Thứ bảy, 04/05/2024, 12:34 [GMT+7]

Lai Châu thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Thứ ba, 05/01/2016 - 09:05'
(BLC) – Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, những năm qua nhờ triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế- xã hội, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm từ 5 -7%/năm. Bên cạnh đó, trình độ dân trí được nâng lên, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, bền chặt… 

Sinh ra trong gia đình nghèo em nên chị Phê Thị Dơ, dân tộc Mông, ở bản Lùng Thàng, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu chỉ học đến biết đọc, biết viết rồi ở nhà lấy chồng và được bố mẹ chia cho ít đất sản xuất. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn, thường bị thiếu đói vào những tháng giáp hạt. Từ năm 2013 đến nay, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chị Dơ đã được hỗ trợ làm nhà ở, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đến nay, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định, thoát khỏi diện đói nghèo, có điều kiện cho con đến trường. Không chỉ gia đình chị Dơ mà còn hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khác trong tỉnh có được cuộc sống ổn định nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đã có bước phát triển quan trọng. Các chương trình, chính sách lớn như: Chương trình 135, Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình hỗ trợ di dân, định canh định cư cho đồng bào DTTS, các chính sách hỗ trợ tín dụng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội... đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường học, trạm xá, chợ, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt… cũng được đầu tư xây dựng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi được giữ vững.

Với sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng thảo quả của Trạm Khuyến nông huyện, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường đã trở thành hộ khá của bản từ trồng thảo quả.

Để có được kết quả đó, tỉnh Lai Châu đã tập trung cả cơ chế, nguồn lực để thực hiện. Hệ thống cơ quan dân tộc trên địa bàn đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chủ động trong việc nắm bắt tình hình về đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giải quyết đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mảng, La Hủ, Cống. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung huy động, lồng ghép thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các nguồn lực để chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Góp phần nâng cao chất lượng, tính bền vững từ các công trình, dự án được triển khai, qua đó, giúp đồng bào được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách toàn diện, hiệu quả.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc luôn bám sát địa bàn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo địa phương điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc. Thường xuyên rà soát, kiến nghị với cấp có thấm quyền cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của các dân tộc tại địa phương; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, những người tiêu biểu trong đồng bào các DTTS nhân các ngày lễ, tết, ốm đau...

Theo đó, trong năm 2015, từ Chương trình 135 Lai Châu được phân bổ 118.869 triệu đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: đường, điện, trường, trạm… Trong đó, nguồn đầu tư hỗ trợ cho phát triển sản xuất: 25.750 triệu đồng thông qua việc triển khai các dự án, mô hình trình diễn cây, con giống mới đã thúc đẩy phát triển sản xuất đã tạo chuyển biến trong tư duy làm kinh tế cho đồng bào. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS của tỉnh đã chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5% - 7%/năm.

Bên cạnh đó, Dự án sắp xếp, ổn định dân cư 2 xã Tà tổng, Mù Cả với tổng kinh phí giao năm 2015 là: 68.000 triệu đồng đã có 19.929 hộ DTTS  được thụ hưởng chính sách. Tính đến 31/10/2015 đã hỗ trợ (bằng tiền mặt) cho người dân được thụ hưởng chính sách tổng kinh phí: 7.027 triệu đồng, đạt gần 70% kế hoạch. Kinh phí còn lại các huyện đang chuẩn bị thủ tục, hồ sơ để thực hiện cấp phát đến người dân. Góp phần tạo nên diện mạo mới cho các bản làng nghèo khó. Thông qua chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 953 hộ được cấp nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất860 hộ được hỗ trợ bồn đựng nước sinh hoạt phân tán. Các hộ được hỗ trợ bồn đựng nước đã giải quyết được những khó khăn cấp thiết khi thiếu nước sinh hoạt.

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc không thể không nhắc đến chính sách cho vay vốn đối với đồng bào DTTS theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg. Trong năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay từ nguồn vốn thu hồi của Quyết định số 32/QĐ-TTg với tổng số tiền cho vay lên tới 8.844 triệu đồng với 1.147 hộ được vay vốn giúp các hộ nghèo có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Cũng trong năm 2015, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức cho 20 đại biểu người có uy tín của các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Bình; triển khai tặng quà Tết dân tộc, tết Nguyên Đán với tổng kinh phí: 176 triệu đồng. Tổ chức thăm hỏi ốm đau, thiên tai hộ đồng bào DTTS tổng kinh phí 34 triệu đồng… góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và với tỉnh.

Có thể khẳng định thông qua việc lồng ghép các chương trình: 135,  134, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh… được triển khai đồng bộ, đã tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ bà con về kiến thức,  khoa học kỹ thuật, công tác khuyến nông; từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, sản xuất manh mún lạc hậu lâu nay của bà con. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các loại giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng tăng thu nhập.

Nhìn lại những kết quả đạt được không thể phủ nhận hiệu quả mà các chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh mang lại đã tác động tích cực làm chuyển biến kinh tế - xã hội vùng cao. Đó cũng chính là động lực quan trọng giúp bộ mặt nông thôn vùng cao có nhiều thay đổi, khởi sắc; góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thanh Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...