Chủ nhật, 05/05/2024, 14:04 [GMT+7]

Lời giải nào cho "bài toán" tảo hôn ở Dào San?

Chủ nhật, 22/10/2023 - 12:08'
(BLC) - Ở xã Dào San (huyện Phong Thổ) không khó để bắt gặp những chàng trai, cô gái mới 14, 15 tuổi, cái tuổi đang độ ăn, học nhưng đã là vợ, chồng, làm bố, làm mẹ. Tảo hôn kéo theo đó là vòng luẩn quẩn đói nghèo - thất học.

Những bà mẹ “nhí”

Nằm ngay giữa trung tâm bản Hợp 1 gần khu vực chợ Dào San, trong căn nhà xây cấp 4 đã xuống cấp tối thui chúng tôi phải bật đèn flat điện thoại để soi vào trong nhà mới thấy em Phàn Thị Pàng đang gắng gượng dỗ con ngủ. Trời mới vào thu nhưng Dào San đã khá lạnh khi chiều buông nhưng em Pàng vẫn mong manh trong chiếc áo cộc, người co ro, khuôn mặt vàng vọt, xanh xao và nhìn em không ai nghĩ năm nay em mới 15 tuổi.

Ánh mắt xa xăm xen lẫn buồn rầu, em Pàng bộc bạch: “Nhà em ở bản Dền Thàng cách đây gần 10km, một lần tình cờ lướt facebook em quen anh Thào A Thông - là chồng hiện tại của em. Sau một năm quen và tìm hiểu chúng em về ở với nhau và có con, giờ con em được hơn 4 tháng. Lúc lấy nhau, chồng em mới 18 tuổi còn em 14 tuổi. Chỉ nghĩ đơn giản yêu thì cưới về ở với nhau thôi nhưng do chưa đủ tuổi nên chưa đăng ký kết hôn. Gia đình thì nghèo nên cũng chưa tổ chức đám cưới”.

Đang nói, giọng Pàng trùng xuống, nhìn vào căn nhà tối đen như mực, không có gì đáng giá của mình, mắt em ngấn lệ và chia sẻ tiếp với chúng tôi, căn nhà nhỏ chỉ khoảng 50-60m2 này nhưng là nơi ở của 3 thế hệ với 7 người là: bà nội chồng, bố, mẹ, hai người em chồng và hai mẹ con Pàng. Hiện, chồng Pàng đang phải đi làm thuê ở tận Hà Nam để có tiền nuôi gia đình và tích góp mai này về tổ chức đám cưới. Mới lấy nhau, con thì nhỏ mà đã phải xa chồng, vừa phải lo chăm con vừa phải phụ giúp bố mẹ chồng công việc nhà, đồng ruộng nhìn chúng bạn vẫn được tới lớp, rồi đi chơi thoải mái còn mình vất vả, xoay xở chăm con đôi khi Pàng cũng thấy nuối tiếc nhưng cũng không thay đổi được gì nữa rồi. Giờ em chỉ biết nỗ lực cố gắng, hằng ngày ngoài chăm con cùng mẹ chồng làm ruộng, nuôi 3 con lợn để lo cho gia đình.

BT

Tảo hôn nên dù mới 15 tuổi nhưng em Phàn Thị Pàng (ở giữa) đã làm mẹ.

Chia tay Pàng, chúng tôi cùng cán bộ xã tới thăm gia đình em Châu Thị Sang cũng ở bản Hợp 1. Trong căn nhà trình tường cũ kỹ, thủng lỗ chỗ, tài sản có giá trị nhất trong nhà là chiếc xe máy để vợ chồng Súa cùng em trai đi lại. Vừa tất tả dỗ dành con vừa tâm sự với chúng tôi, năm 2022 em mới 14 tuổi đang học THCS nhưng em và chồng là Thào A Súa (17 tuổi) yêu nhau nên khi học xong lớp 10 chúng em cùng bỏ học lấy nhau.

