Thứ bảy, 27/04/2024, 00:03 [GMT+7]

Xử lý dứt điểm lò gạch thủ công

Thứ hai, 25/11/2019 - 20:56'
Tồn tại hàng chục năm qua, các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Mường Than (huyện Than Uyên) đã cung cấp gạch cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Tỉnh đã đưa ra lộ trình sử dụng vật liệu xây không nung, chấm dứt hoạt động cơ sở sản xuất gạch thủ công trước năm 2017 và cơ sở sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò vòng trước năm 2020. Song, việc sản xuất gạch thủ công ở xã Mường Than vẫn hoạt động và đe dọa trực tiếp đến môi trường, sức khỏe con người.

Các lò gạch thủ công vẫn tồn tại ở xã Mường Than (huyện Than Uyên) khi chủ trương xóa bỏ lò thủ công đã có hiệu lực.

Vẫn hoạt động

Khảo sát thực địa tại khu vực bản Cẩm Trung 2 (xã Mường Than) chung tôi dễ dàng nhìn thấy những lò gạch thủ công tự phát của người dân nằm xen kẽ trong khu dân cư, thậm chí có nhà sát với lò gạch. Các lò gạch hoạt động tấp nập với những chuyến xe chở gạch đã nung đi nơi khác. Tại nơi sản xuất, máy móc hoạt động liên tục, công nhân đưa gạch ra vào lò nung; một khu đất trống có đến 6 lò gạch liền nhau đang hoạt động. Trong quá trình sản xuất, khói bụi và các khí thải độc hại xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm bầu không khí, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Một lò gạch thường sử dụng từ 10 - 15 lao động, các lao động chủ yếu là những người dân ở các thôn bản quanh xã. Điều đáng nói, giữa chủ và thợ chỉ là thỏa thuận miệng không có ràng buộc về pháp lý, làm việc theo mùa vụ; vì thế sức khỏe và quyền lợi không được quan tâm.

Anh Vũ Bá Hiển, chủ lò gạch ở bản Cẩm Trung 2 tâm sự: “Lò gạch gia đình tôi hoạt động hơn 10 năm nay, 1 năm sản xuất khoảng 150 vạn/lò gạch. Nếu Nhà nước có chủ trương dừng hoạt động, tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh. Các chủ lò gạch mong muốn có cơ chế phù hợp sau khi lò dừng hoạt động vì liên quan đến công ăn việc làm của gia đình và người lao động”.

Theo thống kê, xã Mường Than hiện có khoảng 10 lò gạch thủ công đang hoạt động, lò có thâm niên lâu nhất hoạt động hàng chục năm. Toàn bộ các lò gạch trên địa bàn đều xây dựng thủ công.

Chị Phạm Thị Kim (bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than) chia sẻ: “Gia đình làm cho các chủ lò gạch gần 20 năm với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu xóa bỏ lò gạch thủ công, tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo việc làm khác cho gia đình tôi có thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Giải quyết dứt điểm

Ông Nguyễn Chung Thủy - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Than Uyên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 10 lò gạch thủ công hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, Phòng tham mưu UBND huyện cùng cấp ủy, chính quyền địa phương có lò gạch thủ công trên địa bàn tuyên truyền, vận động các chủ lò hạn chế việc sản xuất gạch. Đồng thời, chuyển đổi dần sang ngành nghề khác để chấm dứt hoạt động, đảm bảo môi trường. Song các lò gạch vẫn hoạt động”.

Ngày 30/12/2016, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lai Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1924/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh); theo đó phương án cụ thể đối với gạch đất nung là chấm dứt hoạt động của tất cả các cơ sở sản xuất gạch thủ công trước năm 2017; các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò vòng trước năm 2020 theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Để thực hiện lộ trình xóa bỏ việc sử dụng gạch đất sét nung, năm 2018, UBND tỉnh ban hành Văn bản 569/UBND-XD ngày 27/4/2018 về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo đó, quy định công trình đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% thì tại thành phố Lai Châu sử dụng tối thiểu 70% vật liệu, các khu vực còn lại sử dụng 50% vật liệu xây không nung. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt loại công trình, nguồn vốn, số tầng.

Để giải quyết thực trạng này, huyện Than Uyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định sử dụng vật liệu xây không nung nhằm thay đổi nhận thức sử dụng vật liệu truyền thống (gạch đất sét nung). Rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cải tiến công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung. Không cấp phép đầu tư xây dựng mới đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây sản xuất bằng đất sét nung, sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất.
Việc xử lý dứt điểm các lò gạch thủ công cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ lò gạch cũng như lao động nắm được chủ trương của Nhà nước chủ động giải tỏa lò gạch.

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...