Chủ nhật, 05/05/2024, 07:52 [GMT+7]

Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” ở Than Uyên

Thứ sáu, 19/06/2015 - 17:22'
(BLC) - Những năm qua, phong trào “Thanh niên lập nghiệp” được Huyện đoàn Than Uyên triển khai hiệu quả, rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở cơ sở, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Huyện đoàn Than Uyên có 4.020 ĐVTN (70% đoàn viên nông thôn) sinh hoạt ở 33 tổ chức cơ sở Đoàn. Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”, phong trào “Thanh niên lập nghiệp” trên địa bàn huyện triển khai rộng rãi, được ĐVTN nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

Mô hình chăn nuôi và trồng rừng của đoàn viên Hà Văn Xanh – bản Ngà, xã Mường Than mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Anh Lò Việt Hưng – cán bộ Huyện đoàn Than Uyên cho biết: “Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” được chúng tôi cụ thể hóa vào thực tiễn cuộc sống bằng việc tạo điều kiện giúp đỡ và hướng dẫn thanh niên lập thân, lập nghiệp với nội dung, cách làm phù hợp từng đối tượng thanh niên. Ngoài ra, Huyện đoàn thường xuyên tuyên truyền ĐVTN về công tác hướng nghiệp, học nghề, tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo”.

Ban Thường vụ Huyện đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, tổ chức đoàn các cấp từ huyện đến cơ sở tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vận động ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế: V-A-C, V-A-C-R.

Để ĐVTN nắm bắt quy trình kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, các tổ chức đoàn đã chủ động phối hợp liên kết với các ngành tổ chức hội thảo đầu bờ; tập huấn chuyển giao KHKT về các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, có 2.847 lượt ĐVTN được tập huấn các lớp dạy nghề ngắn hạn của huyện. Huyện đoàn cùng các ngành, đơn vị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho trên 400 lượt thanh niên khối các trường THPT, thanh niên khu vực nông thôn...

Anh Đàm Vũ Anh - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mường Than chia sẻ: “Công tác tuyên truyền được Đoàn xã triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Chúng tôi luôn khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tính tích cực, khả năng sáng tạo, tinh thần xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho thanh niên khẳng định mình. Đồng thời, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên nông thôn”.

Để ĐVTN có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mở các cửa hàng kinh doanh, Huyện đoàn đã và đang tín chấp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng nguồn vốn trên 30 tỷ đồng cho. Thông qua nguồn vốn vay, thanh niên tại 6/12 xã, thị trấn có điều kiện, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại các thôn, bản không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp đỡ ĐVTN khác vươn lên.

Tiêu biểu như cơ sở sản xuất kinh doanh tổng hợp vật liệu xây dựng của anh Hà Văn Phú – đoàn viên bản Phiêng Cẩm A (xã Mường Cang). Với quyết tâm vượt khó vươn lên, anh Phú trở thành thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi điển hình của huyện với tổng thu trên 200 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 7 - 8 lao động địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản và chim bồ câu của đoàn viên Cứ A Hùng – bản Tre Bó (xã Phúc Than) với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Thanh niên xã Khoen On làm thủ tục vay vốn phát triển kinh tế.

Mô hình trồng thảo quả của anh Sùng A So – bản Hua Than (xã Mường Than) có thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi và trồng rừng của anh Hà Văn Xanh – bản Ngà (xã Mường Than) thu nhập gần 100 triệu đồng... Đây là những gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Đình Của.

Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” được Huyện đoàn Than Uyên triển khai đã và đang tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức, suy nghĩ, hành động của thanh niên. Từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên, góp công sức vào phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...