Thứ hai, 29/04/2024, 00:53 [GMT+7]

Ngành Giao thông Vận tải và sứ mệnh 20 năm “Đi trước mở đường”

Thứ tư, 14/02/2024 - 21:42'
Cùng với việc chia tách, thành lập tỉnh, ngày 1/1/2004, UBND lâm thời tỉnh Lai Châu ra Quyết định số 01/QĐ-UBLT về việc thành lập các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu, trong đó có Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Từ những khởi đầu gian khó, mỗi bước đi trong từng giai đoạn phát triển của các lĩnh vực GTVT đều thể hiện tâm huyết, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, luôn theo sát sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh của tập thể cán bộ, công nhân viên lao động ngành GTVT. Quyết tâm vượt khó, bằng mọi giá phải từng bước hoàn thiện kết cấu, hạ tầng giao thông đáp ứng tốt nhiệm vụ kiến thiết, xây dựng tỉnh, qua đó phát huy vai trò “Đi trước mở đường” của ngành GTVT trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Khởi đầu gian khó
Buổi đầu thành lập với những bộn bề khó khăn của tỉnh Lai Châu mới, ngành GTVT cũng không ngoại lệ. Khi mới chia tách, hạ tầng giao thông chỉ có 5 tuyến quốc lộ (QL): QL4D, QL12, QL32, QL100 và QL279 với tổng chiều dài trên 317km chủ yếu là đường cấp IV, cấp V, cấp VI miền núi. Hệ thống đường tỉnh gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 21km chủ yếu là đường cấp phối. Hệ thống đường huyện, liên xã có chiều dài khoảng 913km, trong đó chủ yếu là đường cấp phối và đường đất, mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở, giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình của một tỉnh miền núi nhiều dãy núi cao như Hoàng Liên Sơn, Pusilung, Pu Sam Cap tạo nên nhiều sông suối dẫn đến địa hình bị chia cắt khiến cho vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vốn đã lớn lại càng lớn hơn.

Chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải có sự phát triển vượt bậc.

Vận tải hành khách và hàng hóa nghèo nàn, toàn tỉnh có 2 bến xe ở thị xã Lai Châu và thị trấn Than Uyên; có 10 tuyến vận tải cố định (trong đó: 4 tuyến liên tỉnh; 6 tuyến nội tỉnh), 11 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải với tổng số 30 xe (chủ yếu của các tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái), chất lượng phương tiện còn thấp, tải trọng nhỏ, chủ yếu là các xe có tải trọng từ 16-24 ghế. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt gần 100.000 lượt người/năm. Các xe vận chuyển hàng hóa chủ yếu là của các tỉnh bạn đảm nhận việc vận chuyển, cung cấp các mặt hàng thiết yếu đến Lai Châu, toàn tỉnh chỉ có gần 200 xe vận chuyển hàng hóa trọng tải nhỏ dưới 10 tấn. Điều kiện phát triển vận tải thuỷ nội địa còn hạn chế, phương tiện thuỷ nội địa tại địa bàn tỉnh chủ yếu là phương tiện phục vụ gia đình của người dân dọc các tuyến sông. Toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở đào tạo giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1, với lưu lượng đào tạo 5.000 người/năm.
Những bước phát triển vững chắc
Những “núi khó khăn” trước mắt và nhiệm vụ nặng nề, khi ấy đã tạo động lực cho những trái tim nhiệt huyết, những bộ óc sáng tạo kiến thiết tỉnh nhà của tập thể người lao động ngành GTVT; cùng với kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, ngành GTVT đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh thực hiện toàn diện trên các mặt của lĩnh vực GTVT. Sau 20 năm chia tách tỉnh đến nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; nhất là các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, các dự án đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối Lai Châu với các tỉnh trong nước và quốc tế; ngành GTVT đã đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở mới. Đến nay, tỉnh có 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 500km và 10 tuyến đường tỉnh có chiều dài khoảng 546km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV, cấp V, cấp VI miền núi. Đường đô thị có tổng chiều dài 199km tập trung ở thành phố Lai Châu và trung tâm các huyện. 100% số xã trên địa bàn đã có đường ôtô đến trung tâm xã và được cứng hóa, trên 90% số bản có đường giao thông đi lại thuận lợi. Việc xây dựng các công trình thủy điện trên các tuyến sông chính: sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Mu đã hình thành các lòng hồ lớn, ngoài nhiệm vụ cung cấp nguồn điện năng, nguồn nước tưới tiêu còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thông đường thủy; số lượng phương tiện vận tải thuỷ nội địa hoạt động trên khu vực lòng hồ thuỷ điện với trên 1.700 phương tiện.

Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang được tiếp tục đầu tư cải tạo.

Vận tải hành khách và hàng hóa có bước phát triển toàn diện, đến nay toàn tỉnh có 5 bến xe khách 75 tuyến vận tải hành khách, trong đó: 63 tuyến liên tỉnh, 12 tuyến nội tỉnh của 39 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vận chuyển hành khách tuyến cố định với trên 300 xe đi 21 tỉnh, thành phố; có 4 đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi với trên 130 phương tiện. Chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải có sự phát triển vượt bậc với các xe khách chất lượng cao, tải trọng lớn từ 35 - 47 ghế. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt trên 1,2 triệu lượt hành khách/năm. Doanh thu vận tải hành khách đạt trên 100 tỷ đồng. Vận tải hàng hoá đã có sự chuyển biến tích cực dần đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có trên 6.000 xe vận chuyển hàng hoá, số lượng lớn phương tiện vận tải có tải trọng lớn tăng cao. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt trên 3 triệu tấn/năm, doanh thu đạt trên 250 tỷ đồng. Công tác đào tạo sát hạch GPLX được hoàn thiện, đã đào tạo thêm hạng GPLX ôtô hạng B, C với lưu lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX hàng năm đạt trên 20.000 lượt người/năm.
Phát huy vai trò “Đi trước mở đường”.
Sau 20 năm chia tách, thành lập đến nay, tỉnh Lai Châu đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Trong thành tựu chung đó có những đóng góp không nhỏ của ngành GTVT, kết cấu hạ tầng giao thông được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Phát huy những kết quả đạt được, theo sát sự chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GTVT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ và hoàn thành mục tiêu 100% số thôn, bản có đường xe máy, hoặc ôtô đi lại thuận lợi theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Qua đó phát huy vai trò “Đi trước mở đường” của
ngành GTVT, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.

Các tuyến giao thông luôn được đảm bảo an toàn, thông suốt.

Với mục tiêu đó, trong thời gian tới, ngành GTVT Lai Châu tiếp tục tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện, đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng xây dựng đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án hầm đường bộ Hoàng Liên; hầm đường bộ qua đèo Khau Co; đàm phán xây dựng cầu đa năng tại cặp cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà (Trung Quốc); tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư dự án sân bay Lai Châu. Mở mới các tuyến vận tải, tăng số lượng, nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX…r

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...