Chủ nhật, 05/05/2024, 13:15 [GMT+7]

“Gieo chữ” nơi thượng nguồn Đà giang

Thứ năm, 15/02/2024 - 15:27'
Mường Tè - mảnh đất biên cương nơi thượng nguồn sông Đà dù đối mặt với rất nhiều gian khó, song những năm qua, các thế hệ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục huyện vượt khó vươn lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, sự nghiệp “trồng người” nơi đây đã được “hái quả ngọt” góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ký ức về một thời gian khó
Những ngày cuối năm, trong tiết trời lạnh giá của mùa đông biên giới, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Lò Phù Mé - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè. Nhớ về những ngày gian khó thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn, bà Mé xúc động chia sẻ: Những năm trước đây, điều kiện kinh tế của các dân tộc sinh sống trên địa bàn còn khó khăn; mạng lưới trường, lớp học chưa phát triển, nhiều xã chưa có trường THCS. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp thấp; đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu, chất lượng dạy và học còn thấp, học sinh bỏ học nhiều… Nhưng bằng sự kiên trì vượt khó của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng biên giới đã “gieo mầm” giúp thế hệ của tôi và các thế hệ học sinh sau này của huyện luôn có tinh thần hiếu học, vươn lên.
Câu chuyện về tấm gương thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn với hành trình vượt núi, băng rừng dạy chữ nơi thượng nguồn Đà giang vẫn được những người già nhớ và kể cho con cháu để khơi dậy tinh thần vượt khó, hiếu học và yêu nghề. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy Bôn và học trò lúc bấy giờ, xã biên giới Mù Cả là địa phương đầu tiên của vùng cao phía Bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ. Và, thầy Bôn được biểu dương là “cha đẻ” của mô hình nuôi học sinh tại nhà dân ở miền Bắc...

Lớp học bên hiên nhà cho thấy một thời gian khó của giáo dục Mường Tè.

Từ những ngày gian khó, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục cùng tinh thần hiếu học của người dân, sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất biên cương thượng nguồn sông Đà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có 39 trường và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới; đã bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ được mô-đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có 22/39 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân từ 15 - 60 tuổi biết chữ đã đạt 94%...
“Hái quả ngọt”
Ngược dòng Đà giang đến thăm Trường THPT Dân tộc nội trú Ka Lăng, ngôi trường được xem là “cái nôi” chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số. Đưa chúng tôi đi thăm khuôn viên nhà trường với khu ký túc xá, nhà công vụ, phòng học chức năng, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập được quy hoạch khang trang, hiện đại đảm bảo tốt nhu cầu dạy và học; thầy giáo Lý Khò Xá - Phó Hiệu trưởng nhà trường tự hào chia sẻ: “Dù là trường bậc THPT xa nhất tỉnh song nhiều năm qua công tác giáo dục của nhà trường luôn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn đạt trên 65%; học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học cao.

Cơ sở vật chất giáo dục của xã Mù Cả khang trang hơn nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước.

Từ việc xác định nâng cao mặt bằng dân trí là nền tảng của sự phát triển của xã hội và nỗ lực chăm lo cho ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện, góp phần tích cực đưa Mường Tè thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn. Đến nay, huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3; PCGD THCS mức độ 1; trong đó có 7/14 xã đạt mức độ 3; 6/14 xã đạt mức độ 2... Trong 5 năm trở lại đây, có 117 học sinh đạt giải cấp tỉnh (2 giải nhất; 16 giải nhì; 31 giải ba, 68 giải khuyến khích…). Kết quả này là những “trái ngọt” khẳng định cho sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Giáo dục huyện Mường Tè.
Phát huy kết quả đạt được và hướng tới tương lai để tiếp tục “hái quả ngọt” trong sự nghiệp “trồng người”, đồng chí Tống Thanh Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè khẳng định: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục; tăng cường công tác rà soát gắn với bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung vào khâu khảo sát thực tiễn, triển khai và đánh giá thực chất kết quả, tạo động lực cho các phong trào dạy và học tại các đơn vị trường. Thực hiện hiệu quả các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bán trú. Đồng thời, triển khai các bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tăng tỷ lệ học sinh giỏi, định hướng nghề cho học sinh từ cuối cấp THCS. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy, nâng cao dần chất lượng các tiêu chí, mục tiêu đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém. Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã xác định, bảo đảm thực chất, phù hợp với thực tiễn tại từng địa bàn xã, thị trấn. Hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu về công tác giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...