“Chỉ nghĩ đơn giản là yêu thì về ở với nhau rồi cưới như bố mẹ thời xưa chứ không nghĩ gì tới những chuyện khác. Lấy nhau về có con, giờ con em được gần 8 tháng tuổi nhưng vì tảo hôn nên chúng em chưa đăng ký kết hôn, chưa tổ chức đám cưới, con cũng chưa đăng ký khai sinh được và không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Bố mẹ chồng cũng phải đi làm ăn xa để có tiền lo cho các em chồng và vợ chồng con cái chúng em. Còn ít tuổi mà đã lấy vợ, lấy chồng nên chúng em cũng không đi làm ăn xa được ngày ngày chăm con, làm việc đồng áng chỉ đủ cơm ăn qua ngày, khó khăn chồng chất” - Sang ngậm ngùi chia sẻ.

Nhiều hệ lụy

Tảo hôn không chỉ dẫn đến nghèo đói, thất học mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. Theo Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoàn - Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Mỗi tháng khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân tới sinh con nhưng chỉ từ 14-18 tuổi. Theo nghiên cứu sinh con ở độ tuổi vị thành niên, lúc đó cơ thể các em chưa phát triển đến độ hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con kéo theo làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên. Những bà mẹ “nhí” khi sinh con sẽ ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ lẫn con như: thoái hoá, các di chứng bệnh tật cả mẹ lẫn con và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng gấp đôi; tỷ lệ tử vong của người mẹ mang thai, sinh đẻ sớm cũng cao gấp 5 lần so với những người mẹ trên 20 tuổi.

Cũng vì tảo hôn không đăng ký kết hôn nên khi nằm viện cũng không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi gần 90% bệnh nhân tại khoa đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, có người khi đi sinh con không có nổi cái tã, bỉm cho mẹ và con. Lúc sinh ra cũng không được ăn đủ chất dinh dưỡng, có người chỉ ăn cơm chan nước sôi hoặc quả trứng nên chất lượng sữa cho con bú cũng không đảm bảo.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà tảo hôn còn dẫn tới tương lai mịt mờ bởi kết hôn sớm khi các em còn đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì mọi thứ chỉ trông chờ vào bố mẹ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn thuộc diện khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo đến cơm còn phải lo từng bữa thì lấy đâu ra tương lai, kinh tế ổn định mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Đồng thời, tảo hôn còn kéo theo những xung đột và rạn nứt trong mối quan hệ gia đình và xã hội, bởi các em còn quá nhỏ để có thể suy nghĩ thấu đáo và chu toàn mọi việc trong cuộc sống. Tảo hôn còn tước đoạt quyền tự do, quyền lựa chọn, quyền tự quyết về cuộc sống, tương lai của mình và nhiều quyền lợi của Nhà nước không được hưởng vì vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em. Những điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, việc thực thi các chính sách và tạo thành vòng luẩn quẩn nghèo - tảo hôn - thất học - nghèo.

Mang theo những lời khuyên của bác sỹ tới gia đình em Pàng, chúng tôi được trò chuyện với chị Giàng Thị Dơ - mẹ chồng em Pàng. Nhìn chị Dơ không ai nghĩ chị mới chỉ ngoài 40 tuổi, bởi chị gầy gò, già nua, gương mặt đã nhiều vết chai sạn vì tần tảo sớm hôm lo cho gia đình và sinh nhiều con (3 người con) khi mới 14 tuổi. Chị Dơ ngậm ngùi chia sẻ: Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và 3 con lợn, thi thoảng tôi và chồng đi làm thuê loanh quanh trong xã được đồng nào tiêu đồng ấy nên gia đình thuộc diện cận nghèo, cuộc sống khó khăn lắm. Năm 2022, con trai cả tôi là Thào A Thông “bắt” vợ về và bảo lấy vợ, trong khi nó mới 17 tuổi còn vợ nó 14 tuổi. Tôi cũng đã khuyên không lấy vợ sớm vì từ bản thân mình lấy chồng sớm đã vất vả rồi nhưng nó không nghe và cũng muốn có người chia sẻ việc nhà nên tôi đồng ý cho 2 đứa ở với nhau. Giờ sinh con ra không có tiền lo cho con nó phải đi làm thuê dưới Hà Nam, còn vợ con nó thì vợ chồng chúng tôi phải chăm lo. Gia đình cũng chưa có tiền tổ chức đám cưới cho con. Cũng vì tảo hôn mà gia đình tôi bị chính quyền xã nhắc nhở, xử phạt hiện vẫn chưa có tiền đóng.

