Thứ bảy, 27/04/2024, 07:13 [GMT+7]

Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản về phát triển Chính phủ điện tử

Thứ sáu, 08/01/2021 - 14:39'
(BLC) - Sáng nay (8/1), Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Các đồng chí: Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ngài Takio Yamada - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và Trung tâm Tin học - Công báo (UBND tỉnh)…

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lai Châu.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lai Châu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá rất cao quan hệ của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng như gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đại sứ quán Nhật Bản và và khẳng định đây là Hội thảo lần thứ 3 của Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử. Quá trình hợp tác, hỗ trợ, cùng làm việc, Việt Nam đã học tập rất nhiều trong phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của Nhật Bản. Qua đó, đạt nhiều kết quả tích cực.

Về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 tăng 2 bậc so với 2018, tăng 26 bậc so với năm 2004 (Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6/11 khu vực ASEAN). Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 25/12/2020, có tổng số trên 3,7 triệu văn bản điện tử trao đổi, gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thay đổi lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, chuyển đổi từ phương thức xử lý, gửi, nhận văn bản truyền thống sang môi trường điện tử (giúp giảm chi phí bưu chính, giảm thời gian tiếp nhận, xử lý văn bản, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp). Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), từ ngày 24/6/2019 đến ngày 25/12/2020 đã phục vụ 24 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 610 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế thay thế việc phát hành, in ấn, sao chụp hơn 222 nghìn bộ hồ sơ, tài liệu giấy. Giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Chi phí tiết kiệm khi sử dụng khoảng 169 tỷ đồng/năm…

Cũng theo ngài Takio Yamada - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số đã trở nên quan trọng. Triển khai ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trên mọi phương diện được xem là một trong những giải pháp để có thể cung cấp các dịch vụ công với nhiều dữ liệu đơn giản và giá trị gia tăng cao hơn, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người và ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh.

Triển khai Chính phủ số cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản. Và, hiện nay hệ thống Chính phủ điện tử mà Văn phòng Chính phủ đang triển khai là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính nhằm hỗ trợ, ra quyết định, chính sách thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời. Về phía Chính phủ Nhật bản đã và đang nỗ lực hỗ trợ trong khả năng có thể để đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam. Tại Hội thảo này, thông qua những kết quả từ nỗ lực gần đây của các địa phương Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi số, hy vọng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm, trao đổi, vận dụng hiệu quả trong ra chính sách, quyết định.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Việt Nam), Ban Kế hoạch hệ thống thông tin Chính phủ (Cục Quản lý hành chính, Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản), Nhóm nghiên cứu và phát triển (Trung tâm toàn cầu về cải tiến xã hội - Tokyo, Hitachi, Nhật Bản) trình bày 4 chuyên đề về: Kết quả, bài học về công tác cải cách thủ tục hành, xây dựng Chính phủ điện tử và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Việt Nam; Chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ số; Kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản; Xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam và chuyên gia Nhật Bản thẳng thắn trao đổi, thảo luận làm rõ hơn những nội dung liên quan đến các chuyên đề. Trong đó, có vấn đề định danh mã số cá nhân, số hóa dịch vụ công; giao chỉ tiêu thực hiện đối với từng cơ quan, đơn vị, bộ, ngành trong thực hiện Chính phủ điện tử.

Kết thúc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Với quan điểm xuyên suốt là xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính và dịch vụ hành chính, nâng cao sự công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo hiệu quả công việc. Do đó, đề nghị từ những kinh nghiệm và chính sách mới Nhật Bản chia sẻ tại Hội thảo lần này về phát triển Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, ứng dụng phù hợp vào thực tế đơn vị trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời mong muốn Chính phủ, Đại sứ quán và các chuyên gia Nhật Bản song hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả, thúc đẩy hơn nữa phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Đồng chí tin tưởng với quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế nói chung, trong đó có Chính phủ Nhật Bản nói riêng, thông qua sự hợp tác, hỗ trợ và những hội thảo như hôm nay, Việt Nam sẽ có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử. Góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...