Thứ bảy, 27/04/2024, 01:41 [GMT+7]
Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên

Đổi mới tác phong, nâng cao nghiệp vụ

Thứ năm, 18/06/2020 - 17:42'
(BLC) - Với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khang trang; đội ngũ cán bộ ngày càng nâng cao về tay nghề và tiêu chuẩn, đạo đức người thầy thuốc, Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên đã từng bước tạo niềm tin cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn khi lựa chọn địa chỉ khám, chữa bệnh ban đầu.

Trao đổi với chúng tôi, Bác sỹ chuyên khoa II Lê Vũ Cương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên cho biết: Tiền thân là Bệnh xá nông trường, đến năm 2008 đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa khu vực. Sau khi chia tách, thành lập huyện Tân Uyên (năm 2009) nâng cấp thành Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Uyên; đến ngày 1/7/2016 Bệnh viện sáp nhập với Trung tâm Y tế dự phòng huyện thành Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên. Đây là Trung tâm thực hiện hai chức năng: khám chữa bệnh và hoạt động y tế dự phòng, tương đương bệnh viện hạng III tuyến huyện. Với quy mô 120 giường bệnh (thực kê 200 giường) đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 60.000 người dân trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Những năm qua, Trung tâm đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, đồng bộ từ tuyến huyện đến xã, tổ dân phố, bản, với sự đoàn kết, thống nhất của cán bộ, đảng, viên, người lao động, công tác y tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, số lượng đến khám bình quân từ 100 - 130 bệnh nhân/ngày, điều trị nội trú từ 120 - 150 bệnh nhân/ngày, công suất sử dụng giường bệnh đạt 111%.

Mặc dù là ngày nghỉ nhưng qua quan sát của chúng tôi, công tác thăm khám, điều trị của đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm không khác so với ngày thường. Vẫn dáng đi tất bật, khẩn trương dọc các dãy hành lang, những lời thăm hỏi, động viên ân cần từng bệnh nhân điều trị nội trú của y, bác sỹ khiến không gian phòng bệnh thêm ấm cúng; người bệnh và người nhà có lòng tin để phối hợp chặt chẽ trong quá trình điều trị. Mặc dù khá lo lắng khi con gái đang mổ cấp cứu vì sức khỏe yếu, không thể sinh thường nhưng bà Lò Thị Tươi (xã Phúc Khoa) vẫn cố gắng động viên con rể bình tĩnh, tin vào tay nghề của bác sỹ. Chia sẻ với chúng tôi, bà Tươi nói: Con gái tôi sinh lần đầu nhưng do nghén quá nên sức khỏe không tốt. Vào viện từ sáng, qua theo dõi, bác sỹ thông báo phải mổ lấy thai. Gia đình tôi trước đây cũng có con gái và con dâu về sinh con tại đây đều mẹ tròn con vuông, giờ Trung tâm được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, tay nghề của đội ngũ y tế được nâng cao nên rất yên tâm.

y, bác sỹ

Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên gây mê cho sản phụ sinh mổ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để nâng cao hiệu quả lãnh, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Ban Giám đốc Trung tâm đã có nhiều giải pháp nhằm đổi mới công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; lấy các tiêu chuẩn, đạo đức người thầy thuốc, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa với người bệnh làm yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhân viên y tế, người lao động. Thực hiện tốt các tiêu chí chất lượng bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, thân thiện. Áp dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị bệnh nội trú và ngoại trú; giảm tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.

Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được Trung tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động, tích cực, giám sát phát hiện, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm đã tăng cường giám sát, sàng lọc, phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm (sốt, ho, đau họng…) và đi từ vùng dịch về để kịp thời cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp này.

Qua giám sát, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận ca bệnh xác định Covid-19. Tổng số ca nghi ngờ được lấy mẫu xét nghiệm 32 ca, trong đó 100% số ca đã có kết quả âm tính; lũy kế trường hợp tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19: 208 trường hợp (giảm 1 trường hợp ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên chuyển danh sách xuống huyện Than Uyên quản lý), hiện 208 trường hợp đã qua theo dõi 14 ngày, sức khỏe bình thường. Kết thúc cách ly trong tháng 24 trường hợp, đến nay không còn trường hợp nào cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của huyện; lũy tích có 75 trường hợp cách ly (trong đó cách ly tại cơ sở y tế 27 trường hợp, tại cơ sở cách ly tập trung 48 trường hợp).

Nâng cao chất lượng khám, chữa, chăm sóc bệnh nhân, Trung tâm đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thông qua xây dựng kế hoạch cụ thể công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Kết quả, trong số 254 cán bộ, viên chức thì đối với cán bộ y, Trung tâm đã có 1 bác sỹ chuyên khoa II, 11 bác sỹ chuyên khoa I, 23 bác sỹ đa khoa, 8 cử nhân; cán bộ dược cũng đã có 1 dược sỹ chuyên khoa 1, 6 dược sỹ đại học, 17 dược sỹ cao đẳng, trung học; 15 điều dưỡng đại học, 29 điều dưỡng cao đẳng, trung cấp; 72 y sỹ... Bên cạnh đó, tích cực cử các y, bác sỹ tham gia các lớp đào tạo trình độ chuyên môn sâu cùng với trang thiết bị được đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào điều trị đã đầu tư, phát triển nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như: phẫu thuật cắt tử cung bán phần/toàn phần; phẫu thuật kết hợp xương đầu chi; cấp cứu ngừng tuần hoàn, hô hấp (tạo nhịp tim cấp cứu tạm thời với điện cực ngoài lồng ngực, sốc điện ngoài lồng ngực cấp cứu, đo huyết áp động mạch liên tục)...

6 tháng đầu năm, Trung tâm thực hiện khám, chữa bệnh ước khoảng 52.883 lượt người (trong đó có 26.340 lượt người nghèo; 6.092 trẻ em dưới 6 tuổi); điều trị nội trú cho 3.346 lượt bệnh nhân. Trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì kiểm tra, giám sát thường kỳ tại các cơ sở chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm, nhà hàng ăn uống, lấy mẫu xét nghiệm. Với nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực tuổi đời trẻ, được đào tạo cơ bản, hạ tầng công nghệ thông tin đầu tư đồng bộ, hiện đại là cơ sở để Đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa có buổi làm việc với Trung tâm nhằm khảo sát và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa. Trong đó, Bệnh viện sẽ thực hiện hỗ trợ chuyên môn toàn diện, giám sát, đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu cho Trung tâm theo các nội dung đề xuất và dự kiến triển khai trong thời gian sớm nhất.

Với những thành quả đạt được trong công tác khám chữa bệnh và y tế dự phòng khẳng định sự trưởng thành của ngành Y tế Tân Uyên, giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh công nghệ cao, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...