Chủ nhật, 28/04/2024, 16:28 [GMT+7]

Nhiều giải pháp phòng, chống gió lốc, mưa đá

Thứ hai, 15/05/2023 - 22:49'
(BLC) - Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa giông, gió lốc có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, hiện nay, huyện Tam Đường triển khai nhiều giải pháp phòng, chống gió lốc, mưa đá, sạt lở đất. Bà con chủ động chằng chống, gia cố nhà ở an toàn trước mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thời tiết cực đoan, đặc biệt là gió lốc, mưa đá trên địa bàn huyện Tam Đường, chúng tôi xác định điểm, vùng thường xuyên xảy ra gió lốc, mưa đá tại xã Bản Bo, Sơn Bình và dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn người dân chằng chống nhà ở hạn chế đến mức thấp nhất gió lốc, mưa đá, ảnh hưởng tới tài sản gia đình; chỉ đạo các địa phương đánh giá, rút kinh nghiệm phòng, chống bão lũ năm 2022, đề ra phương hướng năm 2023…”.  

Năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt mưa dông, gió lốc gây thiệt hại lớn về nhà ở và hoa màu của Nhân dân với tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Theo dự báo thời tiết năm nay, khí hậu trên địa bàn huyện tiếp tục có những diễn biến bất thường, nhất là thời điểm từ tháng 4 đến nay, đã xuất hiện những cơn mưa dông, gió lốc, sấm sét.

Cán bộ xã Sơn Bình tuyên truyền cho Nhân dân phòng, chống thiên tai.

Cán bộ xã Sơn Bình tuyên truyền cho Nhân dân phòng, chống thiên tai.

Phòng NN&PTNT huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng, chống nhà ở, gia cố chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Để bảo đảm tính mạng và tài sản của Nhân dân, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện bố trí sắp xếp cho các hộ có nguy cơ mất an toàn được di dời sớm trước mùa mưa. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo người dân gia cố, nhà cửa, chủ động bố trí người và phương tiện để ứng cứu kịp thời khi thiên tai gây ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thấy được sự tàn phá qua các trận mưa dông, gió lốc, mưa đá của các năm trước, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện quan tâm, chú trọng việc kiểm tra lại nhà cửa, chằng chống để bảo vệ tài sản và tính mạng gia đình.

Cùng cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường, chúng tôi đến kiểm tra công tác phòng, chống mưa đá, gió lốc tại một số hộ dân trên địa bàn huyện. Quan sát, chúng tôi thấy người dân đã ý thức được tác hại của thiên tai trong mùa mưa bão nên chủ động chặt tre, gỗ mua đinh về gia cố mái nhà chắc chắn. Nhiều hộ dùng dây thép buộc chằng với những bao cát để chống tốc mái. 

Nhớ lại năm 2020, gia đình anh Hù A Trưởng ở bản Tân Hợp (xã Sơn Bình) bị thiệt hại nặng nề do gió lốc gây ra. Sau 30 phút gió lốc thổi bay toàn bộ 80 tấm lợp Prôximăng mái nhà, bếp, chuồng nuôi trâu của gia đình vỡ nát, thiệt hại trên 30 triệu đồng. Nhận thấy thời tiết cực đoan, khó lường, những năm gần đây, anh chủ động mua đinh, dây thép, tre để buộc mái nhà, chuồng nuôi gia súc chắc chắn để bảo vệ tài sản cho gia đình.

Anh Trưởng cho biết: “Trước mỗi mùa mưa gió, gia đình tôi chủ động phòng, chống bão lũ, không chủ quan, lơ là. Tôi mua tấm lợp quây xung quanh chuồng nuôi gia súc, tránh gió lùa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản. Mỗi khi mưa dông, gia đình tôi yên tâm không lo tốc mái, đổ nhà”.

Đối với anh Vàng A Tỉnh ở bản Huổi Ke (xã Sơn Bình), thời gian gần đây được cán bộ huyện, xã nhắc nhở, hướng dẫn gia đình cách phòng, chống mưa dông, gió lốc, bảo vệ tài sản gia đình, như: sử dụng tre, gỗ, làm kèo gia cố mái nhà, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm chắc chắn. Gia đình anh mua dây thép, nhờ người buộc nhà ở khá bảo đảm. Anh mong mùa mưa năm nay không gây thiệt hại tài sản của gia đình và bà con, góp phần ổn định chất lượng cuộc sống.

Theo người dân xã Giang Ma (huyện Tam Đường) thì trước đây, bà con phải chịu ảnh hưởng của mưa đá, gió giật mạnh, gây thiệt hại tài sản của Nhân dân. Để chủ động phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu năm, xã chỉ đạo bà con chủ động phòng, chống bão lũ. Đồng thời, khơi thông, nạo vét hệ thống kênh mương, cống thoát nước; gia cố, sửa chữa hệ thống cột điện, chằng chống lại hệ thống mái nhà để tránh gió lốc. 

Với sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng ý thức của người dân hy vọng mùa mưa bão năm nay Tam Đường sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương khởi sắc.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...