Còn khi được hỏi, em Pàng bộc bạch: Nếu được làm lại em sẽ không lấy chồng sớm, vất vả và thiệt thòi lắm. Khi sinh con gia đình phải vay tiền mãi mới đủ đóng viện phí chứ đừng nói tới việc tẩm bổ sức khỏe khi mang thai và sau sinh. Cũng vì vậy con em sinh ra còi cọc, yếu, em cũng ốm đau suốt. Chồng thì đi làm xa không ở gần quan tâm, chăm sóc hai mẹ con được đôi khi em tủi thân lắm, nhiều đêm trùm chăn khóc, hối hận vì đã lấy chồng sớm!

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp

Dào San là xã vùng cao biên giới phía Bắc của huyện Phong Thổ với 5 dân tộc anh em sinh sống gồm: Mông (chiếm 80%); Dao; Hà Nhì; Hoa và một số dân tộc khác. Nhân dân sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Từ năm 2022 tới nay trên địa bàn xã có 19 cặp tảo hôn. Theo tìm hiểu, các cặp tảo hôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Nguyên nhân tảo hôn chủ yếu là do tập quán của bà con từ bao đời nay đều lấy vợ sớm để duy trì nòi giống và có người làm việc nhà; có người suy nghĩ nông cạn yêu là lấy chứ không cần biết tuổi tác. Khi lấy vợ, lấy chồng, có con người ta làm lễ trước ở nhà thành vợ thành chồng chứ không đi đăng ký kết hôn, đến khi “gạo nấu thành cơm”, ở với nhau thành vợ chồng, có con rồi chính quyền xã mới phát hiện ra.

Anh Vương Biên Thùy - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: Tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền xã, làm ảnh hưởng tới mọi mặt như: chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: xử lý vi phạm hành chính nhằm răn đe, ngăn chặn tảo hôn; chỉ đạo 13 bản trên địa bàn đưa việc tảo hôn và những hình thức xử phạt vào quy ước, hương ước của bản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới toàn thể nhân dân. Trong đó, chú trọng lựa chọn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số am hiểu phong tục tập quán, tiếng dân tộc để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” xuống từng bản phối hợp với già làng, trưởng bản phân tích, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, những hệ lụy mà tảo hôn mang lại và vận động không tảo hôn, kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật. Từ đầu năm tới nay, xã Dào San đã xử lý vi phạm hành chính 3 cặp tảo hôn với số tiền 7 triệu đồng.

a

Cán bộ xã tuyên truyền về những hệ lụy của tảo hôn cho em Châu Thị Sang và một số thanh niên trong xã.

Nhờ những giải pháp đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn giảm theo từng năm. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại và ở tỷ lệ cao. Nhất là đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính về tảo hôn bằng tiền nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi đa số các gia đình có con tảo hôn đều là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn cơm ăn lo từng bữa, không có tiền đóng phạt vì vậy số cặp tảo hôn bị xử lý vi phạm hành chính còn thấp.

“Thời gian tới xã tăng cường phối hợp với các trường học, trạm y tế trên địa bàn, các cấp, ngành từ tỉnh tới cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền về những hệ lụy của nạn tảo hôn trong các nhà trường. Đặc biệt xã mong muốn tới đây sẽ có các chế tài và cách xử lý nghiêm hơn như đưa ra xét xử công khai các cặp tảo hôn để tăng tính chất răn đe. Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn” - Chủ tịch UBND xã Vương Biên Thùy cho biết thêm.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...