Thứ bảy, 27/04/2024, 11:24 [GMT+7]

Lai Châu ứng phó với rét đậm, rét hại

Thứ tư, 13/01/2021 - 20:10'
(BLC) - Ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiệt độ xuống thấp 4 - 7 độ C, vùng núi cao 0 - 2 độ C. Giảm thiểu thiệt hại, các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Trường học, cơ sở y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng giữ ấm cho học sinh, bệnh nhân.

Nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm tại đỉnh đèo Ô Quý Hồ (huyện Tam Đường) xuất hiện băng tuyết dày đặc. Đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhiều trường trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học, chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù đảm bảo chương trình, kế hoạch. Đồng thời, xây dựng phương án phòng chống rét cho học sinh khi các em quay lại trường. Đối với trường bán trú ở các huyện vùng cao như: Sìn Hồ, Phong Thổ, chủ động kiểm tra, sửa chữa kịp thời phòng ăn, phòng ngủ bị hư hỏng, xuống cấp hạn chế thấp nhất gió lùa. Quan tâm hơn đến giữ nóng thức ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú. Nhiều trường còn tích cực thực hiện công tác xã hội hóa, vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ quần áo ấm, chăn màn tặng học sinh.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Nhuệ - Trường Tiểu học Tân Phong (thành phố Lai Châu) nói: “Khi nhận được thông báo của Ban Giám hiệu nhà trường cho học sinh nghỉ học từ ngày 11/1, tôi đã thông báo qua nhóm Zalo của lớp để phụ huynh nắm bắt và chủ động quản lý các con khi ở nhà. Đồng thời, giao bài tập qua gmail của lớp để các em làm thêm, củng cố kiến thức, tránh trường hợp nghỉ lâu sao nhãng việc học, quên kiến thức. Nhắc nhở phụ huynh bảo vệ sức khỏe cho các con”.

Tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, những ngày giá rét, nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người phải nhập viện, chủ yếu là người già và trẻ em mắc các bệnh: viêm phổi, sốt, ho. Do đó, Bệnh viện chỉ đạo các khoa, phòng đảm bảo phòng các điều kiện chống rét cho người bệnh; nơi chờ khám, phòng khám, buồng điều trị đảm bảo kín gió. Cung cấp đầy đủ chăn ga, đệm, bổ sung thêm quạt điện sưởi, hệ thống bình nóng lạnh. Chú trọng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân; tuyên truyền gia đình và người bệnh hạn chế ra khỏi phòng khi trời lạnh. Ngoài ra, Bệnh viện cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ quần áo, chăn ấm cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Thanh Thủy – Trưởng Khoa Nội tổng hợp cho biết: “Để bảo đảm sức khỏe, phòng tránh bệnh mùa đông, các gia đình cần thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình thời tiết có biện pháp ứng phó với giá rét. Chúng tôi khuyến cáo trẻ nhỏ nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; người cao tuổi giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột, đặc biệt giữ ấm ngực và chân. Lưu ý người dân không nên tập thể dục vào sáng sớm hoặc tối ở ngoài trời, khi có biểu hiện tăng huyết áp, ho, sốt, khó thở phải đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý”.

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố, cán bộ nông nghiệp xã San Thàng kiếm tra, hướng dẫn hộ chăn nuôi bản San Thàng 2 phòng, chống đói, rét cho gia súc.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, cán bộ nông nghiệp xã San Thàng kiểm tra, hướng dẫn hộ chăn nuôi bản San Thàng 2 phòng chống đói, rét cho gia súc.

Lai Châu là tỉnh còn nhiều khó khăn, bà con các dân tộc địa phương chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và con trâu, cây lúa là tài sản chính của họ. Những ngày này, người dân triển khai nhiều biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Tâm sự với chúng tôi, anh Sùng A Khoa A ở bản Sử Thàng (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) cho biết: “Gia đình tôi có 3 con trâu, nắm được thông tin có rét đậm, rét hại, tôi gia cố lại chuồng, quây bạt, đốt lửa sưởi và lấy thêm rơm, cắt cỏ voi cho ăn. Ngoài ra, tôi còn bổ sung thức ăn tinh bột như: cám ngô, cho uống nước muối loãng để tăng cường sức đề kháng cho đàn trâu”.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết rét đậm, rét hại, nhất là ở vùng núi cao xảy ra băng tuyết, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt người dân cũng như ngành Nông nghiệp, tỉnh đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống rét tại các huyện. Đồng thời, cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã đến từng bản và hộ dân đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ bà con. Mặc dù UBND huyện, chính quyền xã vào cuộc tuyên truyền, vận động và Nhân dân tích cực thực hiện phòng, chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi, tuy nhiên nền nhiệt xuống thấp, rét đậm, rét hại đã làm 76 con gia súc bị chết trong ngày 12/1 (trong đó: 17 con trâu, 53 con nghé, 3 con bò, 3 con bê). Lũy kế thiệt hại: 101 con gia súc bị chết, thuộc địa bàn 24 xã của 4 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn và Tân Uyên.

Ông Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Huyện Phong Thổ có tổng đàn đại gia súc 40.330 con. Tuy cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền nhưng còn một số hộ chưa chủ động che chắn chuồng trại, chưa đưa gia súc ở trên núi về chăm sóc. Huyện đã chỉ đạo địa phương cử cán bộ xuống từng hộ nhắc nhở, hướng dẫn bà con biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Thực hiện phòng, chống rét cho mạ để gieo cấy vụ đông xuân, không để bà con gieo cấy trong thời điểm giá rét như hiện nay. Tăng cường tổ chức cảnh báo, thông tin, tuyên truyền cho người dân về diễn biến của thời tiết và các biện pháp phòng, chống rét trên hệ thống loa truyền thanh xã. Khuyến cáo bà con chú trọng giữ ấm rẻ em và người cao tuổi”.

Cùng với "căng sức" bảo vệ cho đàn vật nuôi, hiện nay cũng là thời điểm nông dân trên địa bàn tỉnh đang tiến hành làm đất, gieo sạ chuẩn bị cấy vụ đông xuân. Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 6.775ha, đến nay bà con làm đất được 5.667ha, diện tích gieo mạ quy ra cấy 3.857ha, diện tích thực hiện 577ha. Tại một số địa phương, trên các cánh đồng, cán bộ cơ quan khối Nông nghiệp của huyện, xã cùng xuống đồng hướng dẫn bà con cách chăm sóc, biện pháp chống rét và kiểm tra diện tích đã gieo. Các huyện chủ động chuẩn bị giống lúa dự phòng vì trong thời gian tới thời tiết giá lạnh những diện tích mạ đã gieo có khả năng bị chết, cần gieo mạ bổ sung đảm bảo cấy hết diện tích kế hoạch đã giao.

Những ngày tới, thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại có thể kéo dài, vì vậy ngoài sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nhân dân cần nâng cao hơn ý thức phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe bản thân, gia đình.

Hương Ly - Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...