Thứ bảy, 27/04/2024, 11:51 [GMT+7]

Sưu tầm, bảo quản hiện vật: Nhiều khó khăn, thách thức

Thứ tư, 23/10/2019 - 15:24'
Lai Châu là vùng biên viễn, nơi thượng nguồn sông Đà, với đa dạng các văn hóa dân tộc, có truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng. Vì vậy, có nền văn hóa vật thể, phi vật thể khá phong phú với nhiều hiện vật quý mang đậm lịch sử, con người Lai Châu. các hiện vật từ hậu kỳ đá cũ đến thời đại kim khí ở Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung được sưu tầm và trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Do đó, công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật được Bảo tàng tỉnh chú trọng triển khai thực hiện nhằm ưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh sắp xếp, lau dọn hiện vật tại phòng trưng bày.

Hiện Bảo tàng tỉnh có gần 32.200 hiện vật, chủ yếu thuộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu; gồm những vật dụng như: trang phục, bát, đĩa, nhạc cụ...; những bộ sưu tập cổ vật quý như: trống đồng, đỉnh đồng, mũi tên, rìu... Để có được khối tài sản khổng lồ là những di sản văn hóa, tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc Lai Châu, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức khai quật các hiện vật lịch sử; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân hiến tặng các hiện vật, góp phần bổ sung, tạo sự phong phú về loại hình, chủng loại, chất liệu cho kho lưu giữ tư liệu, hiện vật tại bảo tàng. Tuy nhiên, bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật.

Ông Vàng Ngọc Du - quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong 6 khâu hoạt động của Bảo tàng thì khâu tiến hành sưu tầm các tài liệu, hiện vật phù hợp với nội dung trưng bày của Bảo tàng; tổ chức công tác kho và thực hiện các biện pháp bảo quản đối với các tài liệu, hiện vật là 2 khâu được Bảo tàng tỉnh chú trọng triển khai thực hiện và cũng là khâu gặp khó khăn nhất. Cùng với đó, thiếu cơ sở vật chất dẫn đến không gian trưng bày hạn hẹp; không có phòng bảo quản riêng ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo quản các hiện vật, cũng như thu hút khách du lịch.

Thực hiện công tác sưu tầm, hàng năm, Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, nhưng kinh phí hàng năm cho việc sưu tầm còn thấp (năm 2018 khoảng 50 - 70 triệu đồng gồm công tác phí, tổ chức các đợt khảo sát, thu mua hiện vật...). Trong khi để có thể tìm và mua những hiện vật, cán bộ Bảo tàng phải xuống cơ sở khảo sát, tìm hiểu và vận động người dân bán hoặc quyên góp, mất nhiều thời gian, tiền bạc. Nhất là hiện vật thường có giá trị văn hóa cao, giá thành đắt, do đó việc sưu tầm chưa đạt kết quả cao. Đó là một trong những yếu tố dẫn đến không hoàn thành kế hoạch năm 2018 khi đơn vị xây dựng kế hoạch sưu tầm 80 hiện vật dân tộc Lào nhưng thực tế chỉ sưu tầm được 46 hiện vật. Đối với công tác bảo quản hiện vật ở bảo tàng hiện nay chủ yếu là thủ công bằng hóa chất, bằng tay chứ chưa được đầu tư máy móc, trang thiết bị hỗ trợ việc bảo quản. Trong khi các hiện vật ở bảo tàng đa dạng về chất liệu như: gỗ, tre, nứa, sắt, đồng, vải... do đó dẫn đến hiện tượng mối mọt, sỉn và rỉ. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2005 nhưng từ đó đến nay chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nơi làm việc của cán bộ và không gian trưng bày, phòng bảo quản mượn nhà kho bảo quản di sản văn hóa lòng hồ Thủy điện Sơn La - Lai Châu. Trong khi hiện vật có số lượng lớn, phong phú về chủng loại, chất liệu đòi hỏi phải có không gian trưng bày, có phòng kho và máy móc riêng biệt để bảo quản trị liệu và bảo quản phòng ngừa nhằm đảm bảo lưu giữ hiện vật tồn tại lâu dài.

Để khắc phục khó khăn, đơn vị tiến hành sưu tầm hiện vật theo từng vùng, từng dân tộc đảm bảo đủ sắc màu của 20 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn; cán bộ thường xuyên lau chùi, phân loại, kiểm kê bảo quản phòng ngừa hiện vật bằng hóa chất, bằng tay tại kho và phòng trưng bày; phân chia và trưng bày hiện vật theo 5 nội dung chính tại phòng trưng bày đảm bảo xúc tích, bắt mắt và có tính kết nối nhằm đem lại cho du khách đến tham quan cảm giác hứng thú, dễ hiểu. Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến tặng các hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, con người Lai Châu; cán bộ tích cực xuống cơ sở, những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để tìm hiểu, khảo sát và sưu tầm. Chị Đăng Thị Hồ Trúc - cán bộ kho Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ bảo quản nhưng tôi đã nỗ lực học tập các biện pháp bảo quản thủ công bằng tay, hóa chất. Nếu là đồ bằng tre nứa, gỗ thì sử dụng dung dịch chống mối mọt (chế phẩm CMM), cồn và xịt các loại thuốc diệt côn trùng, chống nấm mốc; thường xuyên lau chùi, phơi nắng các trang phục truyền thống tránh ẩm mốc”.

Khắc phục những khó khăn, 9 tháng năm 2019, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thiện sưu tầm 43 hiện vật dân tộc Khơ Mú trên địa bàn huyện Tân Uyên, Sìn Hồ; hoàn thành sửa chữa, gia cố hệ thống panô ảnh phục vụ trưng bày lưu động; thu hút hơn 15 nghìn khách tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu... Tuy nhiên, để các hoạt động của Bảo tàng tỉnh đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, thời gian tới, các cấp, các ngành cần có những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho Bảo tàng tỉnh, qua đó góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...