Chủ nhật, 05/05/2024, 04:47 [GMT+7]

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Thứ sáu, 19/06/2015 - 14:56'
(BLC) - Tháng 6 này tròn 10 năm tôi biết và gắn bó với Lai Châu, với tòa soạn Báo Lai Châu - nơi mà trước khi vào nghề tôi chưa hề có một sự hình dung nào về nó. Những ngọn đồi, con suối hay dãy phố rời rạc những mái nhà chìm trong màn mưa... là những kỷ niệm ảm đạm của ngày đầu tiên tôi đặt chân lên Tây Bắc. Nhưng giờ đây, bức tranh ấy như đối lập hoàn toàn bởi mỗi ngày trôi qua, tôi thấy yêu thêm nghề báo và quê hương thứ 2 Lai Châu.

Khỏi phải nói ai cũng hiểu cảm giác của một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, từ giã thành phố Đà Lạt mộng mơ, phồn hoa đô hội để đến với vùng Tây Bắc cách đó vài nghìn km, tránh sao những phút chông chênh, khập khễnh. Tôi lên với Tây Bắc mang theo câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi”, bởi vậy, khi đến với Lai Châu, thấy tuyến Quốc lộ 4D duy nhất đi ngang qua thị xã Lai Châu chỉ chưa đầy 5km, tôi không lạ lẫm nhiều. Song cảm giác những ngày đầu bỡ ngỡ với nghề, với môi trường làm việc mới có lẽ không bao giờ xóa hết được trong ký ức của tôi.

Tác giả (bên trái) đang phỏng vấn người dân xã Trung Đồng (Tân Uyên).

Năm 2005, tôi được cơ quan Báo Lai Châu nhận vào công tác ở bộ phận phòng Phóng viên. 1 năm sau khi chia tách tỉnh, Báo chưa tuyển được nhân sự nên đội ngũ phóng viên chủ yếu là những người đi theo tiếng gọi của mảnh đất mới, rời Điện Biên đến với Lai Châu. Những ngày ấy trụ sở cơ quan tạm bợ, cơ sở vật chất còn đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn, song ai cũng đoàn kết, duy nhất một ý chí xây dựng Báo Lai Châu ngày càng phát triển đi lên. Hàng đêm, giữa sân tập thể cơ quan, anh em phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chúng tôi ngồi quây quần bên nhau trò chuyện công việc, hướng dẫn cho nhau cách viết tin, bài, chụp ảnh sao cho hay, cho đẹp; truyền cho nhau thêm lòng yêu nghề báo. Từ những tấm lòng chân tình ấy, tôi đã hòa nhập được với công việc, cuộc sống mới, bắt đầu hành trình bằng những chuyến đi cơ sở cùng các anh chị đồng nghiệp để làm quen địa bàn và sáng tạo tác phẩm.

Mỗi lần đi cơ sở, vào huyện xa nhất (Mường Tè) (cách trung tâm tỉnh chừng 200km) hay lên những xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, anh em phóng viên thường phải bắt xe ô tô khách vào đến trung tâm huyện rồi mượn xe máy đi cơ sở. Nhiều nơi đi cả ngày đường mới tới, có những quãng xe máy không qua được vì nước sâu, chảy xiết. Chúng tôi vừa đội máy ảnh, phương tiện tác nghiệp ngang đầu, vừa đẩy xe lao qua dòng nước xoáy. Dù không nói, nhưng trong suy nghĩ, chúng tôi đều hiểu những lúc ấy hơn hết là động viên, sát tay, kề vai đi tiếp để khi trở về có những bài báo nộp cho ban biên tập mang đầy hơi thở cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, xa, khó khăn, khu vực biên giới.

Với mỗi người làm báo, để kể ra một kỷ niệm chắc không ai có thể gom hết những cảm xúc của mình để thể hiện ra cùng lúc. Mỗi chuyến công tác, mỗi lần cầm giấy công lệnh lên đường là một kỷ niệm khó phai trong hành trình làm báo. Nhưng điều đọng lại sâu thẳm trong tim tôi nhất đó là tình người nơi vùng đất khó. Những tình cảm tôi nhận từ những cụ già, em nhỏ, đến những người đáng tuổi anh/chị, cha/mẹ mình có lẽ chỉ biết ơn thôi chứ không mong có ngày trả nợ hết. Bởi những ân tình của đồng bào nơi tôi đến khác xa so với những nơi thị thành, đèn hoa rực rỡ, tàu xe ầm ì suốt ngày đêm.

Tình cảm của người dân ở đây nồng ấm, chân chất, xuất phát từ trái tim, không toan tính, không so đo hơn thiệt. Chính bởi những điều thiêng liêng ấy, nhiều bài báo tôi viết, được đăng nhiều nơi, song mỗi lần viết câu sau cùng với tác phẩm, tôi thấy vẫn còn mắc nợ. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều trân trọng và yêu quý, muốn gắn bó lâu dài hơn với những mảnh đất, con người vùng núi này.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...