Thứ bảy, 04/05/2024, 19:11 [GMT+7]

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chủ nhật, 03/01/2016 - 01:34'
(BLC) – Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, tỉnh Lai Châu đã triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện để người dân nâng cao trình độ tay nghề, biết cách tổ chức sản xuất trên chính quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành chức năng, cấp ủy các cấp triển khai quán triệt và thực hiện Chỉ thị; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Theo đó, 100% chi, đảng bộ đã tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, học tập, trên 93% cán bộ, đảng viên, trên 90% cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập. Qua đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, chính quyền các cấp về thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đang nói là sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người lao động đã có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Than Uyên hướng dẫn bà con khu 10, thị trấn Than Uyên chăm sóc rau xanh.

Anh  Kiều Văn Trọng ở bản Cẩm Trung 4, xã Mường Than, huyện Than Uyên là một trong những nông dân điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình nhờ tham gia các lớp dạy nghề do Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Than  Uyên tổ chức. Anh Trọng chia sẻ: “Từ khi được tham gia lớp dạy nuôi ong, mình đã có thêm nhiều kỹ năng nuôi ong. Đồng thời tích cực học hỏi trên internet và những hộ nuôi ong trong xã, huyện. Đến nay, mình đã biết chăm sóc đàn ong theo đúng kỹ thuật, hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh, phát triển đàn nhanh hơn và thu được nhiều mật hơn. Từ việc nuôi ong mình đã thu lãi được khoảng 50 triệu đồng/năm. Cùng với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đến nay mình đã trở thành hộ có kinh tế khá ở trong bản”.

Để công tác đào tạo nghề đem lại hiệu quả thiết thực, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Hội đồng Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát công tác đào tạo nghề gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã thành lập 5 đoàn thanh tra công tác đào tạo nghề tại 5 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra và 15 cuộc giám sát tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cấp huyện, xã đã thành lập 92 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở dạy nghề và thực tế tại địa điểm tổ chức lớp học, các đoàn kiểm tra, giám sát đã chỉ ra được những tồn tại hạn chế, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những sai lệch, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề ngày hiệu quả hơn.

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị, đến nay toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 14.929/16.901 người, đạt 88,3% kế hoạch giao. Trong đó đào tạo Trung cấp nghề: 550/450 người đạt 122,2%; đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 15.534/16.600 người đạt 93,6%; dạy nghề cho người khuyết tật 147/151 người đạt 97,35%. Trong tổng số người được đào tạo nghề có 2.903 người học nghề phi nông nghiệp (chiếm 19,4%); 12.026 người học nghề nông nghiệp (chiếm 80,6%). Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ di dân tái định cư được quan tâm. Toàn tỉnh đã mở được 3 lớp trung cấp nghề cho 121 học viên; 3 lớp trung cấp chuyên nghiệp cho 111 học viên là con em cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh; 66 lớp trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 2.005 học viên; đào đạo nghề và giải quyết việc làm cho 9.564 đoàn viên thanh niên. Trên 90% đối tượng tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Văn Thăng – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho biết” “Công tác dạy nghề những năm qua luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, bước đầu đạt được kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các hình thức đào tạo nghề cho lao động tại các địa phương nhất là khu vực nông thôn được thực hiện theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Nội dung dạy nghề chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Các chương trình, giáo trình nghề đưọc chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung kịp thời, phù hợp với trình độ của người học. Thời gian đào tạo phù hợp với nghề cần đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Các nghề được đào tạo chủ yếu là: kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp và một số nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, điện dân dụng, hàn. Đến nay, toàn tỉnh có 14.933 người đã học xong nghề, trong đó 12.100 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn (đạt 81,03%), góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật năm 2015 đạt 40,11%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 29,25%".

Việc tổ chức dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Thông qua việc học nghề, người dân ở khu vực nông thôn trong tỉnh đã có sự thay đổi cơ bản trong tập quán sản xuất, biết lựa chọn loại hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, mạnh dạn trong việc lựa chọn các giống mới cho năng suất cao đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo nghề được tỉnh quan tâm, chỉ đạo theo Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 4/4/2011 của UBND tỉnh phê duyệt định mức chi phí đào tạo cho 35 nghề, trong đó 15 nghề nông nghiệp, 20 nghề phi nông nghiệp; chi phí đào tạo các nhóm nghề bình quân từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng/người/khóa học; kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học viên 330.000 đồng/học viên/tháng. Hiện nay, một số huyện đã tự cân đối nguồn ngân sách để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn như: huyện Tân Uyên, Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu. Toàn tỉnh có 18 cơ sở tham gia công tác đào tạo nghề, trong đó có 12 cơ sở công lập, 6 cơ sở ngoài công lập, 9 cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện dạy nghề, trên 200 giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và người dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Nguyễn Hòa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...