Chủ nhật, 05/05/2024, 17:09 [GMT+7]

Phòng ngừa là loại thuốc tốt nhất, rẻ nhất

Thứ ba, 17/04/2012 - 16:33'
(BLC) - Tính đến thời điểm này, các tỉnh lân cận tỉnh ta như: Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái đều đã xuất hiện dịch lợn tai xanh. Tuy chưa xuất hiện dịch nhưng có thể nói tỉnh ta đang bị bao vây bởi dịch lợn tai xanh và nguy cơ thiệt hại đang đến rất gần người chăn nuôi.

Nguy cơ rất cao!

Theo nhận định từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn lợn của tỉnh ta rất khó tự xuất hiện mầm bệnh và dịch lợn tai xanh. Dịch bệnh chỉ có thể lây lan cho đàn lợn tỉnh ta qua di chuyển cơ học, mang mầm bệnh từ vùng dịch vào. Dịch bệnh tại các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái hay Điện Biên cũng có phương thức lây lan tương tự.

Cán bộ thú y xã San Thàng (thị xã Lai Châu) phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn lợn gia đình ông Nguyễn Văn Tựa (bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng).

Hiện nay, đàn lợn của tỉnh nhà vẫn an toàn nhưng trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh từ các tỉnh lân cận thì sự an toàn quả là mong manh. Khi đã xuất hiện bệnh, lây lan thành dịch thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Bởi, theo thống kê của ngành Thú y thì đa số lợn bị nhiễm bệnh đều chết, đặc biệt là lợn đang vỗ béo, lợn con, lợn cai sữa và lợn nái. Không chỉ vậy, sự nguy hiểm của dịch bệnh không phải sau khi lợn chết là hết mà phải tiêu độc khử trùng tích cực nhiều năm sau cũng khó hết hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Khi đó không phải một con lợn, một đàn lợn bị chết mà có thể cả xã, cả huyện cùng bị thiệt hại bởi loại virút này có thể lây lan qua không khí (có thể xa đến 3km theo hướng gió), theo nguồn nước, bám vào quần áo của người, trên động vật mang bệnh từ vùng có dịch vào… Các hoạt động chốt, chặn, kiểm dịch động vật dù có cố gắng cũng không thể đảm bảo tất cả lợn nhập vào tỉnh ta an toàn với mầm bệnh.

Tỉnh ta và những người nông dân tỉnh ta đều đã có những bài học đắt giá về các loại dịch bệnh “ngoại lai” này. Đầu tiên phải kể đến là dịch dại. Hàng chục năm ở Lai Châu chưa bao giờ xuất hiện bệnh dại chứ chưa nói đến dịch. Tuy nhiên trong những năm qua dịch dại đã xuất hiện ở hầu khắp các huyện thị của tỉnh, dù đã bước đầu được khống chế nhưng dịch dại đã gây thiệt hại đáng kể về người và của.

Thiệt hại lớn không kém phải kể đến dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc. Chỉ tính riêng năm 2009 đã có hơn 7 nghìn con gia súc mắc bệnh, bị ốm. Tuy dịch bệnh này không hoàn toàn từ địa phương khác lây lan vào tỉnh ta nhưng quá trình di chuyển cơ học đã vô tình phát tán mầm bệnh trên toàn tỉnh. Các huyện: Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, thậm chí là cả huyện Mường Tè cũng đều đã xuất hiện dịch. Mặc dù chưa phải tiêu hủy con gia súc nào vì dịch nhưng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp từ dịch là không nhỏ.

Ông Hà Văn Um – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: Quá trình vận chuyển đã “tiếp tay” cho mầm bệnh lây lan mạnh trong tỉnh ta. Đây là bài học vẫn mang tính thời sự trong việc đối phó với dịch lợn tai xanh.

“Vắc-xin ba-ri-e”

Theo nghiên cứu của ngành Thú y, các loại vắc-xin ngăn ngừa dịch lợn tai xanh đang sử dụng hiện nay không thực sự hiệu quả với chủng virút đang gây hại ở nước ta bởi loại vắc-xin này được nghiên cứu, sản xuất dựa trên các mẫu virút lợn tai xanh Châu Âu còn loại virút đang hoành hành thì có xuất xứ ở Châu Á. Như vậy, có thể khẳng định rằng đến thời điểm này không có vắc-xin hữu hiệu để ngăn ngừa dịch lợn tai xanh. Tuy nhiên tỉnh ta vẫn có thể bảo vệ cho đàn lợn bằng một lợi vắc-xin không mới, rất rẻ đó là “vắc-xin ba-ri-e kiểm dịch động vật”.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngoài các biện pháp chỉ đạo hành chính đối với các huyện và các đơn vị trực thuộc cũng như tham mưu cho UBND tỉnh những biện pháp chỉ đạo, hiện nay tất cả các chốt kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ Lai Hà, Mường Kim, ngã ba Sơn Bình đều đã hạ ba-ri-e chốt chặn kiểm dịch 24/24 giờ. Ngoài ra chốt kiểm dịch cửa khẩu Ma Lù Thàng cũng chốt chặn nghiêm túc ngăn dịch từ nước ngoài vào tỉnh. Lực lượng của ngành Thú y cũng được duy trì nghiêm, ngoài ra tỉnh còn tăng cường các lực lượng của các ngành công an, y tế, quản lý thị trường để đảm bảo kiểm dịch được 100% các hành vi vận chuyển lợn nói riêng và gia súc, gia cầm nói chung vào tỉnh ta.

