Chủ nhật, 28/04/2024, 06:45 [GMT+7]

Những phận “lá vàng” thôi kiếp du cư

Thứ ba, 09/06/2015 - 11:07'
(BLC) - Tập quán du canh, du cư khiến người đời gắn cho dân tộc La Hủ “đặc danh”: dân tộc Lá Vàng. Cuộc sống, làng bản của họ gắn với sự di dời của từng mùa nương, rẫy, qua từng trảng đồi, sườn núi. Đến nơi ở mới, khi những phiến lá lợp trên căn nhà “mới” của họ ngả vàng cũng là lúc cuộc du cư bắt đầu. Thật may, những phận lá vàng tôi gặp đã sớm thôi kiếp du cư.

Cuộc đua theo sắc lá

Chưa thấy ai giải thích thỏa đáng cái tên Lá Vàng khi gắn cho người La Hủ. Có người cho rằng khi du canh theo những trảng nương mới, người La Hủ dựng một căn nhà (túp lều) mới và mái nhà lợp bằng lá cây rừng. Khi lá trên mái vàng cũng là lúc đồng bào chuyển chỗ ở. Lại có người cho rằng, cuộc sống, làng bản của người La Hủ tính theo những mùa cây trút lá. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch (thường là một năm), thời điểm cây rừng trút lá trước mùa đông là bà con rút lều, bỏ nương chuyển đến miền đất mới… Dù giải thích thế nào thì cuôc sống du canh, du cư của đồng bào cũng chỉ có chung một hoàn cảnh ấy là đói, nghèo, lạc hậu và thậm chí là tụt hậu.

Cách đây vừa chẵn thập niên, trước khi bản Nậm Pặm (xã Mường Tè - Mường Tè) được thành lập, đồng bào La Hủ ở đây (bản Nậm Pặm - xã Mường Tè ngày nay) sống tản mát, di dịch cư liên miên ở khắp khu vực đầu nguồn suối Nậm Pặm, thác Táng Thủm (thuộc địa phận xã Mường Tè bây giờ). Ngày ấy, khi cán bộ “tìm” được đồng bào bên những trảng nương đã qua mùa thu hoạch, những chiếc lều đã rục rịch chuyển đi. Trong sự đói nghèo xác xơ ấy, hình ảnh về sự tàn tạ của một nền kinh tế sống nương cậy hoàn toàn vào thiên nhiên và đặc biệt là những ánh mắt trẻ thơ đói khát đã khiến nhiều người không thể cầm lòng. Chúng đói khát cả về vật chất lẫn tinh thần. Người La Hủ ở Nậm Pặm thời điểm đó chắc cũng chỉ có ước mơ duy nhất về bát cơm đầy và cái bụng no.

Cũng chẳng có gì là khó hiểu khi bà con đói, nghèo, khốn khó như vậy. Cuộc sống gần như biệt lập với thế giới văn minh lại liên tục du canh du cư nay đây mai đó thì thật khó để tạo được một nền tảng kinh tế bền vững. Sống biệt lập cũng có nghĩa là sợi dây liên lạc với khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, định hướng canh tác mới gần như rất mong manh đến. Gần 40 hộ dân ngày ấy chỉ biết chọc lỗ, tra hạt bằng những giống ngô, giống lúa đã được truyền từ đời này sang đời khác, cha ông họ cứ trồng rồi bỏ ống cất đi làm giống vụ tiếp theo nên cây ngô cứ tong teo cả dáng lẫn bắp, cây lúa cũng lẳng khẳng cả ré lẫn thân.

Trẻ em ở Nậm Pặm giờ đã được đến trường học chữ, nâng cao nhận thức.

Nhìn những trảng lúa, nương ngô đó có thể hình dung ra bộ mặt kinh tế “yếu ớt” của đồng bào. Chưa hết, cái đói, cái nghèo vẫn cứ bủa vây bà con khi họ canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà bấy nay họ bấu víu. Nhưng thiên nhiên có phải lúc nào cũng phóng khoáng để cho đồng bào những vụ bội thu.

Từ lúc khai sinh đến khi về với đất như chiếc lá vàng, đồng bào nơi ấy chỉ biết đến một đấng siêu nhiên vô hình nào đó ban tạo, nhào nặn nên những bệnh tật, ốm đau. Y học hiện đại với thuốc kháng sinh là thứ gì đó mơ hồ đến xa xỉ. Lúc đó, khi “tìm” thấy đồng bào, chúng tôi còn nhớ nhiều người rất sợ ma bởi ma không chỉ vô hình mà còn hiện hữu trong những đận ốm thập tử nhất sinh. Thậm chí là cướp đi sinh mạng của rất nhiều người khi “ma rừng nhập” khiến cái rét cứ từ bụng rét ra; đống lửa, chăn sui chẳng thể làm ấm thêm. Chẳng ai đếm được đã có bao nhiêu người bị “ma rừng” bắt đi!

