Chủ nhật, 28/04/2024, 03:25 [GMT+7]

'Phi đội' nhảy tàu

Thứ tư, 29/02/2012 - 14:23'
Tàu đến, hàng chục người cả phụ nữ và đàn ông í ới gọi nhau bám vào thành tàu rồi như những con sóc lọt qua ô cửa toa xe vào bán hàng rong cho khách. “Phi đội” nhảy tàu tồn tại ở thành phố Đà Nẵng hàng chục năm nay. 

*ClipNhững người bám tàu mưu sinh

Rạng sáng, ga Kim Liên ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, nhộn nhịp với khoảng 50 người bán hàng rong mang theo mực khô, bánh kẹo, đồ lưu niệm… đứng đợi tàu. Khi toàn tàu Bắc - Nam vừa dừng, nhóm người tỏa đến các toa mời chào khách. Thi thoảng mới có người hỏi mua con mực hay chút kẹo bánh về làm quà, còn phần lớn lắc đầu từ chối. Có người chê hàng giả, không mua.

Tàu dừng khoảng 5 phút rồi lại hú còi chạy tiếp về phía đèo Hải Vân. Một số người nhảy lên khớp nối giữa các toa để tiếp tục bán hàng, chịu đựng âm thanh nghe đến nhức óc mỗi lần hai toa đụng vào nhau. “Đó là tàu Thống Nhất chạy chậm, còn tàu SE chạy nhanh lắm, nhưng vẫn phải nhảy theo thì mới bán được hàng”, chị Mai, 45 tuổi, người gần 30 năm theo “nghiệp” nhảy tàu cho biết.

Quãng đường mưu sinh của những người này khoảng 20 km từ ga Kim Liên đến ga Lăng Cô (Huế) và ngược lại. Hết giờ tàu dừng tại ga, họ lại lên cầu Nam Ô cách ga chừng một km và nhảy lên đoàn tàu đang chạy để bán hàng.

Từng người một chọn vị trí nhảy lên tàu. Ảnh: Nguyễn Đông

Đoàn tàu SE chạy qua, vì tốc độ nhanh nên mấy phụ nữ lắc đầu không dám nhảy. Riêng chị Gái vận hết sức mình, xách theo giỏ hàng đựng toàn đồ lưu niệm làm bằng đá Non Nước nặng chừng 10 kg, liều bám tay vào thành tàu rồi từ từ leo lên, rướn người về phía ô cửa toa tàu miệng tươi cười mời khách mua hàng. “Ngày nào về chân tay cũng đau ê ẩm. Nếu có nghề khác làm đủ tiền đong gạo ngày hai bữa thì tôi cũng chẳng liều với cái nghề này làm gì”, chị Gái tâm sự.

Theo chị Gái, bám thành tàu, nhìn xuống đất hoa hết mắt. Vì thế sau khi đu bám, mọi người cùng leo lên nóc tàu nghỉ. Đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân đi qua tới 6 hầm. Mỗi lần qua, họ cùng nằm rạp xuống. Tàu đi vào hầm tối om, tiếng toa xe chạm vào đường ray, tiếng gió rít khiến nhiều người lạnh buốt sống lưng.

Mỗi lần qua đoạn đèo quanh co tàu giảm tốc độ, mấy phụ nữ nhảy xuống các toa qua ô cửa bán hàng, rồi lại leo lên nóc tàu trốn bảo vệ. “Mấy ông nhìn thấy là xua đuổi, nhảy vào giật hàng quăng qua cửa, thậm chí còn lấy giầy thúc vào người nên phải lo trốn”, chị Ánh, thở hổn hển khi vừa leo từ toa tàu xuống đất cho biết.

Theo những người nhảy tàu, trước đây địa bàn tổ 14 phường Hòa Hiệp Bắc là vùng làm pháo nổi tiếng. Nhà nước cấm pháo, nhiều người dân thành thất nghiệp. Một vài người bám tàu bán hàng rong, thấy có lời, nhiều người bất chấp nguy hiểm làm theo và giờ đông đến mức tổ 14 được gọi là “xóm nhảy tàu”. Có người gần cả đời bám đường tàu mưu sinh như bà Tư, năm nay tuổi đã 85.

Họ bám theo ngay cả khi đoàn tàu đang chạy. Ảnh: Nguyễn Đông

Hướng về phía đường tàu, anh Tý kể ngày trước mẹ anh đi nhảy tàu bán kẹo bánh, năm lên 12, do không đi học nên anh nhảy tàu đi lượm ve chai. Nhảy tàu thì chẳng phải ai dạy, nhưng phải nhìn người có kinh nghiệm rồi làm theo. “Lần đầu một đứa trẻ như tôi chân tay cứ run lẩy bẩy, nhưng nhảy nhiều và đặc biệt là bị ngã nhiều nên giờ chai lì. Tàu có chạy nhanh với vận tốc 30-40 km qua đoạn cua tôi vẫn có thể tung người và bám được theo tàu”, anh Tý khoe.

Nhảy tàu chuyên nghiệp, nhưng với “phi đội” ở ga Kim Liên này, ai cũng từng ngã vài chục lần, thương tích đầy mình. Anh Tý nhớ như in lần nhảy tàu cách đây hai năm. Do mải trèo qua cửa sổ vào toa bán hàng, chưa kịp lọt người, tàu đi qua đoạn cầu sắt bắc ngang sông, anh bị quật mạnh vào thành cầu, đầu bê bết máu.

Bị choáng, anh Tý vẫn rướn hết sức ghì chặt người vào thân tàu. “Đồng đội” biết Tý bị thương liều nhảy vào toa, chạy lên khoang lái xin dừng tàu đưa Tý đi cấp cứu. “Tôi khâu gần chục mũi trên đầu, nằm viện cả tháng trời nhưng khi ra viện chẳng biết làm nghề gì nên lại quay về bám tàu bán hàng”, anh Tý nhớ lại.

Chỉ những vết sẹo chi chít trên tay chân, chị Phạm Thị Nguyệt, 47 tuổi, bảo: “Tôi theo nghề này được mười năm thì cũng ngã tàu trên chục lần. Có người ngã xuống đường lại rướn người nhảy tiếp. Nhưng cũng có hai người về với ông bà”. Và chị kể cách đây chục năm, bà Đặng Thị Chín đang ngồi trên nóc tàu thì bị dây điện gạt trúng người, ngã xuống đất tử vong. Vài năm trước có cậu Tám nhảy tàu lên đỉnh đèo Hải Vân lấy củi và chết do lao mình vào vách đá.

Và nằm gọn trên nóc tàu nghỉ lấy sức trèo vào các toa để bán hàng cho khách. Ảnh: Nguyễn Đông

Trao đổi với VnExpress, bà Lê Thị Diệu Mân, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết hầu hết người làm nghề nhảy tàu bán hàng rong ở ga Kim Liên đều thuộc tổ 14, phường Hòa Hiệp Bắc. Phường đã nhiều lần chuyển đổi nghề cho những người này.

Nhiều chị em được giới thiệu đi làm ôsin, tạp vụ cho các nhà hàng. Tháng 7/2010, phường liên hệ với Công ty TNHH Bắc Đẩu (quận Sơn Trà) đưa người vào làm hải sản. Mấy ngày đầu công ty mang xe đến đón, số phụ nữ này đi làm nhưng sau đó họ phải thuê xe, thậm chí đi xe đạp gần 20 km đến công ty nên chán nản, quay về với nghề cũ.

 

Theo vnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...