Việc ngăn ngừa này sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc bao vây, xử lý, dập dịch nếu chẳng may tỉnh ta xuất hiện các ổ dịch lợn tai xanh.

Ông Hà Văn Um khẳng định: “Chúng tôi đã và đang kiểm soát tất cả các xe xe ôtô hay thậm chí là việc vận chuyển lẻ lợn vào tỉnh ta”.

Nhấn mạnh thêm ý này, ông Đặng Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: Thời gian này tất cả các xe chở lợn không có giấy tờ đều phải tiêu hủy, nếu không đầy đủ giấy tờ thì buộc quay lại nơi xuất phát!”.

Theo đó nếu xe chở lợn có giấy tờ nhưng mui xe không kín, không có kẹp chì thùng xe, bạt phủ không có kẹp chì niêm phong cũng phải xử lý như vậy. Trước đây các chốt kiểm dịch động vật đã kiên quyết tiêu hủy một xe chó và buộc quay về một xe ôtô lợn nhập vào tỉnh ta vì không đảm bảo an toàn và lần này chúng tôi cũng vẫn kiên quyết và cương quyết hơn như vậy.

Ông Hà Văn Um cũng khẳng định thêm: “Chúng tôi cũng đã lường trước mọi tình huống và đã đủ cả nhân lực, vật lực, phương án để bao vây, dập dịch. Tuy nhiên không ai mong muốn phải sử dụng biện pháp này!”.

Tuy việc ngăn chặn bằng biện pháp kiểm dịch được thực hiện nghiêm ngặt nhưng biện pháp này cũng còn có sơ hở đó là chỉ có thể kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của lợn nhập vào tỉnh ta trên giấy tờ hành chính. Nếu bằng hình thức nào đó người vận chuyển có được giấy tờ chứng nhận đàn lợn an toàn nhưng trên thực tế chưa được kiểm tra và đàn lợn mang bệnh thì không thể bảo vệ được đàn lợn tỉnh nhà bằng biện pháp này. Vậy nên người dân, người nuôi lợn phải là người chủ động các biện pháp phòng dịch khi loại vắcxin ba-ri-e bị vô hiệu.

Về điều này ông Đặng Xuân Hào chia sẻ: Nâng cao ý thức của người dân là điều quan trọng nhất. Đối với người chăn nuôi thì việc nuôi một đàn lợn khỏe mạnh, theo dõi sát tình hình sức khỏe của lợn là biện pháp cần thiết nhất lúc này. Còn đối với người kinh doanh, vận chuyển lợn thì việc không “tiếp tay” cho mầm bệnh xâm nhập vào tỉnh ta là điều quan trọng nhất.

Dịch lợn tai xanh còn gọi là Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp, là một bệnh truyền nhiễm và lây lan rất nhanh ở lợn. Vi rút gây bệnh cho lợn là một loại vi rút có cấu trúc ARN giống vi rút Arteri vi rút, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales (ở Việt Nam có độc lực rất cao so với bình thường). Loại vi rút này làm giảm chức năng miễn dịch của lợn khiến cho các bệnh khác phát triển.

Virút này lây lan trong không khí, bụi, bọt nước, công cụ chăn nuôi… có khả năng lây lan rất nhanh chỉ từ 3 – 5 ngày cho toàn đàn lợn.

Cách nhận biết: lợn sốt trên 40C, khó thở, có vết bầm, thâm tím trên da, tất cả các lứa tuổi lợn đều có thể nhiễm bệnh. Nếu thấy lợn có các dấu hiệu như tiêm kháng sinh nhiều ngày không giảm, lợn nái sẩy thai hoặc sốt, nằm đờ đẫn, hôn mê, lợn con, lợn cai sữa cả đàn có biểu hiện ửng đỏ toàn thân hoặc tai bị thâm, tím xanh đều phải nghi là bệnh lợn tai xanh.

Cách xử lý: Ngành Thú y có biện pháp xử lý nhưng với người chăn nuôi việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh và thực hiện ngay các biện pháp sau:

- báo cáo ngay cho cán bộ thú y, cơ quan thú y gần nhất và theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Cách ly lợn bị bệnh, chăm sóc tích cực cả đàn, vệ sinh thật tốt chuồng, trại tránh nhiễm thêm các bệnh mới

 

 

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...