Thứ sáu, 26/04/2024, 23:18 [GMT+7]

Ngăn chặn người dân khai thác củi

Thứ ba, 06/02/2018 - 16:52'
Đã thành thông lệ, thời điểm giáp tết Nguyên đán, nhiều người dân thành phố Lai Châu có nhu cầu sử dụng chất đốt cao. Tuy nhiên, bà con chưa khắc phục được việc tận dụng khí ga trong chăn nuôi... làm chất đốt mà vào khu rừng của các bản Gia Khâu 1, Gia Khâu 2 (xã Nậm Loỏng) và bản Can Tỷ, xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) chặt những cây gỗ tươi để khô, rồi bổ thành củi, dùng xe máy chở về nhà. Đặc biệt, một số người dân còn chặt củi bán gây bức xúc trong Nhân dân. Việc chặt cây làm củi đồng nghĩa với khu rừng trên đang trong tình trạng bị chặt phá. 

Tiêu biểu vào 17 giờ ngày 5/10/2017, Tổ Kiểm soát lâm sản (Hạt Kiểm lâm thành phố) tuần tra, phát hiện ông Lê Duy Hưng ở bản Nậm Loỏng 2 (phường Quyết Thắng) đang xếp củi tại km11, đường từ thành phố Lai Châu đi huyện Sìn Hồ (thuộc địa phận xã Nậm Loỏng). Ông Hưng thừa nhận mua 1,8m3 củi của một số người dân không biết tên để gia đình nấu rượu. Vì vậy, ông không có thủ tục, giấy tờ chứng minh nguồn gốc củi hợp pháp. Với hành vi trên, ông Hưng vi phạm mua lâm sản trái quy định của Nhà nước. Đây là hành động tiếp tay cho một số người dân chặt cây rừng làm củi khiến rừng dần bị “mai một”. Tổ tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính ông Hưng 3 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời, nhắc nhở ông không tái phạm việc mua củi làm chất đốt mà chuyển sang dùng than, khí ga và điện…

Người dân ở bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng) ký cam kết bảo vệ rừng với cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu. 

Hầu hết, người dân chặt cây rừng, lấy củi làm chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình. Đây là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền mua ga, điện thay thế củi. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm thành phố khó khăn trong việc xử phạt hành chính nên chỉ thu tang vật và nhắc nhở không tái phạm. Đối với trường hợp tái phạm, Hạt xử phạt 6 triệu đồng/người và phương tiện chở củi. Mức phạt khá cao, tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình khai thác củi làm chất đốt. Chị Hảng Thị Cua ở bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng) tâm sự: “Trước đây, không riêng gia đình tôi mà bà con trong bản đều chặt cây rừng (có đường kính từ 10 - 15cm) làm củi. Thời gian qua, cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố tăng cường kiểm tra, nhắc nhở tôi và bà con trong bản không chặt cây rừng làm củi; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: thân ngô, lạc và cây dại nhỏ (phơi khô) làm chất đốt. Tôi đã hiểu việc chặt cây rừng làm củi là vi phạm pháp luật. Giờ đây, tôi chủ động nhặt cành củi khô thay cho việc chặt cây rừng làm củi trước đây”.   

Nhắc đến việc người dân chặt cây rừng làm chất đốt, ông Nguyễn Văn Thế - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu khẳng định: “Thời điểm từ tháng 10 - 12/2017, lực lượng kiểm lâm thành phố phát hiện một số người dân vào khu rừng của 2 bản: Gia Khâu 1, Gia Khâu 2 (xã Nậm Loỏng) và bản Can Tỷ, xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) chặt cây. Để “cứu” rừng, Hạt phân công cán bộ tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử phạt nghiêm minh trường hợp khai thác, vận chuyển củi. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Hạt thu giữ hơn 6m3 củi. Đến nay, Hạt ngăn chặn dứt điểm người dân khai thác củi.

Được biết, hơn 60% hộ dân thành phố sử dụng củi làm chất đốt; trong đó 2 xã Nậm Lỏng và San Thàng có tới 98% hộ sử dụng củi làm chất đốt. Vì vậy, việc người dân của xã Nậm Loỏng vào rừng lấy những cành củi nhỏ về đun nấu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, một số người lợi dụng rừng vắng người chặt cây gỗ to, bổ làm củi. Khi lực lượng kiểm lâm thành phố phát hiện, họ đều giải thích đây là những cây gỗ chết khô trong rừng. Anh Nguyễn Tiến Chung - cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố (phụ trách công tác bảo vệ rừng xã Nậm Loỏng) cho biết: “Để giữ  rừng, tôi tăng cường tuần tra, ngăn chặn không cho người dân chặt cây rừng làm củi. Nhắc nhở bà con xã Nậm Loỏng tận dụng cây dại nhỏ ở nương, ruộng làm chất đốt; tổ chức cho chủ hộ ký cam kết không chặt, phá rừng; không khai thác củi trái phép và tích cực phòng cháy chữa cháy rừng. Đến nay, diện tích rừng của xã Nậm Loỏng tương đối ổn định”.

 Thành phố Lai Châu có 7.077,44ha đất tự nhiên, trong đó 2.587,6ha đất lâm nghiệp và 1.858,54ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 26,26%. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm thành phố phân công cán bộ phụ trách từng xã, phường. Từ đó, cán bộ Hạt phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con bảo vệ và phát triển rừng. Nhắc nhở người dân không khai thác trái phép hoa phong lan, động vật và chim rừng. Năm 2017, Hạt phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành chính 13 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tịch thu 2,035m3 lâm sản, trong đó 1,475m3 gỗ xẻ, 0,56m3 gỗ tròn và gần 8 triệu đồng lâm sản ngoài gỗ. Ngoài ra, cán bộ Hạt còn kiểm tra, theo dõi hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ của các cơ sở trên địa bàn thành phố. 

Với các giải pháp giữ rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu từng bước đẩy lùi tình trạng chặt cây rừng làm củi, khai thác trái phép gỗ, góp phần nhân thêm mầu xanh cho rừng, tạo đà cho phong trào trồng rừng ở thành phố phát triển.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...