Thứ sáu, 17/05/2024, 10:07 [GMT+7]

Nỗ lực phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

Thứ năm, 02/05/2024 - 08:54'
Đảm bảo vụ sản xuất nông nghiệp thắng lợi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Tam Đường tăng cường điều tra, dự tính, dự báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng.

Ông Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời tiết trên địa bàn huyện những năm gần đây biến đổi theo hướng khắc nghiệt, cực đoan, dễ phát sinh nhiều loại sâu, bệnh gây hại cây trồng. Đây là thách thức lớn đối với ngành Nông nghiệp của địa phương, cần có giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ cây trồng, đảm bảo năng suất, thu nhập cho nông dân.
Trên cơ sở đó, Trung tâm DVNN phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nghiên cứu, khảo sát, định hướng các địa phương và nông hộ xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, kháng sâu bệnh; gieo trồng đúng lịch thời vụ, bẫy côn trùng, sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc tự nhiên. Đồng thời, điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại trên từng loại cây trồng theo mùa vụ.
Ngay khi phát hiện cây trồng bị sâu bệnh gây hại, Trung tâm DVNN huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con phun thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo đúng loại, đúng liều lượng và thời gian. Đặc biệt chú ý không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh phun khi trời sắp mưa to và cách ly đủ thời gian mới thu hái sản phẩm. Nhờ đó, trên địa bàn huyện không có diện tích cây trồng bị nhiễm sâu bệnh nặng gây cháy lá, phải chặt bỏ; hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như: lúa, cây ăn quả ôn đới, chè, mắc-ca.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh, mối trên cây mắc-ca.

Sau nhiều năm triển khai trồng mắc-ca tại một số xã của huyện cho thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, sai quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, huyện có 1.002,82ha mắc-ca, trong đó có 215,05ha trồng thuần, 787,77ha mắc-ca xen chè, tập trung ở các xã: Bản Hon, Thèn Sin, Bản Bo, Bản Giang, Khun Há, Nà Tăm, Hồ Thầu, Bình Lư. Sản lượng mắc-ca đạt gần 5 tấn/ha (đối với trồng thuần), 9 tạ/ha (đối với trồng xen cây chè). Để cây mắc-ca phát triển bền vững, Trung tâm DVNN huyện phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác phòng chống sâu bệnh, mối. Khi cây mắc-ca cho quả rất dễ bị côn trùng châm quả, thối rụng, ảnh hưởng năng suất, nông hộ được hướng dẫn bắt côn trùng bằng các thiết bị thông minh; khi tán lá rộng sử dụng cây chống tránh gãy, đổ.
UBND huyện ký kết với Công ty TNHH Liên Việt mắc-ca Lai Châu đầu tư trồng mắc-ca tại các xã: Khun Há, Bản Bo, Nà Tăm; Công ty HL mắc-ca Lai Châu đầu tư trồng tại xã Thèn Sin. Đây là cơ hội giúp huyện, các xã liên doanh, liên kết đầu tư trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hằng năm, huyện tiến hành rà soát quỹ đất, quy hoạch, mở rộng diện tích trồng mắc-ca, nhất là đối với mắc-ca xen chè sẽ mang lại hiệu quả kép.
Những năm qua, với 2.227,9ha chè, trong đó 1.836,06ha chè kinh doanh mang lại nguồn thu tương đối lớn cho các hộ dân và công ty, hợp tác xã liên kết trồng, chế biến chè khô trên địa bàn. Vừa qua, trên cây chè xuất hiện một số sâu bệnh gây hại nhẹ như: rầy xanh, bọ xít muỗi, sâu róm, phồng lá. Cán bộ chuyên môn của Trung tâm DVNN huyện tăng cường kiểm tra nương, đồi, thống kê diện tích bị các đối tượng sâu, bệnh hại; hướng dẫn bà con phòng trừ hiệu quả.
Theo anh Vũ Minh Học - cán bộ kỹ thuật Trung tâm DVNN huyện, được sự phân công của đơn vị, thời điểm đầu tháng 4, anh trực tiếp hướng dẫn các hộ trồng mắc-ca, cam, chè biện pháp phòng, chống sâu bệnh. Đối với cây cam và mắc-ca, hiện đang giai đoạn ra hoa, cần bắt côn trùng bằng các thiết bị thông minh (đèn năng lượng mặt trời); diệt mối, tránh xông gốc, làm đổ cây. Hay như cây chè, tiến hành điều tra, dự tính, dự báo thời gian phát sinh sâu, rầy gây hại; vận động nông dân thường xuyên kiểm tra, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Xã Bản Hon hiện có 534,4ha cây lương thực; gần 400ha lạc, chè, cây ăn quả, thảo quả... 3 tháng đầu năm nay, xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại ngô đông xuân; sâu đục thân, rệp, bọ xít xanh, nhện đỏ, mối và bệnh vàng lá, thối rễ trên cây mắc-ca, cam. Trước tình hình trên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm DVNN huyện phối hợp với cán bộ nông nghiệp của xã bám sát đồng ruộng tuyên truyền, hướng dẫn bà con cắt tỉa cành, lá già, rắc vôi, làm cỏ, bón phân cho cây trồng đúng giai đoạn sinh trưởng và phát triển; phun thuốc phòng trừ mối, sâu đục thân cho cây mắc-ca, cam; thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để chủ động phòng ngừa theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách). Các diện tích bị nhiễm sâu, bệnh hại được khoanh vùng, phòng trừ kịp thời, không lây lan ra diện rộng; 100% diện tích cây trồng của xã đang phát triển tốt.
Thời điểm này, thời tiết diễn biến phức tạp (nắng nóng kèm mưa rào, mưa dông) là điều kiện thuận lợi để các loài sinh vật hại phát triển. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện và sự chủ động của nông hộ, các loại cây trồng của huyện Tam Đường sẽ được bảo vệ an toàn, cho năng suất, sản lượng cao.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...