Thứ bảy, 27/04/2024, 14:16 [GMT+7]

Nhận thức của người dân đang đổi thay

Thứ năm, 28/03/2024 - 11:28'
Huyện Mường Tè đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó thúc đẩy bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từng là một hộ nghèo tại Bản Bum (xã Bum Nưa, huyện Mường Tè), gia đình ông Đao Văn Chức nay đã có cuộc sống khấm khá hơn so với trước rất nhiều. Ông Chức chia sẻ: “Trước đây, người dân ở đây thường chăn nuôi theo thói quen thả rông, manh mún chỉ nuôi 1-2 con để phục vụ sức kéo. Vì vậy, hiệu quả mang lại rất thấp, đời sống bấp bênh”.
Sau khi được cán bộ xã, huyện đến tuyên truyền về cách làm giàu ở nhiều địa phương khác cũng như cách chăm sóc đàn vật nuôi, ông Chức cũng như người dân trong bản nhận thấy việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhốt chuồng có nhiều ưu điểm hơn nên đã quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Hiện, gia đình ông Chức duy trì chăm sóc trên 10 con bò (mỗi năm bán từ 3 - 4 con với giá trên 20 triệu đồng/con, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm); 100 con gia cầm; 300m2 ao nuôi cá, tôm... Cùng với chăn nuôi, gia đình ông thực hiện chuyển đổi diện tích đất đồi trước đây trồng ngô, sắn mang lại hiệu quả thấp sang trồng quế, với tổng diện tích gần 1ha, nay đã được tỉa cành lá, mỗi vụ thu về 10-15 triệu đồng. Từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình ông Chức thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

 Đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả công tác xuất khẩu lao động mở hướng phát triển kinh tế cho người dân bản Tà Tổng, xã Mường Tè.

Mường Tè là huyện vùng cao biên giới, gồm 14 xã, thị trấn, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; đặc biệt, đời sống kinh tế, văn hóa cũng như trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế. Đến nay, toàn huyện có 5.078 hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều (chiếm 44,24%), 1.454 hộ cận nghèo (chiếm 12,67%). Nguyên nhân chủ yếu do thiếu đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; lao động ít, công cụ, phương tiện chưa tiến bộ, thiếu kiến thức về sản xuất. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, phương tiện tiếp cận thông tin...
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp, mục tiêu, chính sách về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, UBND các xã, thị trấn, phòng, ban, đoàn thể huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền công tác giảm nghèo đến đông đảo nhân dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, họp bản, các phương tiện thông tin đại chúng, Trang Thông tin điện tử huyện; hệ thống thông tin cơ sở, tờ rơi, tài liệu. Biểu dương, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng.
Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, phê phán tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không muốn thoát nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các cơ quan chuyên môn huyện thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền, cổ động cho đội ngũ cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông; trang bị phương tiện tác nghiệp tuyên truyền, cổ động.
Hàng năm, huyện tổ chức các hội nghị truyền thông, đối thoại cho người dân và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo; tuyên truyền để người dân nắm bắt mục tiêu, đối tượng, kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định. Nhờ đó, đến nay người dân được sử dụng internet; tiếp cận các thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã, khu phố, bản. Các cơ quan báo chí truyền thông trung ương, tỉnh, huyện tiếp sóng, xây dựng phóng sự, viết các tin, bài phản ánh về công tác giảm nghèo; nêu gương người tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã giúp người dân trên địa bàn huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm hơn 57%, đến nay giảm còn 44%. Hiện, huyện tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về giảm nghèo. Từ đó, giúp người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ngày càng chủ động trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ, giải pháp để thoát nghèo bền vững”.

P.G

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...