Thứ hai, 29/04/2024, 09:22 [GMT+7]

Góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ hai, 04/03/2024 - 11:28'
Sau đại dịch Covid-19, công tác đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động nông thôn (LĐNT) từng bước được phục hồi trở lại với nhiều tín hiệu đáng mừng. Bằng chứng là các chỉ tiêu về đào tạo, GQVL cho LĐNT 2 năm qua đều đạt và vượt so với kế hoạch tỉnh giao.

Chuyến công tác những ngày đầu năm tại bản Nà Ban (xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên) cho chúng tôi hiểu phần nào về công tác ĐTN cho LĐNT ở huyện này. Gặp các học viên đang thực hành xây bao khoảng đất nơi được bản chọn làm vị trí tổ chức lễ Xên bản hàng năm, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Xuân Thức - Bí thư Đảng ủy xã Thân Thuộc thông tin: Sau khi được trang bị kiến thức về xây dựng dân dụng, các học viên được bố trí kinh phí thực hành và chọn điểm tâm linh tại bản Nà Ban để thực hiện. Qua việc này, học viên vừa được áp dụng kiến thức đã học vào thực tế mà bản cũng được xây dựng công trình tâm linh đúng như người dân mong mỏi bấy lâu.
Với huyện Tân Uyên, công tác ĐTN cho LĐNT vài năm trở lại đây đều đạt kế hoạch giao. Việc lựa chọn ngành nghề đào tạo rất phong phú và phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức 33 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.000 học viên là LĐNT. Trong đó, ngành nghề đào tạo đa dạng như: nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nuôi ếch, thỏ; kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo, trồng chè, bí xanh, rau an toàn; điện dân dụng, kỹ thuật cắt may, sửa chữa máy nông nghiệp; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch… Đại đa số học viên sau khi học nghề đều áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình bằng hình thức tự tạo việc làm tại địa phương.
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh tổ chức đào tạo cho 26.171 chỉ tiêu, vượt 9,04% kế hoạch tỉnh giao, trong đó tập trung đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đều vượt kế hoạch. Đối với ĐTN nông nghiệp có 17.591 người được trang bị kiến thức và 6.711 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Kết thúc các lớp ĐTN, một số mô hình được duy trì và phát triển tốt như: mô hình trồng chè ở các huyện: Tam Đường, Than Uyên; mô hình trồng quế, mô hình nuôi ong mật ở 2 huyện: Phong Thổ, Nậm Nhùn; mô hình trồng chanh leo ở huyện Than Uyên... Các mô hình giúp người lao động tự tạo việc làm tại địa phương, thu nhập ổn định; đồng thời thu hút một số hộ trên địa bàn học tập, làm theo.

Các học viên lớp đào tạo nghề xây dựng thực hành việc xây bao khu vực tổ chức lễ Xên bản tại bản Nà Ban (xã Thân Thuộc).

Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 50,7% thời điểm cuối năm 2020, lên 58,3% vào cuối năm 2023. Sau đào tạo có trên 85% số lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, công tác GQVL cho lao động hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh GQVL cho 27.487 lao động, vượt 13,9% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó tổ chức đưa được 612 LĐNT đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kết quả đạt được trong những năm qua là minh chứng rõ nét, thể hiện sự quyết tâm trong chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ ĐTN và GQVL trên địa bàn; tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.
Để đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến cuộc sống ổn định cho người dân bằng việc đảm bảo nguồn thu nhập không ngừng nâng lên mỗi năm thì công tác ĐTN, GQVL là nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước. Nhiệm vụ này cũng tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra đến năm 2025: hằng năm tổ chức ĐTN cho 8.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2025 đạt trên 70%; GQVL cho trên 8.500 lao động.
Tự tin với những kết quả đạt được trong công tác ĐTN những năm qua, ông Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, muốn LĐNT được quan tâm đào tạo nhiều hơn nữa, trước tiên công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp phải được quan tâm sát sao, cộng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân các cấp trong chỉ đạo, nâng cao chất lượng tổ chức ĐTN, GQVL tại địa phương. Việc ĐTN phải gắn với tìm kiếm việc làm ổn định, hướng tới việc làm mang lại thu nhập. Chú trọng công tác hướng nghiệp, đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp nhằm nâng chất lượng ĐTN, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài ra, thiết nghĩ các địa phương cũng cần khảo sát kỹ nhu cầu học nghề, việc làm của nông dân trước khi tổ chức các lớp dạy nghề để sau khi kết thúc khóa học, học viên có thể duy trì và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất. Khảo sát, đánh giá hiệu quả các mô hình, hộ sản xuất giỏi, các mô hình ĐTN có sự liên kết 3 bên (cơ sở ĐTN - người học - doanh nghiệp tiêu thụ) để nhân rộng. Trên cơ sở đó sẽ đề ra giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, giống, tạo đầu ra cho sản phẩm giúp nông dân khởi nghiệp, lập nghiệp.

T.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...