Chủ nhật, 05/05/2024, 12:02 [GMT+7]

Vững tin trong sự nghiệp “trồng người”

Thứ bảy, 20/01/2024 - 11:59'
Địa hình khó khăn, giao thông cách trở, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng chung thực trạng của huyện Mường Tè và là nơi dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo đúng, trúng, sâu sát và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, ngành, địa phương trong huyện, nhìn lại chặng đường đã đi qua, ngành GD&ĐT của huyện tự tin hơn với những thành quả đạt được trong sự nghiệp “trồng người”.

Một thời khó chồng khó
Nhớ lại trước năm 2006, thời kỳ mới chia tách tỉnh, cả địa bàn rộng lớn vậy mà số giáo viên của toàn huyện Mường Tè mới chỉ hơn 1.000 người, đa số không đạt chuẩn. Kể cả một số trường thuộc thị trấn huyện, trình độ vẫn chỉ là “9 cộng”, “12 cộng”. Thiếu giáo viên trầm trọng là thực trạng đã từng diễn ra trong thời gian không ngắn và vì thiếu giáo viên nên chất lượng giáo dục không thể nâng lên. Một giáo viên phải đứng lớp ở nhiều môn hoặc đảm đương nhiều nhiệm vụ cùng lúc, ngành GD&ĐT huyện phải “căng mình” lấp đầy những khoảng trống còn lại về chất lượng giáo viên, học sinh, hệ thống trường, lớp học.
Câu chuyện ấy đã trôi qua hàng thập kỷ, vậy mà khi hồi tưởng lại những ngày đầu nhận công tác, thầy giáo Phạm Văn Hoàn (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ) vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Anh Hoàng xúc động kể: Năm 2003, khi đã hơn 30 tuổi, tôi rời quê Mỹ Đức (Hà Nội) lên nhận công tác tại huyện Mường Tè. Được phân công đến xóa điểm trắng về giáo dục tại bản U Na - bản khó khăn và xa nhất của xã Tà Tổng, cách trung tâm thị trấn Mường Tè hơn 80km, tôi phải đi bộ ròng rã hơn 2 ngày mới tới. Tại đây chưa có trường, lớp, học sinh chưa biết chữ, bà con hầu hết không có khái niệm cho con em đến trường.
Vì thế, công việc đầu tiên của thầy giáo Hoàn không phải là lên lớp dạy học mà là đi tìm người có uy tín, biết tiếng phổ thông như trưởng bản, công an viên để trao đổi về nhiệm vụ của mình, về ích lợi của việc được học tập, thuyết phục họ đồng tình, giúp đỡ tổ chức họp dân, tuyên truyền tới bà con… Khó khăn là vậy nhưng anh luôn canh cánh trong lòng lời Bác Hồ dạy: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội …” nên cố gắng khắc phục khó khăn bám lớp, bám trường. Sau gần 20 năm công tác, thầy giáo Hoàn chuyển về công tác tại xã biên giới Pa Ủ để tiếp tục sự nghiệp “trồng người” nơi vùng đất khó Mường Tè. Là chuyện riêng của thầy giáo Hoàn nhưng lại là bức tranh của cả thế hệ giáo viên huyện Mường Tè về một thời gian khó.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những nguồn lực đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất của các đơn vị trường tại xã Tà Tổng ngày một khang trang.

Còn với các thế hệ học sinh, từ bản xa về trung tâm ở nội trú, nơi ở là những dãy nhà tranh tre, khá hơn là nhà gỗ, nhà xây cấp IV. Giường ngủ là những cây luồng đập dập, trải ra. Cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm; dụng cụ học tập tự khắc phục, sáng tạo từ những vật dụng sẵn có; điện chiếu sáng luôn là mơ ước. Dưới ánh đèn dầu, những khát khao về tương lai tươi sáng của các em vẫn bùng lên như ngọn đuốc không bao giờ tắt.
Cho đến sau này, cuộc sống khá hơn nhưng giáo dục Mường Tè vẫn chưa hết khó với bài toán về duy trì sỹ số, thiếu giáo viên. Theo như thầy giáo Hà Đình Nhuận - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện, có những trường, những thời điểm thiếu đến 16 giáo viên vì nhiều thầy, cô từ miền xuôi lên công tác, việc sinh hoạt, đi lại, điều kiện nhà ở khó khăn đã xin chuyển vùng.
Khi giáo dục là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Trước những khó khăn thực tại, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên, ngày 17/8/2006, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Tè ban hành Nghị quyết số 08 về nâng cao chất lượng dạy và học vùng sâu, vùng cao, vùng xa. Nghị quyết được ban hành đã mở ra những giải pháp, phương án thu hút giáo viên lên công tác ở huyện. Cùng với đó, phương án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng được đặt ra, những giáo viên chưa đạt chuẩn được tạo điều kiện cho đi học, những lớp học sinh mới ra trường được huyện ưu tiên cử đi học tại các trường đại học, cao đẳng theo chương trình cử tuyển...
Toàn huyện chỉ có 48 đơn vị trường học với 118 phòng học kiên cố, 173 phòng học bán kiên cố còn lại là phòng học tạm. 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08, huyện đã xây mới thêm 41 trường học, kiên cố hóa thêm 386 phòng học, nâng tổng số phòng học kiên cố lên 559 phòng học. Từ đó đã có thêm những không gian lớp học có quạt mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông và không lo mưa dột.
Về giải pháp đảm bảo nguồn giáo viên phục vụ công tác giảng dạy, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hà Đình Nhuận cho biết thêm: Một mặt huyện khuyến khích giáo viên không chuyển công tác, mặt khác tiếp tục hợp đồng giáo viên ở nhiều nguồn khác nhau. Động viên các thầy, cô nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết với nghề; làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với những giáo viên có nhiều sáng kiến, nhân rộng gương điển hình tiên tiến để khích lệ, động viên. Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; bổ sung nhà công vụ. Tiếp tục xây dựng phòng ở bán trú và nhà ở bán trú để thuận lợi cho học sinh lớp 3, 4, 5 về trung tâm học tập. Sử dụng hiệu quả các nguồn nuôi dưỡng học sinh bán trú, nguồn hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ học sinh là con em dân tộc ít người, học sinh khuyết tật.
Đến nay, đối với các trường đặc biệt khó khăn, các chỉ tiêu của bậc học mầm non, các trường bậc tiểu học đã đạt 100% chỉ tiêu của ngành; bậc THCS đạt 5/6 chỉ tiêu. Khoảng cách chất lượng giáo dục vùng 1, 2, 3 được rút ngắn; chất lượng giáo dục mũi nhọn, học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh đều được nâng lên. Những kết quả đạt được là động lực lớn để ngành GD&ĐT huyện Mường Tè tiếp tục vững bước đi lên, đắp xây sự nghiệp “trồng người”.

Hà Dũng - Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...