Trẻ con hồi ấy, bài học duy nhất hàng ngày là kiếm cho được miếng ăn. Từ khi sinh ra chúng chỉ được cha mẹ truyền cho ngôn ngữ, còn chữ viết hoặc chữ quốc ngữ là điều rất mơ hồ. Không có chữ, đến cả tấm giấy khai sinh bà con cũng không có. Thứ họ rủng rỉnh nhất, thừa thãi nhất ấy là đói nghèo, bệnh tật. Một đời người khi ấy như thể chỉ “tuần hoàn” quanh vụ tra hạt và chạy đua theo sắc lá cho đến khi nó chuyển vàng để rồi sang nơi mới…

“Thả neo cuộc đời”

Có lẽ cuộc sống của gần 40 nóc nhà ở Nậm Pặm sẽ mãi quẩn quanh với sự thiếu thốn về vật chất và thiếu cả những ước mơ nếu không có một sự kiện mang tính lịch sử - lập bản. 10 năm trước, xót lòng trước cuộc sống của bà con, Đảng đã có chủ trương, Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện Mường Tè là những đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ định canh định cư cho đồng bào, xây dựng bản Nậm Pặm, xây dựng lại cả những kiếp người khốn khó, đem đến cho họ không chỉ cơm ăn áo mặc mà còn cả những ước mơ… Nhưng để thay đổi những điều được liệt vào hàng thâm căn cố đế, không phải nói là làm được ngay.

Ông Tống Văn Viện - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tè kể: Vận động bà con rất khó vì họ chưa tin rằng chưa có ai lại tốt đến mức làm nhà, làm bể nước, làm đường… cho bà con. Họ cũng lo rằng, không có kỹ năng sống định canh, không tin rằng ruộng nước thâm canh có thể thay được nương mới, du canh. Bởi thế, có hộ vận động về được bản rồi lại chuyển đi vì chưa quen. Có hộ cán bộ đến vận động thì bỏ trốn vào rừng… Cuộc dựng bản Nậm Pặm có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt.

Xác định mấu chốt vấn đề nằm ở sự tin tưởng nên việc xây dựng các hộ đầu tiên mang tính chất hạt nhân rất quan trọng nên UBND xã Mường Tè đã hạ quyết tâm phải dựng bằng được bản Nậm Pặm để đưa đồng bào về sống tập trung. Lúc ấy đã có hàng trăm ngày công của Nhân dân các bản trong xã tình nguyện giúp đồng bào La Hủ ở Nậm Pặm ổn cư bằng việc vận chuyển vật liệu xây dựng nhà cửa, xây dựng đường giao thông thậm chí là giúp đồng bào khai hoang ruộng nước.

Ông Pờ Go Xa - một trong những hộ đầu tiên quyết tâm đoạn tuyệt với cuộc sống du cư, “neo đậu” cuộc đời tại bản mới nhớ lại: Du canh du cư khổ lắm! Cả nhà phải chen chúc trong một căn lều chật chội. Cơm không đủ no; ăn bữa sáng chưa xong, phải tính chuyện kiếm ăn cho bữa chiều. Áo không đủ ấm nên quanh năm co ro bên bếp lửa. Ốm đau thì không có thuốc, trẻ con lớn lên cứ tự nhiên như cây măng trong rừng, gió đẩy đi đâu thì xuôi hướng ấy. Nhưng cái khổ nhất là không nhận ra mình khổ nên cứ ở trong cái vòng thôi miên ấy mãi không ra được.

Về bản mới có nhà, có đường, nước được đưa về tận đầu bản không phải ra suối lấy. Được Nhà nước cho giống lúa, ngô lại được Đảng cử cán bộ đến tận nơi dạy chúng tôi làm ăn sao cho khấm khá. No cái bụng là quý lắm rồi nhưng quý hơn là bọn trẻ được học hành, biết khát khao và ước mơ. Người La Hủ ở Nậm Pặm này đã có tương lai rồi! Như dòng nước biết xuôi về chỗ trũng, những hộ dân còn lưu lạc trong rừng dần dần rồi cũng tìm về với bản, dưới sự chở che của Đảng, chính quyền và cộng đồng để lập nên bản Nậm Pặm trù phú bây giờ…

Đến nay, sau 10 năm ổn cư, quá khứ đói nghèo, lạc hậu đã dần đi vào cổ tích. Nhờ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và sự tự lực vươn lên mà bản Nậm Pặm đã có đến trên 5ha đất nông nghiệp để trồng ngô, lúa nương, lúa nước. Bà con cũng biết chăn nuôi để lấy sức kéo và cải thiện đời sống. Đáng mừng hơn, việc chăn dắt đã thay cho chăn thả, đồng bào đã có đến 2ha cỏ voi cho đàn gia súc. “Có địa chỉ” cụ thể, các dự án, chương trình của Nhà nước đã đến được với đồng bào qua con đường, kênh mương, đường ống nước và đặc biệt là nhà lớp học cho học sinh. Tiếng trẻ ê a đánh vần của ngày hôm nay cách đây 10 năm là điều xa lắc. Nhận ơn của Đảng, hiểu về sứ mạng vinh quang của Đảng, những công dân của Nậm Pặm đã phấn đấu thay đổi mình để đến hôm nay, từ chỗ trắng đảng viên Nậm Pặm đã thành lập được chi bộ. Có Đảng dẫn đường, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá hơn.

Ông Thàng Hừ Đô - Trưởng bản Nậm Pặm trầm ngâm, đúc rút: “Nếu không có ổn cư có lẽ chính tôi cũng không thể hình dung đến cuộc sống ngày nay của bản”. Và như thế, Nậm Pặm mãi chỉ là tên một con suối lạnh lẽo chứ không thể mang trong mình huyền tích về một bản làng đang từng ngày khởi sắc như hôm nay.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...