Chủ nhật, 05/05/2024, 15:35 [GMT+7]

Nỗi lo tai nạn thương tích ở trẻ em

Thứ năm, 11/07/2013 - 23:17'
(BLC) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, rất nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), nguyên nhân chủ yếu là sự lơ là, mất cảnh giác của người lớn, của các bậc phụ huynh đã khiến con, cháu mình bị đau đớn về thể xác, có khi mất cả tính mạng.

Điển hình như ngày 25/1/2013 cháu Mùa A Lù (5 tuổi) ở bản Nậm Đắc, xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn cùng bố mẹ đi làm nương vì mải làm nên cha mẹ cháu Lù đã không để ý đến con mình. Trong lúc vui chơi với các bạn, vô tình cháu Lù ăn phải lá ngón dẫn đến tử vong. Trường hợp của cháu Vừ Thị Hàng (2 tuổi) ở bản Thành Chử, xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ), trong lúc được mẹ đưa đi tắm, do không để ý đến con nên cháu Hàng đã sẩy chân ngã xuống suối và tử vong vào ngày 19/4.

Nhiều trẻ em vẫn tự ra suối tắm nên nguy cơ TNTT là rất cao.

Mới đây vào ngày 19/5/2013, ở bản Nậm Kinh, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) cũng xảy ra 1 vụ chết đuối thương tâm, nạn nhân là cháu Tẩn Văn Vinh (3 tuổi). Do thời tiết nắng nóng, Vinh theo mấy anh chị đi tắm suối. Vì không có người lớn trông coi nên Vinh đã tử vong do đuối nước. 3 vụ TNTT trên là do thiếu sự quản lý của cha mẹ và sự hiếu động của trẻ em. Mùa hè là thời điểm các em được nghỉ học, được tự do vui chơi, đùa nghịch; từ đó dẫn tới những trò nghịch dại và tai nạn thương tâm.

Bên cạnh đó, môi trường xung quanh còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ, đặc biệt với trẻ ở vùng sâu, vùng xa thường rủ nhau đi tắm sông, suối... Ngoài ra, nhiều gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đặc biệt là việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. … đã dẫn đến những hậu quả thương tâm.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Y tế thì từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 3.763 trẻ em (0- 14 tuổi) bị TNTT, trong đó có 29 trẻ em tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do bị ngã, bị đuối nước, ngộ độc…

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động Thương binh và xã hội cho biết: “Năm nào sở Lao động Thương binh và xã hội cũng chỉ đạo cácPhòng Lao động, Thương binh và xã hội ở huyện, thị xã tuyên truyền đến các xã phường, thôn bản, nâng cao nhận thức về TNTT cho trẻ em. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cấp phát tờ rơi cũng như đĩa tuyên truyền và tập huấn cho cán bộ huyện, xã, bản để nâng cao nhận thức cũng như phòng ngừa, nhưng để đạt được hiệu quả thì cái chính vẫn là ý thức của gia đình các cháu”.

Cũng theo ông Hải thì để phòng, tránh TNTT cho trẻ em thì việc quan tâm đến trẻ phải được ưu tiên hàng đầu ở ngay trong mỗi gia đình và cộng đồng. Các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho con bữa ăn, giấc ngủ, hay việc học hành mà mọi sinh hoạt của con trẻ phải được kiểm soát chặt chẽ; phải sắp xếp đồ đạc trong nhà một cách khoa học, gọn gàng, đề phòng điện giật, bỏng, ngã... và cho con vui chơi lành mạnh, có sự kiểm soát của người lớn.

Công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em đã được quan tâm nhưng số trẻ bị tai nạn thương tích ở tỉnh ta vẫn gia tăng do sự bất cẩn, thiếu thời gian chăm sóc con cái của người lớn. Mặt khác do thiếu điểm vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ cùng với hệ thống đường sá, cầu cống của tỉnh ta vẫn chưa được hoàn thiện, hệ thống sông, suối nhiều nên TNTT luôn rình rập các em, đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.

Gia đình và xã hội cần tạo lập cho trẻ một môi trường an toàn để không còn những nỗi đau do TNTT gây ra.

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...