Thứ bảy, 04/05/2024, 21:03 [GMT+7]

Khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Thứ ba, 24/08/2021 - 21:09'
(BLC) - Mùa mưa lũ đến, việc bố trí, sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân là nhiệm vụ cấp bách đang được các cấp, ngành huyện Nậm Nhùn quan tâm, khẩn trương triển khai. Qua đó, giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Huyện Nậm Nhùn có tổng diện tích tự nhiên hơn 138.000ha, với 11 xã, thị trấn với 69 bản; dân số trên 27.000 người gồm 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 95%. Huyện có điều kiện tự nhiên đồi núi dốc, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều khe suối nên vào mùa mưa lũ thường xảy ra tình trạng sạt lở tại các bản dân cư, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Qua đánh giá và rà soát, trên địa bàn huyện có 99 hộ nằm trong khu vực sạt lở, lũ quét nguy cơ phải di dời đến nơi an toàn. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cử cán bộ phối hợp với các xã rà soát, đánh giá tình hình và chủ động đề xuất với huyện phương án di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trước khi bước vào mùa mưa lũ. Trong quá trình lựa chọn điểm tái định cư, huyện Nậm Nhùn luôn quan tâm lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đề xuất của người dân, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra thực  địa, lựa chọn những điểm phù hợp, đủ điều kiện tổ chức mặt bằng tái định cư. Đến nay, huyện đã tổ chức di chuyển được 43 hộ đến nơi an toàn, còn lại 56 hộ trong diện chờ di chuyển. Những hộ dân chưa kịp di chuyển, trong mùa mưa lũ huyện đều bố trí cán bộ phối hợp với địa phương túc trực 24/24 giờ, kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Văn Thắng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa, Phòng đã chủ động tham mưu với UBND huyện huy động mọi nguồn lực, phối hợp với lực lượng dân quân, bộ đội và các lực lượng ở xã cố gắng di dời những hộ còn lại về nơi ở mới. Nhờ các dự án sắp xếp dân cư tập trung, các điểm tái định cư được đầu tư hạ tầng đồng bộ đảm bảo các hộ sau khi chuyển đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đủ điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài và phát triển kinh tế bền vững.

Xã Nậm Hàng là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Mùa mưa lũ năm nay đã khiến 4 người dân ở bản Lồng Ngài bị thương; trong đó, 1 người bị thương nặng và 3 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân do trên đường đi làm nương bị cây đổ trúng người. 69 ngôi nhà bị thiệt hại; trong đó 4 nhà bị sập hoàn toàn, 9 nhà bị tốc mái nặng từ 50% - 70%. Ngoài ra, còn thiệt hại về cây trồng, vật nuôi... Tổng thiệt hại trong 6 tháng đầu năm lên đến 1.217 triệu đồng.

Được biết, mùa mưa lũ năm nay toàn xã có 39 hộ dân với 203 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai cần di chuyển trong năm 2021. Đến thời điểm này, toàn xã đã đi chuyển được 38/39 hộ dân với 197 nhân khẩu, còn 1 hộ chưa di chuyển bởi qua đánh giá nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở thấp và còn nhiều tài sản, hoa màu trên đất. Do đó, gia đình chưa thực hiện di chuyển, xã sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ gia đình di chuyển trong thời gian tới.

Người dân bản Lồng Ngài, xã Nậm Hàng giúp nhau dựng nhà tại nơi ở mới. Ảnh tư liệu.

Mùa mưa lũ năm nay, xã Hua Bum có 29 hộ, 130 nhân khẩu cần phải di chuyển đến nơi ở mới. Đến nay, xã đã di chuyển được 4 hộ, còn 25 hộ chưa thể di chuyển do chưa khảo sát được điểm tái định cư. Được biết, xã Hua Bum là xã vùng cao rất khó khăn, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi với độ dốc lớn, diện tích đất có thể sử dụng làm nơi ở cho người dân hạn hẹp. Do đó, để giải được bài toán di chuyển 25 hộ dân còn lại đang là nỗi lo đau đáu của các cấp chính quyền địa phương.

Gia đình ông Pờ Ha Chừ - bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum là một trong những hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao chia sẻ: Gia đình tôi có 8 nhân khẩu. Mỗi khi có mưa to, gió lớn, cả gia đình rất lo lắng, luôn thấp thỏm trong nỗi sợ hãi. Tôi mong các cấp chính quyền sớm có phương án cho chúng tôi đến nơi mới, ổn định cuộc sống và yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc bố trí và sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở ở huyện Nậm Nhùn còn nhiều thách thức do địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi dốc, lưu vực sông suối nhiều... Đối với những bản có số lượng dân cư ít thì việc lựa chọn điểm tái định cư còn thuận lợi, đối với những bản mà có số lượng người dân đông thì việc tạo mặt bằng để xây dựng các khu, điểm tái định cư gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường giao thông, điện lưới quốc gia cũng còn hạn chế do giao thông chưa được đầu tư.

“Với những khó khăn, vướng mắc như hiện nay, huyện Nậm Nhùn rất mong tỉnh Lai Châu và các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét, bổ sung kinh phí để huyện đưa người dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Song song với đó, huyện cũng mong cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho bà con ở một số xã vùng sâu vùng xa hiện còn khó khăn về đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt và lưới điện quốc gia... giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.” - ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ thêm.

Tuấn Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...