng.

Anh Nguyễn Khắc Bình – cán bộ Đội xây dựng số 7 thuộc Nông trường 2 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379) cho biết: “Việc qua phà và giá cả phụ thuộc vào tâm trạng của chủ phà. Hôm nào hành khách mà thắc mắc, than phiền trong thời gian chờ đợi mà để chủ phà nghe được thì hôm đó tất cả phải “dài cổ” mà chờ hoặc đi xuồng máy cũng với giá “cắt cổ”. Hôm nay giá qua phà được giảm là do mực nước sông thấp. Nếu qua vào thời điểm cuối giờ chiều, bên Trung Quốc xả lũ nước dâng cao thì giá phải là 50 nghìn đồng 1 người đi bộ, 200 đến 300 nghìn đồng 1 người 1 xe máy và 800 đến 1,2 triệu đồng 1 ôtô”.

Qua được sông nhưng hành khách vẫn mang nỗi niềm trăn trở bên mình về chuyện cầu phà ở đây. Cầu Nậm Khao không chỉ là “chìa khóa” giao thông huyết mạch của người dân xã Tà Tổng, Nậm Khao và là cây cầu chiến lược để giữ ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn 2 xã, rất mong cầu sớm được đưa vào sử dụng.

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...