Chủ nhật, 05/05/2024, 12:51 [GMT+7]
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học

Tạo đà cho giáo dục phát triển

Thứ hai, 22/01/2024 - 10:20'
Còn nhiều khó khăn đặc thù của địa phương miền núi nhưng với sự quan tâm của tỉnh, các cấp, ngành… trong đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy - học, sự nghiệp giáo dục của Lai Châu đã có những chuyển biến rõ nét. Nổi bật là tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, chất lượng giáo dục tăng.

Chi cho giáo dục chiếm gần 25% tổng chi ngân sách địa phương
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh có 337 trường với tổng số 7.246 phòng học. Trong đó: 5.625 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 77,6%; 1.533 phòng bán kiên cố, đạt 21,2%. 100% số trường có đủ CSVC đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày. Toàn tỉnh có 190 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 57,9%. Các trường học, cơ sở giáo dục đều có phòng học tin học, ngoại ngữ được trang bị máy tính để học sinh thực hành.
Những con số đáng mừng trên là kết quả quá trình nỗ lực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong việc quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Với yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao như hiện nay, tiến độ đầu tư xây dựng CSVC, thiết bị dạy - học cơ bản đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh trong tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Bằng nhiều nguồn kinh phí, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tập trung cải tạo, sửa chữa, xây mới trường, lớp, mua sắm trang thiết bị... đảm bảo các điều kiện về CSVC cho việc dạy và học.
Theo phân cấp quản lý của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về phân cấp nguồn thu, ủy nhiệm chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; việc mua sắm thiết bị của các đơn vị trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt cho UBND các huyện, thành phố tổng số tiền đầu tư mua sắm thiết bị dạy học các cấp học năm 2023 hơn 40 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ chi ngân sách cho GD&ĐT chiếm gần 25% tổng chi ngân sách địa phương.

Đầu tháng 1/2024, Trường Tiểu học và THCS Sùng Phài (thành phố Lai Châu) được bàn giao, đưa vào sử dụng thêm 10 phòng học và 1 khu bán trú khang trang giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn.

Bên cạnh các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục như: đội ngũ giáo viên, chương trình, tài liệu học tập…, thì việc đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy - học là điều kiện quan trọng góp phần bảo đảm chất lượng dạy học của mỗi cơ sở giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý và khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả, tính năng của các thiết bị dạy học. Trong giờ thực hành, thí nghiệm, giáo viên quan tâm tổ chức lớp học khoa học, hợp lý để huy động tối đa học sinh được tham gia thực hành. Việc sử dụng các thiết bị trong dạy học giúp các em được trải nghiệm, hứng thú học tập hơn. Qua đó, phát huy tính năng động, khả năng sáng tạo, góp phần tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hằng năm và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chuyển biến rõ nét
Nhờ tăng cường đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy - học đã tạo thuận lợi để các trường thực hiện hiệu quả hơn chương trình giáo dục phổ thông mới và bước đầu có những khởi sắc. Năm 2023, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo, học sinh trong độ tuổi THCS, THPT đều tăng so với năm 2022; riêng bậc tiểu học huy động đạt tới 99,99%.
Năm học 2022-2023, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực so với năm học trước, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,89%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,97%, tăng 0,13%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh có 458 học sinh đạt giải, tăng 1,2% so với năm học trước. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tỉnh ta có 5 giải, chất lượng giải tốt hơn so với năm trước (có học sinh đoạt giải ba).
Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, việc xã hội hóa các nguồn đầu tư vào xây dựng CSVC các trường học được đẩy mạnh, thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đầu tư vào các trường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn. Riêng năm 2023, ngành GD&ĐT tỉnh huy động cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng, sửa chữa 74 phòng học, 4 phòng bán trú, 13 nhà bếp, 300 máy tính và nhiều hiện vật khác... Từ đó, tạo cảnh quan, môi trường học tập xanh - sạch - đẹp và từng bước nâng cao hơn hiệu quả giáo dục. Sau khi được đầu tư, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án để quản lý, sử dụng tài sản, thiết bị dạy học phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.
Cô giáo Trần Lệ Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sùng Phài (thành phố Lai Châu) chia sẻ: Năm học 2022 - 2023, nhà trường được quan tâm đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học và 1 khu bán trú khang trang, kiên cố. Đầu tháng 1 vừa qua, công trình đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Ngoài ra, trường còn được doanh nghiệp hảo tâm tặng nhiều cây xanh để trồng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Cũng nhờ có trường lớp đẹp, học sinh hứng thú hơn khi đi học, trường thuận lợi hơn trong duy trì tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực tế cho thấy, mặc dù các điều kiện về CSVC trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho việc dạy và học tại một số xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã được quan tâm đầu tư song chưa được nhiều. Nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú cho học sinh vẫn thiếu; thiết bị phục vụ dạy - học tối thiểu theo quy định còn hạn chế. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công đang gặp vướng mắc do Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công chỉ cho sửa chữa các công trình, không cho xây mới các hạng mục...
Đồng chí Lưu Hồng Phương nhấn mạnh: Trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục và đề ra nhiều giải pháp để tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy - học của giáo viên, học sinh. Phấn đấu đến năm 2025 đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm, thu gọn mạng lưới trường, lớp học dần tiến tới xóa bỏ các điểm trường lẻ. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.

Thảo Chi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...