Thứ bảy, 27/04/2024, 12:01 [GMT+7]

Pa Khóa khó giảm tỷ lệ sinh con thứ 3

Thứ năm, 24/08/2017 - 16:07'
6 tháng đầu năm, trên địa bàn xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ) có 26 ca sinh thì 6 ca sinh con thứ 3 (chiếm 23,1%). Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 song đến nay tình trạng này vẫn còn cao.

Pa Khóa là xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ có 451 hộ (2.276 nhân khẩu), với 5 dân tộc: Thái, Dao, Mông, Kinh, Mường cùng sinh sống. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, một số ít bà con vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, chưa có nghị lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tư tưởng “đông con nhiều của”, “trọng nam, khinh nữ”, “sinh con một bề là không may mắn” dẫn đến việc sinh nhiều con... Đây cũng là lý do khiến mức sống của người dân trong xã còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (61,5%).

Cán bộ dân số xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền chính sách dân số tới người dân bản Hồng Quảng 1.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị Vui (bản Phiêng Phai). Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tạm, gương mặt đen sạm, khắc khổ, già nua vì dãi nắng, dầm mưa để mưu sinh, chị Vui tâm sự: “Tôi có 4 con (3 trai, 1 gái). Do muốn “có nếp, có tẻ” sau khi sinh 2 con đầu đều là trai, vợ chồng tôi bàn với nhau sinh thêm con gái mai này đỡ đần, chăm sóc lúc về già. Nhưng con thứ 3 sinh ra lại là trai nên vợ chồng quyết tâm sinh tiếp và cuối cùng mong ước đã thành hiện thực khi con thứ 4 là con gái. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm không đủ gạo ăn, vợ chồng tôi phải nhịn ăn để nhường cơm cho các con”. 

Hay như gia đình anh Cà Văn Dung (bản Hua Ná) đã sinh được 2 bé trai nhưng muốn có thêm con gái, vợ chồng anh cố sinh thêm, nhưng đứa trẻ sinh ra lại là con trai nên gia đình anh Dung đành ngậm ngùi mang đứa con bé bỏng của mình cho người họ hàng cùng bản nuôi và vẫn nuôi ý định sinh tiếp để có con gái. Khi được hỏi về sinh nhiều con, anh Dung bảo: “nhiều con sẽ nhiều của”.

Nhìn những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu do bố mẹ không có điều kiện chăm sóc đầy đủ khiến chúng tôi chạnh lòng. Những người làm cha, làm mẹ đó không ý thức được rằng kinh tế khó khăn lại sinh nhiều con sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: trẻ chậm phát triển; không được học hành đầy đủ... kéo theo đó là một vòng luẩn quẩn: tảo hôn, rồi sinh nhiều con, dẫn đến nghèo đói đeo bám.

Anh Lý A Hùng - cán bộ dân số xã Pa Khóa cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã cao, tập trung ở 2 bản: Hua Ná, Phiêng Phai. Mặc dù chính quyền địa phương, cán bộ y tế xã, y tế bản thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên sinh con thứ 3 trở lên và sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng kết quả vẫn không khả quan. Bởi người dân còn mang nặng tư tưởng sinh nhiều con để đông con, đông cháu và “có nếp, có tẻ”. 

Theo ông Lò Văn So - Chủ tịch UBND xã, để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, chính quyền địa phương chỉ đạo các bản đưa nội dung sinh con thứ 3 vào quy ước, hương ước, nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ là xây dựng trên giấy.

Thiết nghĩ, để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Pa Khóa nói riêng, các xã vùng cao huyện Sìn Hồ nói chung, các cấp, các ngành cần vào cuộc và có biện pháp cụ thể, quyết liệt, góp sức nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân về kế hoạch hóa gia đình.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...